Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:33

Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:33

Tư vấn pháp luật

Cập nhật lúc 10:37 ngày 12/08/2020

Không làm đủ thời gian cam kết, phải bồi thường ra sao?

Hỏi: Tôi là bác sĩ đã công tác ở một bệnh viên công 7 năm. Năm 2017-2019 tôi được bệnh viện cử tham gia lớp học chuyên khoa 1 tại chỗ với cam kết sau khi đi học về sẽ làm việc gấp 5 lần, nếu nghỉ trước thời hạn thì phải đền bù gấp 5 lần các chi phí liên quan đến khóa học bao gồm cả lương và thưởng.

Trong quá trình học tôi vẫn đi làm hành chính và tham gia trực gác bình thường và tự chi trả toàn bộ chi phí đào tạo cho khóa học. Tôi không được nhận được bất cứ khoản hỗ trợ chi phí nào cho khóa học nào từ bệnh viện. Năm 2020 tôi viết đơn xin nghỉ việc, bệnh viện yêu cầu tôi đền bù 250 triệu là tiền lương và thưởng trong 2 năm đi học theo điều 8, Nghị định 101/2017/NĐ-CP. Việc yêu cầu đền bù như thế có đúng?

Trả lời:

Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định về đền bù chi phí đào tạo

Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.

2. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.

3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 nghị định này.

Điều 8 quy định chi phí đền bù và cách tính chi phí đền bù như sau:

1. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có).

2. Cách tính chi phí đền bù:

a) Đối với trường hợp quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 7 nghị định này, cán bộ, công chức, viên chức phải trả 100% chi phí đền bù;

b) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 nghị định này, chi phí đền bù được tính theo công thức sau:

S = F x (T1 - T2)

T1

Trong đó:

- S là chi phí đền bù;

- F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học;

- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;

- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.

Ví dụ: Anh A được cơ quan cử đi đào tạo thạc sỹ 02 năm (= 24 tháng), chi phí hết 30 triệu đồng. Theo cam kết, anh A phải phục vụ sau khi đi học về ít nhất là 48 tháng. Sau khi tốt nghiệp, anh A đã phục vụ cho cơ quan được 24 tháng. Sau đó, anh A tự ý bỏ việc. Chi phí đào tạo mà anh A phải đến bù là:

S = 30 triệu đồng x (48 tháng - 24 tháng) = 15 triệu đồng

48 tháng

Theo quy định trên, việc bệnh viện yêu cầu bạn phải đền bù tiền lương là chưa phù hợp, dù bạn và bệnh viện có cam kết có đền bù về tiền lương. 

Bạn có thể khiếu nại đến bệnh viện trước, nếu chưa thỏa đáng bạn có thể khiếu nại đến cơ quan quản lý trực tiếp bệnh viện hoặc khởi kiện ra tòa.

Văn phòng TVPL
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 9
  • 5
  • 8
  • 1
  • 5
lên đầu trang