Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:32

Thứ sáu, 29/03/2024 | 04:32

Chào mừng Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập CĐXDVN (16/3/1957-16/3/2022)

Cập nhật lúc 09:41 ngày 16/02/2022

Sự ra đời của Công đoàn Xây dựng Cơ bản Việt Nam

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954), nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Miền Bắc đi theo con đường XHCN, bước vào thời kỳ hòa bình và khôi phục kinh tế. Miền Nam, với chính sách của Ngô Đình Diệm, nhân dân phải sống trong chế độ thực dân mới kiểu Mỹ, phụ thuộc hoàn toàn vào tư bản nước ngoài.
Chế độ thực dân nửa phong kiến và 9 năm chiến tranh chống thực dân Pháp đã để lại cho miền Bắc một nền kinh tế lạc hậu, bị tàn phá nặng nề. Nhiều cơ sở sản xuất ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… vốn nhỏ bé, nay lại bị bọn thực dân phá hoại trước khi rút khỏi miền Bắc, lâm vào tình trạng đình đốn. Nền sản xuất thủ công nghiệp vốn nghèo nàn nay lại càng khó khăn. Đời sống nhân dân ở một số thành thị có nguy cơ cùng quẫn vì số người buôn quá đông, hàng hóa lại ít ỏi. Nạn thất nghiệp tràn lan khiến cho hàng ngàn người mất việc làm.
Ngành xây dựng - kiến trúc là ngành có vị trí quan trọng trong công cuộc khôi phục kiến thiết phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thứ nhất, lực lượng cán bộ quá mỏng, trình độ quản lý và kỹ thuật còn nhiều non kém, chưa có kinh nghiệm. Thứ hai, đội ngũ công nhân còn ít ỏi, phần lớn là lao động giản đơn, nhất là đội ngũ công nhân xây dựng thường làm việc theo kiểu tự do, tay nghề thấp. Giai đoạn này, miền Bắc có 3,3 vạn công nhân, trong đó có khoảng 2 vạn công nhân mới được tuyển dụng trực thuộc Cục Xây dựng. Phần lớn số công nhân này là bộ đội, thanh niên xung phong chuyển ngành và một số cán bộ miền Nam tập kết. Họ là những người vừa bước ra từ cuộc chiến tranh, chưa được đào tạo bài bản và cũng chưa qua kinh nghiệm thực tế. Một số khác tuyển từ nông thôn, là những thanh niên mới lớn và những người xây dựng tự do, chủ yếu là thợ mộc, thợ nề và thợ sắt, có ít kinh nghiệm, chỉ quen xây dựng các công trình nhỏ lẻ nên tư duy bảo thủ, chưa có ý thức, tác phong công nghiệp. Bởi thế, để đáp ứng nhu cầu khôi phục nền sản xuất một cách kịp thời, tất cả các công nhân đều phải vừa học vừa làm, thông qua sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc tại công trường, xí nghiệp.
Trước tình hình khủng hoảng về nhân lực và nguồn tài chính, muốn đưa miền Bắc tiến theo con đường XHCN, công việc khôi phục lại các nhà máy, xí nghiệp, thủy lợi, giao thông được Trung ương ưu tiên hàng đầu. Tại Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 11 khoá II (mở rộng), Trung ương Đảng đã chỉ ra phương châm cụ thể cho Ngành là:
Về xây dựng cơ bản: “Thực hiện đúng phương châm của việc đầu tư là đẩy mạnh sản xuất công nghiệp nhẹ và nông nghiệp; ra sức cải tiến kỹ thuật xây dựng, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, đảm bảo các công trình hoàn thành đúng thời hạn.Ưu tiên và chủ yếu đầu tư vào việc phát triển công nghiệp nhẹ; coi trọng việc đầu tư vào thủy lợi và xây dựng các kho tàng; củng cố và phát triển vững chắc, hợp với yêu cầu và khả năng của sự nghiệp văn hoá - xã hội, hạn chế việc xây dựng các cơ sở không sản xuất. Trong công tác xây dựng, cần cố gắng khắc phục khó khăn còn lâu dài về thiết kế; củng cố các đội xây dựng; phân biệt công trình chủ yếu và thứ yếu, tiến hành xây dựng có trọng điểm để hoàn thành xây dựng nhanh và tốt; cần chuẩn bị chu đáo khi mở công trường. Sử dụng hợp lý nhân lực và nguyên, nhiên, vật liệu, tận dụng thiết bị sẵn có. Hết sức chống lãng phí để hạ giá thành xây dựng”.
Thực hiện chủ trương trên, ngành Xây dựng đã tiến hành xây dựng những công trình đầu tiên của CNXH như: công trình Nhà máy Chè Phú Thọ, Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), nhà máy cơ khí Trung quy mô Hà Nội, Nhà máy Gỗ diêm Cầu Đuống, cá hộp Hải Phòng, điện Lào Cai, Hàm Rồng, Vinh và hàng loạt các công trình khác như xay xát, xăng dầu, thuỷ lợi, đường sắt, y tế, giáo dục, văn hoá...
Nhờ có nhiều công trình văn hóa, y tế, giáo dục… miền Bắc từng bước được đổi thay. Trên các công trường xây dựng, một đội ngũ công nhân xây dựng mới XHCN đã được hình thành. Đây là đội ngũ có vai trò to lớn và quan trọng trong công cuộc kiến thiết cơ bản, phát triển đất nước những năm đầu hòa bình tại miền Bắc Việt Nam.
Tính đến trước ngày thành lập Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam (3/1957), đội ngũ lao động ngành Xây dựng ở miền Bắc đã phát triển lên tới 13.000 người, trong đó có 24 kiến trúc sư, kỹ sư, 6 kỹ thuật viên. Ngoài ra, còn một lực lượng hùng hậu công nhân xây dựng ở các địa phương do các Sở, Ty quản lý gồm 36.425 người. Như vậy, đến đầu năm 1957, tổng số CNVC ngành Xây dựng toàn miền Bắc đã lên tới 49.425 người.
Nhận thức rõ vai trò của công nhân xây dựng trong công cuộc kiến thiết miền Bắc XHCN, Đảng đã có đường lối chỉ đạo đúng đắn đối với TLĐLĐVN để kịp thời tổ chức đội ngũ trong điều kiện mới với chủ trương “bồi dưỡng lao động về vật chất, tinh thần, kỷ luật, nghiệp vụ đi liền với việc phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động và hiệu suất công tác. Phát huy tác dụng của công đoàn và đoàn thanh niên trong việc sản xuất và xây dựng”.
Về mặt tổ chức, trước năm 1957, ở Trung ương chưa hình thành Công đoàn ngành nên việc chỉ đạo, tổ chức phong trào công nhân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, do đó không phát huy hết tiềm năng thực tế và khả năng lao động sáng tạo của đội ngũ công nhân.
Trước khi có chủ trương thành lập công đoàn ngành, lãnh đạo Bộ Thủy lợi - Kiến trúc, trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng Trần Đăng Khoa và đồng chí Bùi Quang Tạo - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi - Kiến trúc đã chú ý đến vấn đề tổ chức, cán bộ công đoàn. Liên tiếp trong các năm 1955, 1956 và đầu 1957, Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc đã cử nhiều cán bộ ưu tú của ngành đi tập huấn tại các lớp bồi dưỡng cán bộ công đoàn do TLĐLĐVN tổ chức. Trên cơ cở nghiên cứu tình hình thực tiễn và quán triệt đường lối dân vận của Đảng, lãnh đạo Bộ phân công đồng chí Bùi Quang Tạo, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc chỉ đạo xây dựng đề án và thực hiện các khâu tổ chức, kịp thời đề nghị TLĐLĐVN cho thành lập Công đoàn ngành Xây dựng cơ bản Việt Nam theo hệ thống ngành dọc, thống nhất từ Trung ương tới các địa phương và cơ sở.

Câu lạc bộ Đoàn Kết, Hà Nội - địa điểm Hội nghị họp thống nhất thành lập Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam (nay là số nhà 63 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Được  sự  nhất  trí của TLĐLĐVN, từ ngày 12 đến 16 tháng 3 năm 1957,  tại  Câu  lạc  bộ Đoàn kết, Hà Nội (nay là số nhà 63 Lý Thái
Tổ, quận Hoàn Kiếm,Hà Nội), đã diễn ra Hội nghị cán bộ các đơn vị cơ sở thuộc Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc. Dự họp có 68 đại biểu của 26 cơ sở (trong đó có 16 chiến sĩ thi đua) và đại diện Liên hiệp Công đoàn các tỉnh Thanh Hoá, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nội, Phú 
Thọ, Lào Cai... Các đồng chí Hà Văn Tính - Uỷ viên thường vụ, Trưởng ban Tổ chức TLĐLĐVN, Trần Đăng Khoa - Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc và một số cán bộ các ban của TLĐLĐVN, các Vụ của Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc dự hội nghị.
Tại Hội nghị, đồng chí Hà Văn Tính, thay mặt TLĐLĐVN đã phát biểu nêu rõ vai trò, nhiệm vụ của công tác xây dựng cơ bản đối với công cuộc kiến thiết đất nước trong những năm đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc cũng như sự cần thiết của việc thành lập các công đoàn ngành nghề, trong đó có Công đoàn ngành Xây dựng cơ bản Việt Nam. Đồng chí Trương Hoà được TLĐLĐVN cử làm Trưởng Ban trù bị thành lập Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam đọc báo cáo về tình hình hoạt động của các công đoàn cơ sở, đề ra những nhiệm vụ công tác công đoàn sắp tới và công bố danh sách 5 đồng chí được Thường vụ TLĐLĐVN thống nhất với lãnh đạo Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc giới thiệu vào Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của Ngành: 
Đồng chí Trịnh Tam Tỉnh - Uỷ viên Đảng tổ, Cục phó Cục Xây dựng. 
Đồng chí Võ Văn Bản - Trưởng ban chỉ huy công trường xây dựng Nhà máy điện Vinh. 
Đồng chí Trần Ý - Trưởng chỉ huy công trường Đài Phát thanh Mễ Trì. 
Đồng chí Trương Hoà - Trưởng ban trù bị thành lập Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam, cán bộ công đoàn chuyên trách. 
Đồng chí Nguyễn Văn Dung - Uỷ viên Đảng tổ, Cục trưởng Cục Cơ khí điện nước.
Sau 4 ngày thảo luận, sáng ngày 16 tháng 3 năm 1957, Hội nghị đã nhất trí thành lập Công đoàn ngành Xây dựng cơ bản Việt Nam với Ban Chấp hành lâm thời gồm 5 đồng chí theo giới thiệu của TLĐLĐVN và lãnh đạo Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc. Mười bốn giờ cùng ngày, Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn ngành Xây dựng cơ bản Việt Nam họp phiên đầu tiên để kiện toàn tổ chức và phân công nhiệm vụ cho các ủy viên Ban Chấp hành. Đồng chí Trương Hòa được phân công làm Thư ký.
Biên bản khóa họp thứ nhất của Ban Chấp hành Công đoàn dọc ngành Xây dựng Cơ bản Việt Nam (năm 1957)
Trong phiên họp này, Ban Chấp hành lâm thời đã bàn nội dung công tác trong quý II, III và IV năm 1957 và giao cho đồng chí Trương Hoà kiện toàn tổ chức cơ quan Công đoàn Ngành. Sau một thời gian, đồng chí Trần Ý mất, đồng chí Phan Tính, chiến sĩ thi đua toàn Ngành được bổ sung vào Ban Chấp hành Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam.
Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam ra đời là mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị những người công nhân xây dựng Việt Nam.
Như vậy là, từ ngày 16 tháng 3 năm 1957, những người công nhân xây dựng Việt Nam đã chính thức có một tổ chức công đoàn nghề nghiệp của mình.
Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam là một trong những công đoàn ngành nghề ra đời sớm, là thành viên của Công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam.
Trụ sở ban đầu của Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam đặt tại số 1 phố Hàng Vôi, Hà Nội.
Tài liệu tham khảo: 
- Văn kiện Đảng về công tác vận động công nhân (1954-1978), tập III, NXB Lao động, 1982, tr.16
- Văn kiện Đảng về công tác vận động công nhân (tập III), NXB Lao động, H, năm 1982, tr.15.


Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 8
  • 4
  • 7
  • 3
  • 9
lên đầu trang