Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 22:59

Thứ sáu, 29/03/2024 | 22:59

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 11:13 ngày 06/10/2020

Tỉ lệ kinh phí Công đoàn để lại cho Công đoàn cơ sở là phù hợp

Ghi nhận ý kiến của một số cán bộ Công đoàn về kinh phí Công đoàn cũng như tỉ lệ để lại tại Công đoàn cơ sở (CĐCS) nhằm phục vụ cho đoàn viên, người lao động.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải tặng quà, động viên gia đình CNLĐ tỉnh Hưng Yên.

Ông Lê Trần Thanh Hải - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam:

Theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), hiện nay, nguồn kinh phí Công đoàn được để lại ở cơ sở là 70%. Mức này đã tăng lên mỗi năm 1% từ nhiều năm qua. Với hơn 2.600 lao động (LĐ), nguồn kinh phí CĐ của công ty nhận được là khoảng 2,3 tỉ đồng/năm và nguồn đoàn phí CĐ do đoàn viên đóng góp khoảng 500 triệu đồng/năm (sau khi đã trích nộp về LĐLĐ cấp trên). Tổng cộng, một năm, CĐCS có được khoảng 2,8 tỉ đồng.

Với số tiền này, CĐCS chi cho hoạt động phong trào khoảng 600 triệu đồng, các hoạt động chăm lo đời sống vật chất của đoàn viên CĐ, NLĐ gần 2 tỉ đồng, tổng cộng khoảng 2,6 tỉ đồng. Phần tiền còn khoảng 200 triệu đồng để dành cho những lúc chi đột xuất thăm hỏi NLĐ ốm đau, gặp khó khăn… Như vậy, bình quân mỗi người lao động (NLĐ), đoàn viên CĐ được CĐCS chi chăm lo khoảng 1 triệu đồng/người/năm, trong khi đoàn viên CĐ chỉ đóng phí khoảng vài trăm nghìn đồng/năm. Như vậy để thấy, kinh phí CĐ là nguồn quan trọng nhất để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên CĐ và NLĐ. Tôi nghĩ, tỉ lệ % kinh phí CĐ để lại cho CĐCS ở mức 70% hoặc hơn một chút là ổn.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch CĐ Công ty Hansae Việt Nam:

Cần phải nhận thức rằng, CĐCS nằm trong hệ thống tổ chức CĐ Việt Nam. Nguyên tắc chung của bất kỳ tổ chức nào cũng được sắp xếp theo mô hình hình tháp và từng cấp trong tổ chức đó có vai trò, nhiệm vụ khác nhau. Đối với tổ chức CĐ Việt Nam, CĐCS trực tiếp đại diện, bảo vệ quyền lợi và chăm lo cho đoàn viên, NLĐ tại doanh nghiệp, đơn vị và giải quyết những sự vụ cụ thể. CĐ cấp trên cơ sở như LĐLĐ quận, huyện, CĐ tổng công ty, sở, ngành hay cấp LĐLĐ tỉnh, thành, CĐ ngành có nhiệm vụ khác cao hơn. Tổng LĐLĐVN là cấp cao nhất trong hệ thống CĐ Việt Nam thì có nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ từ xa thông qua việc đóng góp xây dựng quy định của pháp luật, các chế độ chính sách của Nhà nước.

Để có kinh phí hoạt động, việc trích nộp kinh phí từ cấp cơ sở lên cấp cao hơn là bình thường và áp dụng với mọi tổ chức, CĐ cũng không ngoại lệ. Tỉ lệ % kinh phí CĐ để lại cho CĐCS tăng dần qua các năm, đồng nghĩa với việc tỉ lệ để lại cho cấp trên giảm đi. Tôi cho rằng, tỉ lệ % kinh phí CĐ như hiện nay và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới là phù hợp.

Ông Nguyễn Thanh An - Chủ tịch CĐCS Cty Việt Nam Samho:

Nguyên tắc chung thì tỉ lệ phần trăm kinh phí CĐ để lại cho cơ sở càng cao càng tốt, vì như thế CĐCS sẽ có điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ tốt hơn. Thực tế những năm qua, khi tỉ lệ % kinh phí CĐ để lại tăng hằng năm thì chăm lo cho NLĐ của CĐCS công ty cũng tăng theo.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn là hướng dẫn chi tiêu tài chính của Tổng LĐLĐVN đối với CĐCS cần được linh hoạt hơn. Vì thực tế có nhiều trường hợp đoàn viên CĐ hay NLĐ rất khó khăn, cần được giúp đỡ rất nhiều mới có khả năng vượt qua khó khăn đó, nhưng CĐCS không thể hỗ trợ cho NLĐ được dù có khi còn có tiền kết dư.

Ông Phạm Trung Thành - Chủ tịch CĐ Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng:

Nếu không có 2% kinh phí, các CĐCS như đơn vị của tôi sẽ không thể nào hoạt động được bởi thực tế việc thu đoàn phí không đủ để hoạt động. Ngay trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi, nếu không có khoản kinh phí 2%, chúng tôi không thể nào chi được 100 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho 100 LĐ gặp khó khăn cũng như chi 1.400 suất quà gồm gạo và thức ăn trị giá 130.000 đồng/suất cho toàn thể 1.400 LĐ của công ty được. Hay như trong năm 2019, toàn thể 1.400 NLĐ của chúng tôi lần đầu tiên được đi du lịch miễn phí Thái Lan 3 ngày 4 đêm cũng nhờ vào khoản tiền này.

Phần kinh phí 2% còn được CĐ dùng làm “vốn đối ứng” để thương lượng với chủ doanh nghiệp về các khoản chi, kể cả trong thỏa ước lao động tập thể. Lấy ví dụ, muốn xin chủ doanh nghiệp hỗ trợ cho NLĐ mỗi người 1 suất quà trị giá 200.000 đồng, chúng tôi sẽ chi ra 50.000 đồng làm vốn đối ứng, phần còn lại 150.000 đồng xin chủ doanh nghiệp. Như vậy, cả hai bên đều cảm thấy hài lòng vì có trách nhiệm với NLĐ.

Theo Báo LĐ

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 9
  • 6
  • 6
  • 1
  • 7
lên đầu trang