Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 19/04/2024 | 13:26

Thứ sáu, 19/04/2024 | 13:26

Công đoàn ngành địa phương

Cập nhật lúc 08:34 ngày 08/09/2020

CĐXD Hà Nội: Chung tay đẩy lùi tai nạn lao động

Xây dựng luôn là một trong những ngành xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nhất. Tai nạn lao động không chỉ để lại hậu quả nặng nề cho người lao động mà còn là gánh nặng cho người thân, gia đình họ. Để đảm bảo an toàn cho người lao động, ngoài trách nhiệm của nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước, người lao động... còn có vai trò quan trọng của các cấp công đoàn. Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn, tiến tới bảo đảm an toàn lao động sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tai nạn bất ngờ khi Tết Nguyên đán cận kề
Suốt 7 tháng qua, anh Phạm Minh Dương – Công nhân môi trường, Xí nghiệp Ba Đình, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, vẫn không dấu nổi sự ám ảnh khi nhắc lại câu chuyện của mình.
Công đoàn ngành Xây dựng, chung tay đẩy lùi tai nạn lao động
Tối 28 Tết Canh Tý, khi đang làm nhiệm vụ, đi qua ngõ số 140 Kim Mã, Ba Đình, anh Dương bị một chiếc xe ô tô, đã gây tai nạn trước đó, chèn vào chân phải. Vụ tai nạn khiến anh bị dập dây chằng, gãy xương ống chân phải… Anh Dương nghỉ làm hơn 7 tháng nay và vẫn chưa biết ngày nào có thể trở lại làm việc.
Tôi nghỉ làm từ Tết đến giờ, đôi chân trải qua nhiều lần phẫu thuật vẫn còn yếu chưa kịp lành. Bác sĩ dặn tôi, liên quan đến xương thì phải chờ lành mới bắt đầu tập được. Tôi rất lo lắng. Bây giờ bị thương thì sau này chân sẽ yếu đi, nếu chân cứ bị yếu như thế này thì sau này khi đi làm không biết có đẩy được xe thu gom rác hay không”, anh Dương chia sẻ.
Gắn bó với Xí nghiệp môi trường đô thị hơn 10 năm, anh Dương luôn được Công đoàn và Ban lãnh đạo công ty nhắc nhở chấp hành đầy đủ các quy trình về an toàn lao động.
Chính vì lẽ đó, anh Dương không bao giờ nghĩ tai nạn đến với mình ở trong tình huống éo le khi người điều khiển phương tiện giao thông không làm chủ được tay lái…
cong doan nganh xay dung chung tay day lui tai nan lao dong
Những con số biết nói
Theo số liệu thống kê trong nhiều năm, lĩnh vực xây dựng luôn có số vụ tai nạn lao động cao (khoảng 40% tổng số vụ tại nạn lao động được thống kê hàng năm).
Tình trạng này diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ do các thầu tư nhân hoặc các công ty xây dựng có quy mô nhỏ nhận thầu thi công hoặc khoán lại cho các nhóm thợ tự tổ chức thi công nhưng không hiểu biết và chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Điển hình trong số này chính là vụ sập dàn giáo khiến 4 công nhân tử vong ngày 30/7/2020 tại công trình tòa nhà cao tầng ở số 16 phố Nguyễn Công Trứ.
Điểm chung trong số này đó là tai nạn không chỉ đơn thuần do sự cố kỹ thuật mà xuất phát từ sự chủ quan của cả chủ sử dụng lao động và người lao động.
cong doan nganh xay dung chung tay day lui tai nan lao dong
Cụ thể, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nhiều trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm trước khi bố trí việc làm, không tổ chức huấn luyện an toàn lao động, không xây dựng quy trình làm việc an toàn cho từng loại công việc, không thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với thiết bị, máy móc trong quá trình sử dụng vận hành...
Trong khi đó, có tới hơn 60– 80% công nhân ngành Xây dựng chủ yếu là lao động thời vụ và lao động tự do, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động.
Cũng vì vậy, rất nhiều người lao động chưa được tập huấn theo quy định, không nắm bắt nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, một số qua đào tạo nhưng chưa hiểu rõ về công tác an toàn vệ sinh lao động nên việc phòng ngừa tai nạn lao động chưa được quan tâm.
Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước về an toàn lao động tại các công trình còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Bên cạnh đó, vai trò giám sát công trình, trong đó có giám sát về công tác an toàn lao động của tư vấn giám sát, nhà thầu lại chưa làm hết trách nhiệm của mình nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và chính doanh nghiệp.
Chung tay đẩy lùi tai nạn lao động
Thực tế cho thấy phần lớn nguyên nhân các vụ tai nạn lao động chủ yếu là do con người. Do đó để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng cần sự chung tay của nhiều bên. Trước hết là “nhà quản lý” theo quy định của pháp luật – là người chịu trách nhiệm chính trong công tác an toàn lao động.
Công đoàn ngành Xây dựng, chung tay đẩy lùi tai nạn lao động
Do đó, hơn ai hết, bản thân họ phải tuân thủ đầy đủ các quy định an toàn lao động trước khi tổ chức thi công công trình. Đồng thời, phải thường xuyên huấn luyện về an toàn lao động, nội quy làm việc cũng như trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cho người lao động trước khi vào làm việc.
Với một số trường hợp, ngoài những cam kết về mặt kinh tế, kỹ thuật xây dựng, như: đăng ký, kiểm định các loại máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động… còn phải có những yêu cầu riêng về an toàn lao động, cam kết đảm bảo an toàn cho công nhân thi công và phải có bộ phận giám sát an toàn lao động tại đơn vị để phụ trách công tác an toàn.
Trong khi đó, người lao động cũng cần phải nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và thường xuyên học tập, trao đổi nâng cao trình độ về pháp luật bảo hộ lao động, nắm vững kiến thức khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động.
Đối với những công việc nguy hiểm, người lao động có quyền đề nghị hỗ trợ trang thiết bị lao động hoặc từ chối nhiệm vụ ấy. Ngược lại, dù được trang bị, huấn luyện an toàn lao động rất kỹ nhưng nếu người lao động chủ quan, không có ý thức tự bảo vệ mình thì vẫn có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Với các cơ quan chức năng, cần thực hiện giám sát điều kiện lao động tại các công trình, nhất là phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, đối tượng sử dụng lao động và có chế tài xử lý mạnh hơn.
Điều này sẽ nâng cao ý thức quản lý của chủ đầu tư và giảm thiểu tình trạng coi thường của người lao động. Đối với các công trình để xảy ra nhiều lần tình trạng mất an toàn lao động cần tước giấy phép, thậm chí yêu cầu ngừng sản xuất đối với những chủ đầu tư này…
Công đoàn ngành Xây dựng, chung tay đẩy lùi tai nạn lao động
Nhằm đưa công tác an toàn trong lao động trở thành trách nhiệm và ý thức tự giác, thường nhật của mọi người và trở thành văn hoá ứng xử trong lao động ở đơn vị, Ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO Hà Nội) luôn xem văn hóa an toàn lao động là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa doanh nghiệp, luôn song hành cùng sự phát triển của đơn vị.
Công đoàn cũng tham mưu đến lãnh đạo công ty để trang bị các phương tiện bảo hộ lao động để người lao động có thể giảm thiểu tối đa người lao động có thể bị tai nạn trên đường, ví dụ như áo phản quang, đồ bảo hộ lao động…
Mỗi hàng năm, khi công ty tổ chức may đo thì đều lấy ý kiến của người lao động về chất lượng cũng như mẫu mã và công đoàn là người gặp gỡ, lắng nghe các ý kiến để đề xuất chuyên môn, ban lãnh đạo đơn vị để nâng cao chất lượng tốt hơn.
“Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO Hà Nội) là một doanh nghiệp làm trong lĩnh vực công ích, với cái điều kiện tác nghiệp của người lao động chủ yếu trên đường phố, do đó nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất là lớn.
Công đoàn ngành Xây dựng, chung tay đẩy lùi tai nạn lao động
Tính từ năm 1993 đổ lại đây, công ty có 11 trường hợp người lao động, bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, thậm chí có những trường hợp bị tử vong. Chính vì vậy, hàng năm, nhất là vào tháng 5, tháng công nhân, tháng hành động về ATVSLĐ, công đoàn công ty đều có các hoạt động để tổ chức tuyên truyền cho người lao động thực hiện đúng quy trình công nghệ, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, an toàn giao thông trong quá trình tác nghiệp ”, bà Hoàng Thị Bích Hạnh – Phó Chủ tịch Công đoàn URENCO Hà Nội, cho hay.
Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn
Theo tìm hiểu, hiện nay Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội có 78 công đoàn cơ sở hoạt động trên khắp địa bàn thành phố với 15.897 công nhân, viên chức, lao động. Có thể nói, ngành Xây dựng Hà Nội là một ngành tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn về an toàn lao động.
Công nhân lao động làm việc trong những điều kiện thời tiết cũng rất khắc nghiệt, nếu như công nhân môi trường phải làm việc vào ban đêm trong môi trường độc hại, tiểm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông; công nhân thoát nước thì làm việc bất kể nắng, mưa…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội, để công tác an toàn vệ sinh lao động được thực hiện hiệu quả thì việc tuyên truyền huấn luyện, nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho cả chủ doanh nghiệp và người lao động là hết sức cần thiết.
Chính bởi vậy, những năm qua, Công đoàn ngành luôn chú trọng tổ chức tuyên truyền huấn luyện kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn, mạng lưới An toàn vệ sinh viên, người sử dụng lao động và người lao động.
Công đoàn ngành Xây dựng, chung tay đẩy lùi tai nạn lao động
Hằng năm, Công đoàn ngành đều phối hợp với Trường trung cấp Nghiệp vụ và Dạy nghề Công đoàn Hà Nội tổ chức lớp tập huấn, phát chứng chỉ cho các cán bộ lãnh đạo và cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động.
Thông qua công tác tuyên truyền, huấn luyện đã góp phần nâng cao đáng kể nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả chủ doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và người lao động trong thực hiện an toàn vệ sinh lao động.
Đây có lẽ là một trong những lý do để phong trào “Xanh – Sạch –Đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” được triển khai rộng khắp tại các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành và đạt những kết quả đáng ghi nhận, điển hình như tại Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Vườn thú Hà Nội, Nước sạch Hà Đông, Chiếu sáng và thiết bị đô thị, Công viên cây xanh và Công ty Cổ phần môi trường Tây Đô...
“Song song với tuyên truyền, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động; Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội cũng chú trọng công tác kiểm tra và tự kiểm tra về thực hiện an toàn vệ sinh lao động.
“Năm qua, Công đoàn ngành đã tổ chức khảo sát và chấm điểm phong trào thi đua “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động theo Chỉ thị số 05/TLĐ tại 8 cơ sở (trong đó có 3 cơ sở ngoài Nhà nước).Các đơn vị còn lại tự kiểm tra, chấm điểm theo hướng dẫn. Kết quả không có đơn vị yếu kém”, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết.
Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội khẳng định, trong thời gian tới, Công đoàn ngành sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, đơn vị đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp huấn luyện về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại hình sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, chú trọng huấn luyện về an toàn lao động đối với những người lao động mới tuyển dụng và những người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trên cao, dưới mương, sông, cống ngầm...
Đồng thời, Công đoàn ngành cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại các công trường xây dựng, nhà máy sản xuất qua đó chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót để đảm bảo tốt hơn nữa điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người lao động.
cong doan nganh xay dung chung tay day lui tai nan lao dong
Bài và ảnh: Tuấn Dũng
Theo: laodongthudo.vn
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 4
  • 2
  • 8
  • 9
  • 9
lên đầu trang