Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:38

Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:38

Kinh nghiệm hoạt động

Cập nhật lúc 10:14 ngày 18/07/2013

Làm chủ tiến độ: Công Ty LILAMA miệt mài chạy đua với thời gian.

Những ngày tháng 7, trên công trường nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1, xen giữa những ngày mưa xối xả là cái nắng bỏng rát đến cháy da, cháy thịt. Nắng như thiêu như đốt nhưng những cán bộ, kỹ sư, công nhân của TCTy LILAMA vẫn miệt mài chạy đua với thời gian.

     e28854779_dsc_2657.jpg

Toàn cảnh công trường XD nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1

Lập kỷ lục mới về tiến độ

Kỹ sư Hoàng Ngọc Bằng, phụ trách Hành chính-Ban Dự án Điện Mông Dương 1 (TCty LILAMA) cho biết: Áp lực tiến độ của dự án rất cao nên trước khi ký hợp đồng với tổng thầu Huyndai (Hàn Quốc) một tháng, LILAMA đã phải vào làm việc. Các quy định về an toàn lao động phải đảm bảo tuyệt đối, và đặc biệt, không được để chậm tiến độ”.

Để làm được điều đó, LILAMA đã huy động đến công trường 1.200 công nhân, hàng trăm cán bộ, kỹ sư đến từ 9 đơn vị thành viên. Theo hợp đồng đã ký kết với tổng thầu Huyndai, LILAMA đảm nhận lắp đặt thiết bị 07 gói thầu gồm: nhà Tuabine; Lò hơi và thiết bị phụ trợ số 1, 2, 3, 4; Lắp đặt các hệ thống phụ trợ; Hệ thống xử lý nước và các bồn bể; Lắp đặt ống ngầm; Gia công và lắp đặt ống nổi…. Kỹ sư Đào Văn Nhất-người mới được tuyển vào làm việc tại Ban dự án Điện Mông Dương 1 chia sẻ: “Em rất vui khi vừa học xong lại được tuyển dụng vào làm việc tại công trình trọng điểm quốc gia này. Làm việc với nhà thầu nước ngoài khá vất vả, thời gian gò bó nhưng bù lại, em đã học hỏi được rất nhiều từ đối tác và đồng nghiệp của mình”. Còn kỹ sư Nguyễn Xuân Giang, Chỉ huy trưởng CTy CP LILAMA 10 tại Mông Dương thì cho biết: LILAMA 10 đảm nhận lắp đặt lò 2B và toàn bộ hệ thống cứu hỏa của nhà máy. Hiện tại, LILAMA 10 có 150 người tham gia trên công trường, nhưng lúc cao điểm dự kiến có thể huy động từ 700-800 người. Mặc dù đặc thù của công trình này là yêu cầu an toàn rất khắt khe và tiến độ gấp rút nhưng LILAMA 10 vẫn đạt được mốc tiến độ đề ra.

Tính đến thời điểm này, hầu hết các hạng mục do LILAMA lắp đặt đã vượt tiến độ 1,5 tháng. Tại buổi lễ nâng bao hơi lò hơi 1A của nhà máy được tổ chức tháng 6 vừa qua, ông Choi Jae Chan, Phó TGĐ Cty Xây dựng Huyndai khẳng định: “Mặc dù còn nhiều khó khăn về địa chất, thời tiết nhưng tiến độ của nhà máy đã đạt mục tiêu chúng tôi đề ra. Chúng tôi cảm ơn LILAMA về điều đó. Hiện tại nhà máy nhiệt điện Mông Dương đã lắp đặt được 58% tiến độ và chúng tôi tin tưởng có thể đạt 63% trong năm 2013”.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp

Mặc dù tiến độ, kinh phí cũng như các hạng mục thi công của nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 được vận hành khá trôi chảy so với một số dự án trọng điểm khác, song những người thợ lắp máy vẫn không khỏi trăn trở vì đây là một trong những nhà máy có tỷ lệ nội địa hóa khá thấp. Vốn là giám đốc nhà máy chế tạo thiết bị của LILAMA ở Hà Nam, kỹ sư Nguyễn Xuân Giang hiểu rõ điều này. Anh cho biết: Thiết bị lắp đặt nhà máy chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, chỉ có một phần nhỏ kết cấu thép và thiết bị phụ trợ như nhà kho than, kết cấu băng tải than… chế tạo trong nước. Trong khi đó, khoảng từ 50-70% thiết bị trong nước hoàn toàn có thể chế tạo và cung cấp được. Chẳng hạn, toàn bộ phần kết cấu thép, tuabin máy phát, hệ thống ống thông gió, cứu hỏa, kho than, kho đá, bồn bể, lọc bụi, ống khói v.v.…trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được. Hoặc theo yêu cầu của hợp đồng, phần kết cấu thép nhà tuabin lò hơi cũng phải nhập khẩu, trong khi đó, LILAMA đã chế tạo và lặp đặt thiết bị này đạt chất lượng cao ở nhà máy nhiệt điện Vũng Áng.

Nguyên do là bởi, dự án điện Mông Dương sử dụng vốn vay của nước ngoài nên tổng thầu có quyền lựa chọn nhà cung cấp thiết bị. Thế nên, tỷ lệ nội địa hóa ở công trình này chỉ vào khoảng 30%. “Mình vay tiền họ. Họ mang thiết bị sang rồi đưa tiền về. Mặc dù có quy định ưu tiên nhà thầu trong nước nhưng mình vẫn chỉ là người làm thuê”, kỹ sư Nguyễn Xuân Giang nhận định !

Dự án Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 do EVN làm chủ đầu tư, là một trong hai nhà máy của Trung tâm Điện lực Mông Dương, thuộc Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2006-2015. Nhà máy có tổng công suất lắp đặt 1.080MW (2x540MW), sản lượng điện phát hàng năm 6,5 tỷ kWh, được xây dựng tại Khu 3, phường Mông Dương , thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Nhà thầu Hyundai Engineering and Construction Co., Ltd (Hàn Quốc) được chọn là nhà thầu đảm nhận toàn bộ các hạng mục từ thiết kế, cung cấp, lắp đặt chạy thử bàn giao đưa vào vận hành và bảo hành với với giá trị hợp đồng lên tới 1,274 tỷ USD.

Theo kế hoạch, tổ máy số 1 sẽ được hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại sau 40 tháng (quý 1/2015) và tổ máy số 2 sẽ đưa vào vận hành sau 46 tháng (dự kiến quý 3/2015).

 Theo Lilama.com

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 5
  • 7
  • 5
  • 7
  • 5
lên đầu trang