Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:31

Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:31

Kinh nghiệm hoạt động

Cập nhật lúc 11:30 ngày 22/07/2013

Dấu ấn công đoàn trên những công trình trọng điểm quốc gia

Hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, thi đua yêu nước đã trở thành truyền thống quý báu, nét đẹp của ngành xây dựng. Bằng những việc làm chủ động, thiết thực, sáng tạo, Công đoàn Xây dựng Việt Nam và các cấp công đoàn đã khẳng định vai trò nòng cốt trong việc phát động, tổ chức các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua trên các công trình trọng điểm quốc gia.

Ở đâu có công đoàn, ở đó có thi đua

Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bình cho biết: "Phát động và tổ chức các phong trào thi đua trên công trình trọng điểm quốc gia là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ðây là các công trình yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ, an toàn. Số lượng đơn vị, lực lượng thi công đông đảo cùng nhiều máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại. Ðể phong trào thi đua đạt hiệu quả cao, Công đoàn ngành xây dựng đã tổ chức bộ máy làm công tác thi đua tại hiện trường. Ngoài việc phổ biến chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa trong xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, vận động người lao động tích cực lao động sản xuất, phát huy tính chủ động, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành từng hạng mục công trình, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, công đoàn đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Qua đó, đào tạo, xây dựng đội ngũ công nhân, lao động trưởng thành cả về chính trị, tay nghề, ý chí, nghị lực vươn lên".

4d6057505_bao_nhan_dan.jpg

Công nhân Công ty Someco (Tập đoàn Sông Ðà) trên công trường Thủy điện Xêkaman3.

Ðể làm tốt công việc trên, Công đoàn Xây dựng Việt Nam thường xuyên chỉ đạo công đoàn các đơn vị tổ chức có hiệu quả ba cuộc vận động lớn của ngành cũng như các phong trào thi đua " Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật", phong trào kèm cặp và nâng cao tay nghề... thu hút được nhiều đơn vị trong và ngoài ngành tham gia. Ban Thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam thường xuyên đổi mới nội dung, biện pháp tổ chức để đưa phong trào đi vào cuộc sống người lao động.

Qua các phong trào này, công nhân, viên chức, lao động ngành xây dựng khẳng định bản lĩnh vững vàng, tài trí sáng tạo, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến; hiện đại trong thiết kế, thi công, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Từ bàn tay tài hoa và sự nỗ lực, hơn ba trăm nghìn cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động ngành xây dựng Việt Nam đã tạo nên những công trình dân dụng, công nghiệp, thủy lợi, thủy điện, giao thông, văn hóa xã hội... có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội sâu sắc. Có thể kể tới: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủy điện Thác Bà, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công trình cầu Thủ Thiêm, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Nhiệt điện Vũng Áng...

Trên những công trình thế kỷ

Nhà máy thủy điện Sơn La là công trình có quy mô lớn, với sự tham gia của mười đơn vị thuộc các Tổng công ty mạnh trong cả nước. Lực lượng lao động trên công trình thời điểm tập trung cao nhất tới gần 11 nghìn người. Ngay từ khi khởi công, Ban Thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam chỉ đạo Công đoàn Tổng công ty Sông Ðà thành lập Ban Công đoàn công trình thủy điện Sơn La làm đầu mối, phối hợp các Công đoàn bạn tổ chức phong trào thi đua liên kết tại công trình. Làm tốt công tác chăm lo đời sống, quan tâm nơi ăn, nghỉ, điều kiện làm việc của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động. Ðộng viên thăm hỏi, tặng quà người lao động khi ốm đau, gặp hoàn cảnh khó khăn, dịp lễ, Tết. Phối hợp giữa các nhà thầu, giữa nhà thầu với Ban quản lý nhằm giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chế độ, chính sách, tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công tác an toàn lao động... Công đoàn chủ động phối hợp Ban quản lý dự án, các nhà thầu liên tục phát động các chiến dịch thi đua: "Chiến dịch 250 ngày đêm" vì mục tiêu hoàn thành đào hố móng, thực hiện ngăn sông đợt hai thắng lợi; "Chiến dịch 135 ngày đêm" hoàn thành tiến độ đổ bê-tông đầm lăn RCC; "Chiến dịch 335 ngày đêm" hoàn thành các hạng mục chính năm 2008, "Chiến dịch thi đua 125 ngày đêm phát điện tổ máy số 1". Với nỗ lực phi thường làm việc ba ca, bốn kíp/ngày, liên tục trong bảy năm, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng Tây Bắc, góp phần quyết định làm nên "kỳ tích Sơn La", với nhiều đỉnh cao. Công trình về đích trước ba năm so với kế hoạch, làm lợi cho Nhà nước khoảng 1,5 tỷ USD. Qua đó, một cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 515 lượt tập thể, hơn hai nghìn lượt cá nhân được các cấp khen thưởng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia, có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã chủ động phối hợp lãnh đạo Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng thi đua, Ban chỉ đạo thi đua liên ngành, phát động thi đua trên toàn công trình với chiến dịch thi đua 200 ngày đêm. Thành lập Văn phòng thường trực thi đua tại công trình, huy động công đoàn các đơn vị tham gia xây dựng công trình thường trực 24/24 giờ. Cán bộ công đoàn tham gia thường trực trên công trình luôn đóng vai trò xung kích trong chiến dịch thi đua, trực tiếp phối hợp kiểm tra các hạng mục công trình thi công. Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của hơn 40 tập thể và gần năm nghìn công nhân, viên chức, lao động, công trình đã hoàn thành, vinh dự được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị APEC lần đầu tại Việt Nam.

Nhằm động viên, khích lệ kịp thời người lao động, thời gian tới công đoàn ngành xây dựng thường xuyên tuyên truyền, tổ chức biểu dương, khen thưởng các gương người tốt, việc tốt, tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua. Tỷ lệ khen thưởng cân đối giữa cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua là cần phải có đội ngũ cán bộ công đoàn có trình độ, năng lực tổ chức, quản lý, nhiệt tình với phong trào, được quần chúng tín nhiệm. Vì vậy, Tổng LÐLÐ Việt Nam cần phối hợp các ban, ngành, đề ra những chính sách khuyến khích, đãi ngộ xứng đáng để cán bộ công đoàn yên tâm công tác tại các công trình, nhất là các công trình ở vùng sâu, vùng xa.

Theo Nhandan
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 9
  • 4
  • 2
  • 7
  • 4
lên đầu trang