Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 25/04/2024 | 18:26

Thứ năm, 25/04/2024 | 18:26

Tin CĐXDVN

Cập nhật lúc 05:52 ngày 16/03/2023

Công đoàn Xây dựng Việt Nam: Hành trình 66 năm xây dựng và phát triển

Công đoàn Xây dựng Việt Nam - tiền thân là Công đoàn Xây dựng Cơ bản Việt Nam - được thành lập ngày 16/3/1957. Trải qua 66 năm xây dựng và phát triển, qua 13 kỳ đại hội với các tên gọi khác nhau: Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam (3/1957- 4/1958), Công đoàn Kiến trúc Việt Nam (4/1958-11/1973) và Công đoàn Xây dựng Việt Nam (từ tháng 11/1973 đến nay). Đến nay Công đoàn Xây dựng Việt Nam hiện đang quản lý 57 công đoàn trực thuộc, 450 công đoàn cơ sở với tổng số 78.950 đoàn viên, trong đó có 78 cán bộ công đoàn chuyên trách; chỉ đạo phối hợp 20 công đoàn xây dựng khối địa phương.
Trong 66 năm hoạt động, ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, Công đoàn Xây dựng Việt Nam cũng luôn bám sát chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, cụ thể hóa thành chương trình, phong trào hành động cách mạng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Ngành.
 Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, luôn thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội ngành nghề với 3 chức năng cơ bản là: Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, CNVCLĐ thuộc Ngành; tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; nghiên cứu,  tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của Ngành.
Ngay từ khi mới ra đời, Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc thực hiện kế hoạch 3 năm khôi phục và phát triển kinh tế (1955-1957), 3 năm phát triển, cải tạo kinh tế (1958-1960) và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) với những thành tựu đáng khích lệ. Đặc biệt, trong những năm của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, CNVCLĐ ngành Xây dựng đã góp phần làm đổi thay bộ mặt của đất nước, bằng thành quả lao động của mình đã xây dựng được hàng trăm công trình lớn nhỏ như: thiếc Cao Bằng, Thủy điện Thác Bà, Nhà máy cơ khí Hà Nội, Nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá, nhà máy giấy Bãi Bằng- khu công nghiệp dệt Việt Trì… Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, cán bộ, CNVCLĐ ngành Xây dựng đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ quốc “Vừa sản xuất, vừa chiến đấu”.
Năm 1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Đại hội lần thứ IV Công đoàn Xây dựng Việt Nam là Đại hội phát động phong trào công nhân viên chức, đổi mới hoạt động công đoàn trong thời kỳ mới - thời kỳ cả nước thống nhất, hoà bình và cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và mục tiêu của ngành Xây dựng trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980), Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã hướng trọng tâm vào việc hình thành công đoàn ngành Xây dựng các tỉnh phía Nam, tăng thêm sức mạnh tập hợp lực lượng, tổ chức vận động công nhân, viên chức thi đua hoàn thành nhiệm vụ sản xuất công tác, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch của Ngành.
Nhưng ngay sau đó tiếp tục là những thử thách với đất nước: lũ lụt triền miên, chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây - Nam, khủng hoảng giá-lương-tiền, lạm phát phi mã ba con số… gây nhiều thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân cả nước, trong đó có CNVC ngành Xây dựng. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, năm 1988, Đại hội CĐXDVN lần thứ VII là Đại hội đổi mới nhận thức, đổi mới nội dung, đổi mới phương pháp hoạt động của cả hệ thống công đoàn Ngành nhằm vận động cán bộ, CNVCLĐ phấn đấu thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế - xã hội của Nhà nước giao cho Ngành, thực hiện chủ trương, chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Đảng đề ra. 
Thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội VII và các Đại hội tiếp theo, trong những năm đổi mới, nhất là những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, ngành Xây dựng Việt Nam đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát huy quyền làm chủ tập thể, thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, với khẩu hiệu “Công nhân viên chức ngành Xây dựng sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì để sản xuất ra của cải phục vụ Tổ quốc”. Với tinh thần đó, hàng nghìn cán bộ công nhân ngành Xây dựng đã lên đường đi đến khắp mọi miền đất nước để xây dựng các công trình trọng điểm như: thuỷ điện Hòa Bình, thuỷ điện Trị An, thuỷ điện Yaly, thuỷ điện Sơn La, thuỷ điện Tuyên Quang, thuỷ điện Lai Châu, Dung Quất, Vũng Áng, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà Quốc hội.... Các cuộc vận động lớn của Ngành như “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng”, “Tổ chức tốt hơn điều kiện sống và làm việc của công nhân viên chức lao động trong ngành Xây dựng” và “Xây dựng đội ngũ CNVCLĐ ngành Xây dựng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm tiếp tục được đẩy mạnh; CĐXDVN đã phối hợp với Bộ Xây dựng chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện 03 chương trình của Ngành về cải cách hành chính, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của CNVCLĐ ngành Xây dựng, từ năm 2013 đến nay, CĐXDVN triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, XIII Công đoàn Xây dựng Việt Nam. Tập thể cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành Xây dựng luôn nêu cao tinh thần chủ động sáng tạo và ý thức trách nhiệm, tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của từng cá nhân, đơn vị, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của Ngành, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Công đoàn Xây dựng Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Công đoàn Xây dựng Việt Nam (16/3/1957 – 16/3/2017)

Những đóng góp quan trọng, to lớn của phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn trong 66 năm qua của Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quí. Tiêu biểu là Huân chương Lao động hạng Nhì (1983), Huân chương Độc lập hạng Ba (1997), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2008), Cờ Thi đua của Chính phủ (2011), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2013), Huân chương Lao động hạng Nhì (lần 2 năm 2017) và nhiều Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Xây dựng, các Bộ ngành Trung ương…
Trước những cơ hội và thử thách mới, Công đoàn Xây dựng Việt Nam kế thừa, phát huy truyền thống hào hùng của công nhân, viên chức, lao động ngành Xây dựng, tiếp tục đổi mới toàn diện về nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của của ngành Xây dựng, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Thành quả đạt được trong chặng đường 66 năm qua là niềm tự hào chính đáng, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của Công đoàn Xây dựng Việt Nam trong chặng đường tới.
CĐXDVN

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 1
  • 6
  • 2
  • 7
  • 5
lên đầu trang