Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ ba, 19/03/2024 | 17:33

Thứ ba, 19/03/2024 | 17:33

Tin CĐXDVN

Cập nhật lúc 10:16 ngày 10/03/2021

Triển khai thực hiện Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14

Ngày 20/11/2019 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Bộ luật Lao động năm 2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Việc ban hành Bộ luật Lao động năm 2019 đã góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh; bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động; đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngày 09/3/2021, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 117/KH-CĐXD triển khai thực hiện Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 trong công nhân, lao động, công chức, viên chức và tổ chức công đoàn, với mục tiêu và yêu cầu cần đạt được là: Nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn, người lao động về Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó thúc đẩy việc tuân thủ và thực thi pháp luật trong đoàn viên, người lao động. Phấn đấu 100% cán bộ công đoàn được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn những nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động. Thể hiện rõ vai trò của tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn trong thực hiện, giám sát thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định. Việc triển khai thực hiện phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, góp phần thực hiện nghiêm túc Bộ luật Lao động trong thực tiễn.
Theo Kế hoạch, các cấp công đoàn sẽ tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:
1. Tuyên truyền, phổ biến về Bộ luật Lao động, các  văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động
- Nội dung: 
+ Giới thiệu, phổ biến các nội dung cơ bản, các nội dung mới của Bộ luật Lao động, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Đặc biệt tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người lao động và tổ chức công đoàn như: Hợp đồng lao động; tiền lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tuổi nghỉ hưu; đối thoại, thương lượng tập thể; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; giải quyết tranh chấp lao động. 
+ Tìm hiểu, nghiên cứu kỹ những nội dung pháp luật quy định cho hai bên thương lượng, thỏa thuận để tổ chức Công đoàn và người lao động thực hiện theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
- Hình thức: Sử dụng các hình thức tập huấn, hội thảo, hội nghị tuyên truyền, phổ biến phù hợp với cán bộ công đoàn, người lao động, nhất là trong khu vực doanh nghiệp; sử dụng truyền thông xã hội, các phương tiện truyền thông thông qua internet để tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật tới người lao động.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên (tập trung trong năm 2021).
2. Tham gia xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động
Tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, đặc biệt là các dự thảo văn bản còn đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện liên quan đến vấn đề thương lượng tập thể, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
3. Phối hợp rà soát, sửa đổi các quy định trong đơn vị, doanh nghiệp phù hợp với pháp luật lao động
- Phối hợp với người sử dụng lao động rà soát hợp đồng lao động, nội quy, quy chế, quy định, thỏa ước lao động tập thể vv… tại đơn vị, doanh nghiệp. Đối với hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận hợp pháp đã giao kết có nội dung không trái hoặc bảo đảm cho người lao động có quyền và điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của Bộ luật Lao động thì tiếp tục thực hiện. Đối với những nội dung trái hoặc bất lợi cho người lao động thì phải tiến hành sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên (tập trung trong năm 2021).
4. Giám sát doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật lao động
- Đối thoại, trao đổi, giải đáp pháp luật lao động, kịp thời nắm bắt tình hình thực tiễn và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người lao động.
- Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Lao động.
- Sơ kết tình hình thực hiện Bộ luật Lao động, tổng hợp kết quả thực hiện, vướng mắc, khó khăn trong 3 năm thực hiện (quý 3/2023).
Để Kế hoạch được thực hiện đảm bảo hiệu quả, thiết thực, Công đoàn Xây dựng Việt Nam yêu cầu ở từng cấp công đoàn triển khai thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Công đoàn Xây dựng Việt Nam
- Xây dựng Kế hoạch, chỉ đạo các công đoàn trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị đảm bảo hiệu quả.
- Tuyên truyền, phổ biến nội dung Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn đến cán bộ, đoàn viên, người lao động và các cấp công đoàn trực thuộc trên Website của CĐXDVN và bằng các hình thức phù hợp, thiết thực.
- Tổ chức tập huấn Bộ luật Lao động cho cán bộ công đoàn:
+ Đối tượng tập huấn: Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn trực thuộc CĐXDVN; Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở doanh nghiệp; cán bộ công đoàn chuyên trách thuộc CĐXDVN. 
+ Nội dung tập huấn: Những nội dung cốt lõi, điểm mới của Bộ luật Lao động; kỹ năng vận dụng những nội dung của Bộ luật Lao động vào thực tiễn tại cơ sở; nâng cao chất lượng và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể.
- Thực hiện tư vấn pháp luật cho đoàn viên và người lao động bằng các hình thức phù hợp: Trực tiếp, qua điện thoại, Website CĐXDVN….
2. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
- Căn cứ Kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn của CĐXDVN, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tiễn của đơn vị.
- Phối hợp với CĐXDVN tổ chức tập huấn Bộ luật Lao động cho cán bộ chủ chốt công đoàn cơ sở; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở trực thuộc.
- Chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng lao động rà soát hợp đồng lao động, nội quy, quy chế, quy định, thỏa ước lao động tập thể vv… tại đơn vị, doanh nghiệp phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.
3. Công đoàn cơ sở
- Căn cứ kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn của công đoàn cấp trên, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ để tổ chức thực hiện tại đơn vị.
- Tổ chức tập huấn Bộ luật Lao động cho cán bộ công đoàn cơ sở từ Tổ trưởng, Tổ phó công đoàn trở lên.
- Tuyên truyền pháp luật lao động, công đoàn, các chế độ, chính sách có liên quan để người lao động biết, thực hiện và có thể tự bảo vệ mình.
- Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động rà soát hợp đồng lao động, nội quy, quy chế, quy định, thỏa ước lao động tập thể vv… tại đơn vị, doanh nghiệp phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.
- Giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động tại đơn vị.
CĐXDVN

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 2
  • 9
  • 2
  • 2
  • 0
  • 4
lên đầu trang