Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ tư, 24/04/2024 | 17:36

Thứ tư, 24/04/2024 | 17:36

Tin CĐXDVN

Cập nhật lúc 03:21 ngày 14/08/2020

Phát huy tốt dân chủ ở cơ sở, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Xây dựng

Xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội ở mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thời gian qua, các cấp công đoàn trực thuộc Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã chủ động tham gia và phối hợp với chuyên môn đồng cấp phát huy tốt dân chủ ở cơ sở, tạo ra những tác động tích cực, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Ngành.
Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật làm cơ sở để các cấp công đoàn phát huy và thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn như: Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; Bộ luật Lao động năm 2012; Luật Công đoàn năm 2012; Nghị định 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc; Luật Thanh tra năm 2010; Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngày 09/1/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhận thức được vai trò của Công đoàn trong việc tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, hằng năm Công đoàn Xây dựng Việt Nam ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn trực thuộc tham gia thực hiện QCDC ở cơ sở, đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các đơn vị triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả.
1. Về tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Ông Lê Quốc Đạt, Chủ tịch Công đoàn Công ty ký kết thỏa ước lao động tập thể với Giám đốc Công ty Nguyễn Hồng Ninh tại Hội nghị
- Các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp chỉ đạo, triển khai xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giám đốc doanh nghiệp với BCH công đoàn cơ sở. Nội dung quy chế dân chủ thể hiện đầy đủ quyền của người lao động được biết, được tham gia, được quyết định và được kiểm tra giám sát những chủ trương, chế độ, chính sách liên quan đến người lao động. Việc xây dựng quy chế dân chủ được thực hiện theo đúng quy định, có lấy ý kiến tham gia của người lao động. Công đoàn cơ sở đã phối hợp với người đứng đầu tuyên truyền, phổ biến quy chế dân chủ ở cơ sở tới người lao động. Ngoài ra, việc công khai và tham gia ý kiến của người lao động còn được thực hiện qua các cuộc họp giao ban cán bộ chủ chốt, các cuộc họp cơ quan, hội nghị công đoàn... Các nội quy, quy chế, quy định được niêm yết, hoặc gửi văn bản đến các phòng, đơn vị trực thuộc, hoặc đăng tải trên hệ thống điều hành nội bộ để công khai đến người lao động.
- Công đoàn cơ sở đã chủ động tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, Hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc. Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận các nội dung có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng lao động; tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thỏa ước lao động tập thể; nội quy, quy chế và các cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc. Hằng năm, có 100% cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị CBCC, trên 80% doanh nghiệp tổ chức Hội nghi người lao động. Hội nghị CBCC, Hội nghị NLĐ đã thể hiện tốt tinh thần dân chủ, là diễn đàn để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia xây dựng kế hoạch công tác hằng năm, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy chế, thu nhập và tiền lương, công tác an toàn vệ sinh lao động, thực hiện thỏa ước lao động tập thể và các chế độ chính sách liên quan đến người lao động. Công đoàn đã chủ động phối hợp với chuyên môn phổ biến Nghị quyết Hội nghị CBCC, Hội nghị NLĐ tới toàn thể người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức giám sát, kiểm tra và định kỳ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết.
- Tại Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị NLĐ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, công đoàn cơ sở đã lựa chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, bản lĩnh, có trình độ và kiến thức chuyên môn sâu để giới thiệu bầu vào Ban thanh tra nhân dân, đồng thời ra quyết định công nhận và chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thanh tra và có cơ chế, chính sách, động viên khen thưởng kịp thời đối với thành viên Ban Thanh tra nhân dân.
- Việc tổ chức đối thoại với người lao động được các doanh nghiệp tổ chức theo đúng quy định. Thông qua đối thoại, đã kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng, những vướng mắc của người lao động; quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ như: chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ ốm đau, thai sản, trợ cấp thôi việc, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, kết hợp hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp... góp phần tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động.
- Công đoàn cơ sở đã chủ động xây dựng nội dung, đề xuất thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện thoả ước lao động tập thể, tỷ lệ đơn vị ký thoả ước lao động tập thể đạt 99%; đa số Thỏa ước lao động tập thể tập trung vào những nội dung có lợi hơn cho người lao động như: Chế độ phúc lợi tập thể, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chế độ BHXH, BHYT, chế độ tiền lương, tiền thưởng, cải thiện điều kiện làm việc, một số chế độ đối với lao động nữ, ăn ca...
- Qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy quyền dân chủ của công chức, viên chức và người lao động trong việc tham gia xây dựng và thưc hiện quy chế dân chủ cơ sở và các quy chế nội bộ, làm rõ quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
2. Tác động việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Việc thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn và vai trò, trách nhiệm của CBCC trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; xây dựng, bổ sung nội quy, quy chế, thực hiện công khai chế độ chính sách, chương trình, kế hoạch công tác, các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của CBCC,VC; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của CBCC nhằm nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân; xây dựng các quy trình, quy định trong điều hành, quản lý hoạt động của cơ quan, đơn vị; quy định chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của CBCC, VC đảm bảo quyền“được biết, được bàn, được tham gia, được kiểm tra, giám sát” trong quá trình thực hiện. Việc thực hiện QCDC đã được các cấp uỷ Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, công đoàn cơ sở và các đoàn thể phát huy được trách nhiệm trong lãnh đạo, phối hợp tổ chức thực hiện. Việc tổ chức hội nghị CBCC hằng năm được tiến hành nghiêm túc, đi vào nề nếp.
Các doanh nghiệp đã cụ thể hoá nội dung Bộ luật Lao động, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người lao động được kiểm tra, giám sát thông qua Hội nghị người lao động, đối thoại. Công đoàn cơ sở đã triển khai lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đoàn viên và người lao động trước khi người sử dụng lao động ban hành quyết định về các nội dung: thang bảng lương, thoả ước lao động tập thể; nội quy, quy chế, công khai các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động... thực tế cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các quy chế, quy định nhằm thực hiện dân chủ, gắn kết hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Thông qua hội nghị, người lao động được biết, bàn bạc và tham gia ý kiến công khai dân chủ về phương án sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ bản; tài chính, phân phối thu nhập, tỷ lệ trích lập các quỹ trong doanh nghiệp. Qua đó, việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động được công khai, minh bạch hơn, chất lượng thỏa ước lao động tập thể được nâng lên, quyền và lợi ích của người lao động được đảm bảo, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa và ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Thông qua Hội nghị CBCC, Hội nghị NLĐ hằng năm, người lao động đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia ý kiến, đề xuất nhiều sáng kiến, kiến nghị góp phần hoàn thiện nội quy, quy chế điều hành quản lý hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác của cơ quan, đơn vị, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Công đoàn các cấp đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện QCDC trong doanh nghiệp; nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động, người lao động đã phát huy quyền làm chủ tập thể trong doanh nghiệp, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần nâng cao vị thế của Công đoàn, thu hút đông đảo người lao động gia nhập công đoàn, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; củng cố lòng tin của quần chúng với cấp uỷ Đảng, chính quyền và công đoàn.
3. Vai trò của công đoàn trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Các cấp công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng, phối hợp với thủ trưởng, người sử dụng lao động tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo ra bầu không khí dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch trong cơ quan đơn vị, doanh nghiệp; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Trong những năm qua, Công đoàn các cấp đã phát huy vai trò, trách nhiệm chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ về quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình được pháp luật bảo đảm cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng đơn vị, tập thể vững mạnh, dân chủ thực sự. Công đoàn đã đóng góp vào việc xây dựng một số văn bản quan trọng như:  Nội quy cơ quan, quy chế phối hợp hoạt động giữa Giám đốc và BCH Công đoàn cơ sở; QCDC ở cơ sở, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện TƯLĐTT, Quy chế thi đua khen thưởng, Quy chế trả lương, các quy định phân cấp quản lý, quy trình sản xuất, các quy định về công tác bảo hộ lao động, quản lý trang thiết bị tài sản vv... tham  Hội đồng Thi đua khen thưởng, Hội đồng lương, Hội đồng thi nâng bậc, Hội đồng thanh lý tài sản; tham gia các cuộc họp, hội nghị; tham gia sắp xếp lại lao động, tuyển dụng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động; tư vấn, giúp đỡ người lao động trong việc giao kết HĐLĐ.
Việc thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong  kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện QCDC đã được các đơn vị quan tâm, Công đoàn đã chủ động phối hợp với chuyên môn tổ chức Hội nghị NLĐ, Hội nghị CBCC, đối thoại bằng nhiều hình thức giữa người sử dụng lao động và người lao động; đại diện tập thể lao động thương lượng, đàm phán ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
Phát động, tổ chức tốt các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Hiệu quả công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ được nâng lên, vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn ngày càng được nâng cao, CNVCLĐ tin tưởng gia nhập công đoàn góp phần xây dựng và phát triển tổ chức công đoàn vững mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của Đất nước.
4. Tồn tại hạn chế:
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những hạn chế nhất định, cụ thể là:
- Một bộ phận cán bộ nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc cũng như tính cấp bách và lâu dài của vấn đề dân chủ nói chung cũng như việc thực hiện QCDC tại cơ sở nên chưa thực hiện đầy đủ nội dung QCDC trong cơ quan, đơn vị. Vẫn còn có tình trạng cán bộ lãnh đạo coi nhẹ việc tổ chức triển khai thực hiện QCDC tại cơ sở.
- Người lao động vẫn còn tâm lý e ngại tham gia góp ý với lãnh đạo vì sợ mất việc làm hoặc ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân, chưa thấy hết quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó coi nhẹ trách nhiệm hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cá nhân đối với đơn vị, tập thể trong công tác xây dựng và thực hiện QCDC.
- Ở một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp việc tổ chức hội nghị CBCC, hội nghị NLĐ vẫn còn biểu hiện hình thức, nội dung, thời gian thực hiện chưa bảo đảm đúng quy định, chưa phát huy được quyền tham gia ý kiến trực tiếp của người lao động nên hiệu quả tổ chức hội nghị còn thấp; một số cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp chưa thực hiện công khai cho người lao động biết về quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ, nhất là các lợi ích trực tiếp liên quan đến NLĐ.
- Hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân của một số đơn vị chưa được phát huy đầy đủ, chưa được coi trọng. Có đơn vị thực hiện việc ký mới, ký lại, sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong Thoả ước lao động tập thể chưa được kịp thời.
Nguyên nhân của những hạn chế:
- Nguyên nhân chủ quan
+ Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn xem nhẹ tầm quan trọng và tính hiệu quả khi thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, gây khó khăn cho các cấp công đoàn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ.
+ Phần lớn cán bộ công đoàn hoạt động kiêm nhiệm, chủ yếu làm công tác chuyên môn, thời gian dành cho hoạt động công đoàn ít, một số nơi hoạt động công đoàn chưa thực sự hiệu quả, công tác phối hợp giữa chuyên môn và công đoàn nặng về hình thức.
+ Người lao động phần lớn chưa nắm hết được các quy định của pháp luật, chưa nhận biết được hết các quyền và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ nên chưa chủ động, tâm lý còn e ngại khi tham gia góp ý với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
- Nguyên nhân khách quan
+ Các doanh nghiệp trong ngành xây dựng có địa bàn hoạt động rộng khắp trên cả nước, nhiều công trình, nhà máy ở vùng xa xôi, hẻo lánh, địa hình phức tạp, điều kiện lao động vất vả, công việc phân tán, thường xuyên lưu động nên rất khó cho việc triển khai thực hiện.
+ Một số doanh nghiệp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, thiếu việc làm, nợ lương, nợ tiền trích nộp BHXH nên không thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động và tổ chức Hội nghị NLĐ theo quy định.
+ Chế tài xử phạt đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ, không thực hiện Hội nghị NLĐ, Hội nghị CBCC còn nhẹ không đủ sức răn đe.
5. Một số bài học kinh nghiệm của công đoàn trong việc tham gia xây dựng và thưc hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc thời gian qua
Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, CNVCLĐ nhận thức được quyền lợi của mình phải gắn liền với trách nhiệm và quyền lợi của đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp; dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, kỷ luật lao động, từ đó hạn chế được các tiêu cực, vi phạm kỷ luật lao động.
Thực hiện Quy chế dân chủ, thông qua Hội nghị NLĐ, Hội nghị CBCC đã tạo điều kiện để CNVCLĐ tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, củng cố đoàn kết nhất trí trong nội bộ, thực hiện tốt các chế độ chính sách. Lãnh đạo các đơn vị xác định đúng đắn hơn trách nhiệm, quyền hạn, tôn trọng và tiếp thu ý kiến đóng góp của CNVCLĐ; thực tế cho thấy các đơn vị xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua đều đạt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đời sống CNVCLĐ ngày càng được cải thiện.
Công tác tuyên truyền, tập huấn được tiến hành thường xuyên trên cơ sở đổi mới cả nội dung và hình thức, phương thức thực hiện phù hợp với từng loại đối tượng, nội dung phải làm rõ được lợi ích của từng chủ thể tham gia thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, giúp các chủ thể tự chuyển biến tư tưởng , nhận thức, tiến đến có hành động đúng đắn và hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã giúp cho người lao động nhận thức rõ hơn, đúng hơn về vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của họ, nên người lao động đã tự nguyện tham gia tổ chức công đoàn và là cơ sở để tổ chức công đoàn phát triển đoàn viên và xây dựng công đoàn vững mạnh.
6. Một số giải pháp nâng cao hơn nữa vai trò của công đoàn trong việc tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc
Để thực hiện tốt hơn nữa vai trò của công đoàn trong việc tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các cấp công đoàn về những quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát huy quyền làm chủ và mở rộng dân chủ trực tiếp của CNVCLĐ.
- Công đoàn các cấp tích cực tham gia hoàn thiện pháp luật về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời tham gia xây dựng pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động, hoàn thiện các quy chế nội bộ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tham gia thực hiện chính sách đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn, tay nghề cho người lao động, giám sát thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động, đại diện tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát thỏa ước lao động tập thể, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
- Công đoàn các cấp phối hợp với chuyên môn xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ, tổ chức Hội nghị NLĐ, Hội nghị CBCC theo quy định. Tăng cường các hình thức thực hiện dân chủ khác như hộp thư góp ý, hộp thư điện tử. Tập trung nâng cao số lượng, chất lượng hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tăng cường tư vấn, hỗ trợ Công đoàn cơ sở trong quá trình tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, chú trọng đối thoại đột xuất để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động. Đồng thời đôn đốc, kiểm tra, có biện pháp can thiệp và giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, CNVCLĐ. Tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả của việc thực hiện Quy chế dân chủ, từ đó đề ra các giải pháp thực hiện cho các năm sau./.
CĐXDVN
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 6
  • 0
  • 0
  • 1
  • 6
  • 5
lên đầu trang