Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 19/04/2024 | 16:59

Thứ sáu, 19/04/2024 | 16:59

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 08:21 ngày 11/08/2020

Những bông hoa của núi rừng

Những công trường thủy điện trên đất bạn Lào, rừng sâu núi thẳm, nơi thì lạnh tê tái, nơi thì nóng khô khan, tưởng như chỉ dành cho những người đàn ông khỏe mạnh. Thế nhưng sự hiện diện của những người phụ nữ đã làm cho cuộc sống công trường bớt khô khan đi rất nhiều.

Ở cao độ 1.200 mét, quanh năm mây mù bao phủ, mùa đông thì rét cắt da cắt thịt, gió thổi ào ào suốt ngày đêm. Chị Nguyễn Thị Hợi là một trong những người phụ nữ đầu tiên tới làm việc ở công trường kể rằng, chị là con gái miền Trung, bao năm nay chỉ quen với khí hậu nóng, thời điểm chị mới sang, công trường đang mùa đông, có những hôm đêm ngủ nằm đến sáng mà chăn đệm vẫn còn lạnh. Đa số chị em mới sang đều trải qua vài trận ốm, còn bây giờ thì quen lắm rồi, trời 15-16 độ đã được coi là ấm áp. Và cũng tại đây, chị đã gặp được tình yêu của mình, anh chị là cặp đôi đầu tiên nên duyên ở công trường thủy điện Xekaman 3. Tình yêu ở công trường không có những hẹn hò lãng mạn xem phim, cà phê, du lịch, … như ở thành phố mà chỉ đơn sơ là những tin nhắn, những cái liếc mắt nhìn trộm nhau trong nhà ăn tập thể, hẹn hò trên bờ đập, thế nhưng đối với chị Hợi đó vẫn là những kỷ niệm đẹp nhất, những tin nhắn với anh Quyết ngày đó chị vẫn còn lưu giữ đến tận bây giờ.

Anh Quyết, chị Hợi và kết quả tình yêu của anh chị - bé Bảo Khánh 5 tuổi rất đáng yêu

“Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hạnh phúc, tình yêu” (Quà tặng cuộc sống). Tám năm qua, hai công trường thủy điện Xekaman 3 và Xekaman 1 đã se duyên cho 16 cặp đôi và hiện giờ các anh, chị vẫn gắn bó với công trường.

Với những người phụ nữ ở công trường, chăm sóc con nhỏ thực sự là quá vất vả. Thực phẩm, thuốc men, cơ sở y tế, cái gì cũng thiếu thốn. Mỗi lần đi tiêm phòng phải đưa con về Việt Nam, đi gần 200 cây số đường đèo núi. Các chị tâm sự nhiều khi cảm thấy có lỗi với con vô cùng vì tuy không khó khăn về kinh tế nhưng đã không cho con mình được hưởng sự chăm sóc tốt nhất. Khi các bé hơn 1 tuổi là lại phải gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc để còn đi học mẫu giáo. Lúc này, khó khăn lớn nhất mà các chị phải vượt qua là nỗi nhớ con. Chị Hợi tâm sự là có những lúc chỉ muốn bỏ tất cả để về nhà làm gì cũng được miễn là ở gần con.

Sinh nhật một em bé ở công trường


Thế nhưng, nghĩ đến tương lai của gia đình, của con cái, vì tình yêu giành cho mảnh đất đã se duyên và gắn bó bấy lâu mà các chị lại tiếp tục cố gắng. Theo đánh giá của anh Hiến (Giám đốc Công ty TNHH điện Xekaman 1) và anh Bảo (Giám đốc Công ty TNHH điện Xekaman 3), chị em phụ nữ ở công trường, từ chị em làm nghiệp vụ cho đến chị em nấu ăn, phục vụ, ai cũng chăm chỉ, chịu khó, hoàn thành rất tốt công việc được giao.




Cuộc sống ở công trường những năm gần đây đã có nhiều thay đổi tích cực. CBCNV được ở trong những căn hộ khang trang, khép kín, có bình nước nóng, có máy lạnh. Hộ gia đình thì được bố trí ở căn hộ riêng, có khu bếp để nấu ăn. Lao động nữ cũng nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ lãnh đạo. Chị em nuôi con nhỏ được giảm thời giờ làm việc, khối lượng công việc, được tạo điều kiện làm thêm các công việc khác để tăng thu nhập như phơi măng, phơi nấm bán cho CBCNV Công ty hoặc trồng rau, nuôi gà, … cải thiện đời sống gia đình.





Khi được hỏi về mong ước trong năm 2018, các chị đều có chung mong muốn công trường sớm có nhà trẻ để mẹ con được gần nhau lâu hơn; mong muốn được lãnh đạo Công ty cho nghỉ thêm mỗi năm vài ngày phép để về thăm con được nhiều hơn; mong muốn mỗi năm một lần được lãnh đạo Công ty cho đi đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.


Vượt qua tất cả những khó khăn thiếu thốn ở công trường, các chị vẫn miệt mài làm việc, lạc quan trong cuộc sống, với niềm tin về sự phát triển của Công ty, về một tương lai tươi sáng của những đứa con ở quê nhà.

Và cuộc sống công trường trở nên dịu dàng hơn rất nhiều từ khi có các chị, những bông hoa của núi rừng. 

Theo Cty Việt Lào Power

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 4
  • 5
  • 3
  • 9
  • 9
lên đầu trang