Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:07

Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:07

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 02:58 ngày 06/04/2023

Luật BHXH phải nâng chế tài xử phạt với các hành vi trốn, nợ đóng BHXH

Chiều 5.4, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cán bộ công đoàn về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Chủ trì hội thảo có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Bá Hoan - Phó Trưởng ban soạn thảo Luật BHXH sửa đổi.

Luật BHXH phải nâng chế tài xử phạt với các hành vi trốn, nợ đóng BHXH

Hội thảo lấy ý kiến cán bộ công đoàn về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Tổng LĐLĐVN tổ chức. Ảnh: Hải nguyễn

Đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu xuống 15 năm 

Tại hội thảo, đại diện Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) đã giới thiệu về kế hoạch và lộ trình xây dựng Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Theo đó, từ 1.3.2023, ban soạn thảo sẽ gửi lấy ý kiến các Ban, bộ, ngành, địa phương, đăng website; từ 5.2023 - gửi Bộ Tư pháp thẩm định; 6.2023 - trình Chính phủ; 7.2023 - trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; 10.2023 - Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

Theo đại diện Bộ LĐTBXH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được thiết kế gồm 9 Chương (giữ nguyên số Chương) và 133 Điều (nhiều hơn 8 Điều so với luật hiện hành). 

Theo Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nội dung sửa đổi chính tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, với nhiều nội dung lớn được sửa đổi bổ sung như: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng BHXH cơ bản, tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung hình thành hệ thống BHXH đa tầng, đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH; mở rộng đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm để những người tham gia muộn và tham gia không liên tục (thời gian đóng ngắn) cũng có cơ hội hưởng lương hưu; quy định về hưởng BHXH một lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH và bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH nhằm nâng cao tính tuân thủ đảm bảo quyền lợi về BHXH cho NLĐ…

DN nợ BHXH thiệt thòi nhất là NLĐ

Góp ý cho Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhiều cán bộ công đoàn nêu thực trạng do doanh nghiệp nợ đóng BHXH kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ), nhất là những người ở doanh nghiệp có chủ bỏ trốn…

Ông Dương Đức Khanh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình nêu thực trạng, việc DN nợ BHXH thì khó khăn và thiệt thòi nhất là NLĐ.

Ông Khanh dẫn chứng, vừa qua tại Ninh Bình, hàng nghìn NLĐ bị DN nợ BHXH, sau đó chủ DN tẩu tán tài sản, bỏ trốn, nên NLĐ bị trắng tay! 

Ông Khanh đề nghị bổ sung một khoản vào Điều 19 Dự thảo như sau: Yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan BHXH cung cấp, chia sẻ thông tin về BHXH của NLĐ. Để tổ chức Công đoàn nắm rõ tình trạng đóng BHXH cho NLĐ tại DN - nhằm khi DN có hiện tượng nợ, trốn đóng BHXH thì tổ chức công đoàn kịp thời có biện pháp can thiệp ngay, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, NLĐ. 

Đại diện LĐLĐ tỉnh Phú Thọ, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang cho rằng, để đảm bảo quyền lợi BHXH của NLĐ thì Luật BHXH phải nâng chế tài xử phạt với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH để tăng tính răn đe, góp phần giảm thiểu tình trạng người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Trao đổi với phóng viên, bà Chu Ngọc Hoa Liễu - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hưng Yên - có ý kiến đề nghị bổ sung quy định: “Nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ BHXH; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia BHXH”.

Bà Chu Ngọc Hoa Liễu nêu, thực tế hiện nay, có tình trạng thu gom mua bán, cầm cố sổ BHXH với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị được thanh toán BHXH một lần, dưới hình thức ủy quyền làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần, dẫn đến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng, đã phát sinh tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo trong việc cho vay, cầm cố…, Chính phủ đã có chỉ đạo tại Công văn số 2858/VPCP-NC ngày 12.4.2020 về việc thông tin báo chí phản ánh việc nhiều đối tượng thu gom, mua bán sổ BHXH nhằm trục lợi. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khi tuyển lao động chỉ tuyển người dưới 30 tuổi, phải có bằng tốt ngiệp PTTH … dẫn đến NLĐ mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia BHXH.

Các cán bộ công đoàn cũng đã góp ý về việc 2 phương án nhận, hưởng chế độ BHXH một lần; cơ quan nào thực hiện khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH; quy định quản lý thu, đóng BHXH...

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho biết, Luật BHXH có tác động rộng lớn tới nhiều đối tượng, trong đó có NLĐ. Với tư cách là cơ quan đại diện cho NLĐ, nói lên tiếng nói của NLĐ, Tổng LĐLĐVN phối hợp với Bộ LĐTBXH tổ chức hội thảo. Đây là cơ hội để các cán bộ công đoàn từ thực tiễn công tác của mình trên cơ sở lắng nghe ý kiến, mong muốn, nhu cầu nguyện vọng chính đáng của NLĐ…, sẽ cho ý kiến đóng góp để giúp cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) ngày càng hoàn thiện. Và Tổng LĐLĐVN sẽ tổ chức nhiều hội thảo như buổi hôm nay.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm, liên quan đến Luật BHXH, trước đây khi chỉnh sửa cũng là lý do gây ra tranh chấp lao động tập thể…, do đó, rút kinh nghiệm từ những lần trước, Ban soạn thảo rất quan tâm đến việc vừa lấy ý kiến, vừa truyền thông chính sách tới người dân, NLĐ để họ thể hiện quan điểm của mình theo hướng tích cực, xây dựng…, tránh có những phản ứng tiêu cực. 

“Trên cơ sở ý kiến tại hội thảo, các cán bộ công đoàn khi trở về địa phương cũng cần thông tin tới cán bộ công đoàn cơ sở, NLĐ, người sử dụng lao động, để họ nắm được thông tin và bày tỏ ý kiến thông qua các kênh thông tin như cổng thông tin điện tử, cán bộ công đoàn… Thông qua hội thảo sẽ đạt được mục tiêu đề ra là góp được tiếng nói của NLĐ, người dân để có được một dự thảo Luật BHXH mang tính khả thi” - ông Ngọ Duy Hiểu nêu ý kiến.

Theo TLĐ
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 9
  • 3
  • 8
  • 6
  • 0
lên đầu trang