Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 25/04/2024 | 16:47

Thứ năm, 25/04/2024 | 16:47

Tin CĐXDVN

Cập nhật lúc 09:56 ngày 27/08/2020

Kết quả 01 năm thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-BCH của Ban Chấp hành Công đoàn Xây dựng Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 về “Nâng cao chất lượng và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”

Ngày 18  tháng 02  năm 2019 Ban Chấp hành Công đoàn Xây dựng Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-BCH  về “Nâng cao chất lượng và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”.
Nghị quyết được ban hành trên cơ sở đánh giá kết quả hơn 20 năm thực hiện các quy định của pháp luật về thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp trong Ngành.
Quan điểm xây dựng Nghị quyết là:
 - Thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện TƯLĐTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn nhằm đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. 
- Nâng cao chất lượng và thực hiện TƯLĐTT phải đi vào thực chất, khắc phục tính hình thức, đối phó.
- Nội dung TƯLĐTT cần ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, rõ cách thức thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Chỉ đưa vào TƯLĐTT những nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, trong đó tập trung vào những nội dung mang tính cốt lõi như : tiền lương, tiền thưởng, ăn ca, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nhà ở và các phúc lợi khác.
Chỉ tiêu của Nghị quyết:
- 100% doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước giữ cổ phần chi phối, 70% trở lên các loại hình doanh nghiệp khác thương lượng, ký kết TƯLĐTT theo quy định của pháp luật.
- Mỗi TƯLĐTT có ít nhất ba nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
- 100% nội dung của TƯLĐTT đã ký kết được thực hiện trong thực tế.
Để triền khai thực hiện Nghị quyết, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện; nghiên cứu, xây dựng, ban hành mẫu thoả ước lao động tập thể và phụ lục những nội dung có lợi đối với người lao động đang thực hiện tại một số đơn vị trong ngành để các công đoàn cơ sở tham khảo, vận dụng khi thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại đơn vị. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và Nghị quyết trên Website Công đoàn Xây dựng Việt Nam; hỗ trợ các công đoàn trực thuộc tổ chức tập huấn, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn (Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và các Nghị định hướng dẫn thi hành luật).
Các cấp công đoàn trực thuộc đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện; tổ chức tuyên tuyền, phổ biến pháp luật lao động, công đoàn và trách nhiệm của đoàn viên, người lao động trong việc tham gia thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT; kiểm tra, giám sát việc thực hiện TƯLĐTT tại đơn vị.
Sau một năm thực hiện Nghị quyết, đã có trên 97,7% đơn vị ký TƯLĐTT,  một số đơn vị khó khăn tạm dừng hoạt động nên chưa ký TƯLĐTT, có 95,69%  bản có từ 03 nội dung trở lên có lợi hơn đối với người lao động so với quy định của pháp luật. Hầu hết các bản TƯLĐTT sau khi ký kết được phổ biến tới người lao động. Một số CĐCS đã quan tâm, theo dõi, giám sát việc thực hiện tại đơn vị, kịp thời đề xuất với người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung hoặc ký mới khi TƯLĐTT hết hạn. Việc ký kết TƯLĐTT đã tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của cả hai bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động, góp phần điều hòa lợi ích, hạn chế cạnh tranh không cần thiết, tạo ra những điều kiện cho sự gắn bó chặt chẽ giữa người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cần khắc phục đó là:
- Còn một số bản TƯLĐTT hết hiệu lực chưa được ký mới hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời.
- Hầu hết TƯLĐTT còn dài, sao chép nhiều nội dung của Luật Lao động. 
- Những nội dung cốt lõi về bảo đảm việc làm, tiền lương, các chế độ phụ cấp hoặc các khoản bổ sung khác có tính chất như tiền lương, ăn ca, nhà ở… còn ít được đưa vào TƯLĐTT.
- Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa thực hiện tốt việc lưu giữ TƯLĐTT của các CĐCS và gửi về CĐXDVN. 
 Nguyên nhâncủa những tồn tại, hạn chế là:
- Nhận thức của một số cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS về TƯLĐTT chưa đầy đủ, chưa thấy được sự cần thiết, tác dụng của TƯLĐTT tại đơn vị.
- Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn công đoàn cơ sở trong việc ký kết, thực hiện TƯLĐTT.
- Một số công đoàn cơ sở chưa chủ động đề xuất với người sử dụng lao động thương lượng, ký kết khi TƯLĐTT hết hạn hoặc sửa đổi, bổ sung; chưa mạnh dạn đề xuất nội dung cốt lõi của TƯLĐTT để thương lượng, ký kết với người sử dụng lao động
- Một số công đoàn cơ sở chưa nghiên cứu, cập nhật đầy đủ quy định của pháp luật về chế độ, chính sách đối với người lao động và về TƯLĐTT.
Để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết, trong thời gian tới các cấp công đoàn cần tập trung thực hiện như sau:
1. Đối với Công đoàn Xây dựng Việt Nam
- Tổ chức tập huấn, hội nghị trao đổi kinh nghiệm về TƯLĐTT.
- Trực tiếp trao đổi, hướng dẫn, hỗ trợ một số CĐCS gặp khó khăn hoặc khi có yêu cầu trong việc xây dựng nội dung, ký kết TƯLĐTT.
- Định kỳ hàng năm kiểm tra, giám sát đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở về thực hiện Nghị quyết.
- Khảo sát, đánh giá, chấm điểm TƯLĐTT và tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết báo cáo Ban Thường vụ CĐXDVN; xây dựng TƯLĐTT mẫu để các đơn vị tham khảo, vận dụng.
2. Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
- Phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các công đoàn cơ sở trực thuộc về TƯLĐTT.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở về TƯLĐTT.
- Theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở thương lượng, ký mới khi TƯLĐTT hết hạn; sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT khi các quy định của pháp luật hoặc tình hình thực tế của đơn vị có sự thay đổi. 
- Kiểm tra tình hình ký kết, thực hiện TƯLĐTT tại công đoàn cơ sở trực thuộc. 
- Photocopy các bản TƯLĐTT được sửa đổi, bổ sung hoặc ký mới gửi về Công đoàn Xây dựng việt Nam để khảo sát, đánh giá, chấm điểm theo quy định.
3. Đối với công đoàn cơ sở
- Chủ động đề xuất với người sử dụng lao động thương lượng, ký kết khi TƯLĐTT hết hạn hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chế độ, chính sách mới của Nhà nước, tình hình thực tế của đơn vị, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.
- Nội dung TƯLĐTT cần ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, rõ cách thức thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, tập trung vào những nội dung mang tính cốt lõi như: bảo đảm việc làm, tiền lương, các khoản bổ sung lương, tiền thưởng, ăn ca, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nhà ở….
- Phối hợp với người sử dụng lao động phổ biến TƯLĐTT đã ký kết đến đoàn viên, người lao động để thực hiện.  
- Giám sát việc thực hiện TƯLĐTT tại đơn vị.
- Gửi TƯLĐTT đã ký kết về công đoàn cấp trên theo quy định. 
CĐXDVN
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 1
  • 5
  • 5
  • 0
  • 2
lên đầu trang