Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 20/04/2024 | 19:27

Thứ bảy, 20/04/2024 | 19:27

Góc đoàn viên

Cập nhật lúc 02:47 ngày 27/07/2020

Sông Đà 11: Tìm lại ký ức của một thời để nhớ

Truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” là đạo lý vô cùng quý báu mà mỗi thế hệ lãnh đạo Công ty cổ phần Sông Đà 11 luôn nghi nhớ.
Với ý nghĩa như vậy, ban lãnh đạo Công ty cổ phần Sông Đà 11 đã xây dựng và tổ chức chương trình “trở về thăm lại công trình thủy điện Yaly” nơi mà các đồng chí đã từng dành thời gian, tuổi trẻ, trí tuệ và công sức để góp phần xây dựng đơn vị như ngày nay. Đây cũng là dịp để Ban lãnh đạo công ty thể hiện tình cảm và sự tri ân đối với các đồng chí nguyên là lãnh đạo công ty qua các thời kỳ. Chuyến hành trình đầy ý nghĩa đó đã được Nhà báo Lê Nguyễn Tất cảm nhận và ghi chép đầy đủ về chuyến đi.

Sau chuyến đi dài từ Thủ đô Hà Nội vào Tây Nguyên chúng tôi đã quay về địa điểm nơi xuất phát an toàn, mạnh khỏe. Một ngày, rồi hai ngày qua đi, vừa nghỉ ngơi, thư giãn nhâm nhi bên ly café PleiKu do những cán bộ dẫn đường (thay mặt lãnh đạo Công ty) trao tặng, tôi vừa hồi tưởng lại hành trình cả chuyến đi này. Lúc ấy là 5h10’ sáng ngày 8/7/2020 chúng tôi tập kết tại trước sảnh Trụ sở Công ty Cổ phần Sông Đà 11 - chiếc xe THACO mới coóng đỗ trước mặt. Người đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc là phó đoàn Trịnh Trọng Hùng, anh hăng hái niềm nở chào đón và hướng dẫn chúng tôi lên xe. Đúng giờ quy ước 5h30’, sau khi đã kiểm đếm đầy đủ số người trong danh sách được mời, gọi, đoàn xe chuyển bánh theo lệnh của Trưởng đoàn Nguyễn Văn Hải hiện là phó Tổng Giám đốc Công ty. Xe thoáng rộng với hơn 30 ghế ngồi nệm mút sạch bóng mà chỉ có 16 người đi. Tất nhiên, tùy nghi chọn chỗ, nhưng ít người ngồi riêng lẻ, 16 người có 1 người khách ngoại lai, còn toàn là cán bộ có chức sắc trong Công ty, người nhiều thì 70, 65, 63 năm công tác, người ít nhất cũng vừa về nghỉ chế độ dăm ba tháng, mỗi người một quê, mỗi người một nhà, nhưng phần lớn đều quy tụ xung quanh Hà Nội. Ấy vậy mà có được gặp nhau thường xuyên như lúc còn làm việc trên những công trường đâu! Bây giờ, trên chuyến xe được xem như ngôi nhà chung này, họ hàn huyên chia sẻ đủ điều mà phần lớn đều nói về những câu chuyện cũ khi họ cùng nhau tát nước, mắc điện phục vụ hàng vạn người lao động tại thủy điện Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La. Họ cùng nhau kéo dây, dựng cột cao thế 220, 500KV Hòa Bình, Sơn La, rồi vào Sông Bung, Đăk My 4 ở Nam Giang - Đắk Tà Oóc… Chao ôi! Cuộc đời họ với 3 - 40 năm công tác ở Sông Đà 11 vậy mà chân đi không mỏi, hết Tây Bắc, lại vào Tây Nguyên và ra cả nước ngoài. Phó Tổng giám đốc lâu năm như Nguyễn Đăng Bí ngồi đây mà nhẩm tính rằng mình đã đi những đâu, đến những nơi nào rồi, nhưng trong đầu và đôi mắt của vị “tướng già” vẫn còn tỉnh táo, nhớ đến cái nơi ông dẫn đoàn quân đi xây lắp tuyến đường dây 220KV từ Đăk My 4 về trạm 500KV Quảng Nam khi xe đi qua đoạn đường 14B quen thuộc...

Lộ trình của buổi sáng 8/7 là điểm đến khu công nghiệp Nghi Sơn - Thanh Hóa. Đây là công trình mới của Công ty giao cho chi nhánh Sông Đà 11.5 thực hiện. Điểm đến này, có lẽ những người tổ chức có ý giới thiệu để đoàn đi tham quan, thăm thú gặp gỡ với đơn vị thi công, và quả thật, nơi đây là một khu công nghiệp lớn, có lọc hóa dầu, có xi măng 2,3 triệu/năm, có nhà máy Nhiệt Điện 1000MW. Một dịp được chiêm ngưỡng thật hiếm có, nhất là những cán bộ đã nghỉ hưu. Giám đốc Chi nhánh Sông Đà 11.5 Nguyễn Tuân đã có mặt tại địa điểm thi công từ sớm. Anh phấn khởi chào đón các bậc lão thành nhất là mấy vị lãnh đạo tiền nhiệm của đơn vị khi anh còn là đội trưởng. Đoàn đi thăm nơi dựng cột, kéo dây ở hiện trường cũng là thời điểm nghỉ trưa. Đoàn được chiêu đãi đặc sản ngay sát bờ biển Nghi Sơn gió lộng…Thời gian lưu lại, giao lưu với cán bộ, công nhân chi nhánh Sông Đà 11.5 không được là bao, đoàn đành chia tay để đi tiếp theo lộ trình đã định.

Đoàn chụp ảnh kỷ niệm với CN Sông Đà 11.5 tại chân cột 500KV Nghi Sơn

Từ Nghi Sơn vào Đồng Hới trời xế trưa, bên ngoài nắng khoảng 39 – 400C nhưng trên xe vẫn thừa khí mát, đủ ru ngủ cho số vị cao tuổi… Ngồi hàng ghế giữa 1 mình -Tôi, vâng, chính tôi là người không là đối tượng “Tri ân” theo tên gọi của chuyến đi. Nói là mời cũng được, nhưng tôi thì đơn giản hơn, ông Tổng giám đốc đơn vị gọi cho tôi kể rằng có chuyến đi như vậy, trong đó có việc đoàn xe ghé các điểm mà quân Sông Đà 11 đang thi công các gói thầu ĐZ 500KV mạch 3 trọng điểm quốc gia. Chỉ nghe ông Tổng giám đốc nói thế, với tôi là lực hút, là thông tin không thể bỏ qua, là dịp “tiện thể” một công nhiều việc. Tôi nhận lời, y hẹn, ngày giờ đi mà không rõ hết nội dung cuộc đi này. Đoạn đường xe chạy Nghi Sơn – Đồng Hới, được chia sẻ của Trưởng, Phó đoàn Công ty được nghe rất nhiều, rất nhiều câu chuyện qua lại của các vị tiền bối đã nhiều năm công tác ở Sông Đà 11 mới ngộ nhận ra ý nghĩa, mục đích của lãnh đạo Công ty Sông Đà 11 đã tổ chức chuyến đi này.

Xe qua Đèo Ngang, đường như rộng ra, mặt phẳng, không có độ dốc, và trên xe nhiều người ngó ra để bùi ngùi ngắm lại cổng trạm B.O.T một thời do người SÔNG ĐÀ quản lý – thu phí. Dẫu rằng đường đến với chi nhánh Sông Đà 11.1 còn xa, nhưng Trưởng, phó đoàn vẫn cho xe ghé vào Vũng Chùa để đoàn viếng thăm nơi thờ phụng cố Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.

Chi nhánh Sông Đà 11.1, đảm nhận gói thầu 9.3 từ Bố Trạch (Quảng Bình) đi Dốc Sỏi với 79 vị trí cột trải dài ngót 40km qua nhiều xã thuộc địa bàn huyện Bố Trạch. Ông Đoàn Ngọc Sơn giám đốc chi nhánh và là người thường xuyên, trực tiếp có mặt trên công trường để đôn đốc, phân bổ công việc thi công. Ông Sơn chia sẻ; Địa bàn rộng, nhiều đoạn cả dây và cột đều qua đèo, qua sông nhiều đoạn vướng đất rừng phòng hộ, việc giải tỏa, đền bù khó thống nhất tiến độ bị kéo dài. Ông Sơn cho biết: Do là công trình trọng điểm quốc gia nên thời điểm này Chi nhánh đã dồn thêm lực lượng vào đây để thúc đẩy nhanh công việc sớm kết thúc dựng cột, kéo dây đặng hoàn tất toàn tuyến vào cuối tháng 9 tới, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty Sông Đà-CTCP. Đoàn được thăm, gặp gỡ cán bộ, công nhân Chi nhánh Sông Đà 11.1 nơi cây cột có độ cao 76m tít tận một vùng sâu hun hút trong cánh rừng mới trồng. Xe quay về thành phố Đồng Hới thì trời đã nhá nhem tối. Chấm dứt ngày đầu chuyến hành trình là bữa “tiệc” đón đoàn của chi nhánh 11.1 ngay bên bờ sông Nhật Lệ thơ mộng đong đầy gió từ biển khơi thổi vào hòa chung với cuộc gặp gỡ của 2-3 thế hệ đậm chất văn hóa của người Sông Đà 11 thân tình, ấm áp.

Kỷ niệm với Chi nhánh Sông Đà 11.1 tại Đồng Hới

Những tưởng xe đưa đoàn xuất phát, rời khỏi Đồng Hới lúc 5h30’ là sẽ kịp thời gian đến thăm lực lượng xây lắp tuyến đường dây 500KV mạch 3 từ Đà Nẵng đi Quảng Nam, ai dè cuộc chia tay với 11.1 còn luyến lưu, bịn rịn chưa muốn rời làm chậm hành trình gần cả tiếng nhưng lại được khỏa lấp bởi tình cảm giữa người đi, kẻ ở…

Cầu Hiền Lương gợi nhớ cho mọi người cuộc chia ly ngăn cách giữa hai miền Nam – Bắc từ tháng 1 năm 1955. Một thoáng chốc xe đến Đông Hà, rất nhiều thành viên trong đoàn ồ lên và lật lại ký ức ùa về để nhớ từng người, từng chi tiết khi đã một thời trụ tại đây để xây chợ, ngôi chợ Đông Hà ngay phía phải hướng xe đi vô. Chợ Đông Hà xây không mới, ít ra đã quá thời gian khoảng trên dưới 15 năm kia rồi. Những người thợ xây dựng nó, nay đã mỗi người mỗi ngả và tuổi đã cao…

Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân cũng vậy, nơi đây cũng đã ghi dấu ấn không thể phai về công sức những người thợ Sông Đà góp phần khoan “xuyên thủng” 6km đường hầm qua Hải Vân Quan và khi mà mọi người còn đang say sưa như đi trong mơ khi nghĩ về những bước chân người thợ Sông Đà đã đặt chân tới rất nhiều vùng miền của Tổ quốc đi xây dựng kinh tế - công nghiệp hóa thì xe đã tìm được bến đỗ nơi đóng Trụ sở của “quân”, “tướng” chi nhánh Sông Đà11.5 tại Đà Nẵng. Buổi hàn huyên, gặp gỡ của đoàn với cánh thợ xây lắp 11.5 diễn ra dưới trời trưa nắng nóng trên 400C, ấy vậy mà chả ai quan tâm đến nóng, bức. Họ ùa vào cuộc giao lưu vừa thăm thú, vừa hỏi han về công việc, đặc biệt lớp thợ 11.5 được gặp lại 2 vị nguyên là thủ trưởng cũ của chi nhánh mới nghỉ hưu năm ngoái. Rồi ngay chiều tối hôm đó đơn vị phía Nam đã chờ, đón đoàn về nơi đóng quân và thăm điểm thi công của mình. Giám đốc Đõ Quang Cường cùng Ban tổ chức chi nhánh đã căng, treo tấm paner lớn trước trụ sở: “Nhiệt liệt chào mừng đoàn……..” Chà! Có người thốt lên vì sự tiếp đón trang nghiêm, trịnh trọng. Tại nơi đây ban tổ chức đón tiếp đã khuấy động không khí ấm cúng, thân tình bằng những lời tri ân, những điệu hò, câu hát giữa người trong đoàn đi và cán bộ, công nhân chi nhánh phía Nam.

Tuyến 500KV mạch 3 Dốc Sỏi – Pleiku do CN Sông Đà 11 tại miền Nam thực hiện

Đêm Đà Nẵng, các cán bộ dẫn đoàn đã đặt trước chỗ nghỉ, ngủ ở khách sạn hạng sang giữa lòng thành phố đáng sống với nhiều di sản, thắng cảnh nổi tiếng và một thành phố với những cây cầu đặc biệt.

Qua 2 ngày ngồi xe hơn ngàn cây số, có lẽ đã thấm mệt, đa số các “cụ” nhận phòng nằm nghỉ cho lại sức để hôm sau còn tiếp tục hành trình đến nhà máy Thủy điện Đăk Pru (Kon Tum), và sau đó tới Thủy điện Đăk Đoa (Gia Lai). Đến 2 nhà máy thủy điện - một mua lại, một xây mới - nay đều thuộc sở hữu của Công ty CP Sông Đà 11 quản lý – vận hành – kinh doanh. Chỉ vậy thôi cũng khiến cho lòng tin cùng sự tự hào của những cán bộ lớp trước tăng thêm rồi ngẫm đến câu châm ngôn “Con hơn cha là nhà có phúc”.

Tới PleiKu với tôi đã là ngày thứ 5 của cuộc hành trình, và đến đây việc thực tế tác nghiệp ở các điểm thi công xây lắp tuyến tải điện 500KV mạch 3 cũng hoàn tất.

Trước ngày chia tay với các cán bộ lão thành của Sông Đà 11, Tôi tranh thủ trò chuyện với một vài vị đã từng “chinh chiến” ở những công trình xây dựng trên toàn cõi Việt.

Ông Nguyễn Thế Dũng (Dũng Thế tên gọi thời trai trẻ còn đồng đội bây giờ kêu là Dũng đầu bạc) vẫn còn khỏe và nhanh nhẹn. Tuy chưa chạm tới “đầu 7” nhưng Thế Dũng đã từng kinh qua rất nhiều công trình, mở đầu từ Hòa Bình, cột 500KV Mãn Đức đầu tiên của tuyến 500KV Bắc Nam, cuộc đời 44 năm gửi gắm phó thác cho Sông Đà 11 cho đến lúc nghỉ hưu khi được hỏi: Ông có cảm nghĩ gì khi được mời đi trong chuyến Tri ân này? Dũng nói ngay: Ồ, rất vui, rất cám ơn lãnh đạo Công ty đã quan tâm tới chúng tôi… (người phỏng vấn xin phép ngắt lời: không, tôi muốn hỏi riêng cảm nghĩ của ông thôi! À, vâng, tôi rất cảm động, thích thú và háo hức, chờ đến ngày lên đường. Thì ra, ông Dũng đầu bạc đã từng lãnh trách nhiệm chỉ huy phó công trình xây dựng khu vực nhà máy xi măng Yaly cách nay 25 năm trước. Chả thế mà xe qua khu vực nơi ở cũ, Dũng đã “nhảy” xuống xe chạy vội vào dãy nhà xưa cũ tìm một số đồng đội ở lại sau khi hoàn tất công trình vì họ không có điều kiện đi theo đơn vị.

Gặp lại một lô toàn người đã từng chia canh, sẻ mì với nhau lúc làm nhà máy, Thế Dũng bê ra một rổ nào soài, chôm chôm, sầu riêng, đặc sản của người ở lại hái vội xuống đem tặng các thành viên đoàn đi…

Đứng nhìn và nghe họ hàn huyên sau 25 năm gặp lại nhau, tôi không khỏi chạnh lòng và xúc động. Tiến sát lại gần nhóm công nhân chi nhánh 11 xưa cũ vội hỏi: Anh tên gì? - Tôi Ninh Trọng Toàn, công nhân điện nước, quê Hải Dương. - Anh mấy con, vợ anh giờ ra sao? - Vợ tôi được nhận vào làm công nhân thủy điện Ri Ninh 2, con lớn 27 tuổi đã kiếm được việc làm trên thành phố. - Anh có còn nhớ về Công ty 11 không, bây giờ có nguyện vọng gì? Với giọng khao khát, mong mỏi, anh Ninh Văn Toàn nói: Số công nhân của Sông Đà 11 ở khu vực này có 35 người; còn ở Gia Lai nói chung tính ra có tới 200 người nữa đang sinh sống. Chúng tôi mong muốn Công ty 11 sớm giúp chúng tôi “đoàn tụ” thành Hội đoàn hưu trí… Đã quá giờ đỗ xe, chúng tôi đành bỏ giở câu truyện với anh Toàn và nhóm bà con 11 Ialy ở lại. Lên xe chưa kịp ngồi xuống ghế, nguyên kế toán trưởng Nguyễn Quang Vinh- lớp người đầu tiên vô Ialy ghé sát tôi thủ thỉ: Chỗ này xưa kia đầy cây cối, núi đồi mấp mô, nhiều rắn và chồn, sóc, phải bắc mấy cây cầu gỗ qua suối mới vô lán ở được… Bây giờ khác xa, nào ngân hàng tín dụng, nào quầy bưu điện, cửa hiệu xan xát… Duy chỉ có ngôi miếu thờ những ngôi mộ tập thể ngày xưa thì vẫn còn lại! Vinh chưa đủ tuổi nghỉ hưu tuy còn thiếu vài tháng nữa là tròn 60. So với lứa nguyên cán bộ lãnh đạo trong đoàn thì Vinh nhớ dai, nhớ chi tiết tên từng người đã ăn, ngủ, làm việc trong cùng chi nhánh, Vinh còn nhớ rõ từng địa danh, hạng mục công trình… Tuy nhiên, anh là người có sau, có trước…Được hỏi, vì sao rời 11, đi xa lâu thế, nay về lại, Vinh có cảm tưởng gì? Vinh nói: “Hoàn cảnh thôi bác ạ, xa nhưng tấm long luôn nghĩ về nó (tức Sông đà 11). Tôi thấy tiếc và còn rất ân hận là khác nếu Tôi từ chối hoặc không được lãnh đạo công ty gọi cho đi đợt này! Tôi thật vui, hạnh phúc, vì đây là dịp hiếm có sau 1/4 thế kỷ tôi được trở lại nơi đầu đời đi dựng nghiệp – Tôi biết ơn, vô cùng cám ơn ban lãnh đạo Sông Đà 11!”

Tại Quảng trường thành phố PleiKu

Trên xe có một vài người nguyên là cán bộ cấp cao của Công ty 11, có ông điềm tĩnh-kiệm lời, có người ít giao đãi, riêng ông Nguyễn Mạnh Hà là người tôi mới quen biết trước lúc Công ty chia tay ông ngày về hưu. Còn ông Trịnh Xuân Tĩnh, tôi đã gặp “hụt” khi tôi được văn phòng Tổng công ty giới thiệu lên Trường Việt Xô viết bài. Chậm 1 tháng, khi tôi lên thì thầy hiệu trưởng là thầy Giang chứ không còn là thầy Tĩnh nữa. Đến hôm nay mới được gặp ông. Ấy vậy nhưng nơi sống và làm việc lâu nhất của thầy Tĩnh lại ở Năng Lượng 11. Ông cho biết, nay ông còn vẫn giữ nguyên tờ quyết định do chính tay ông Ngô Xuân Lộc (khi làm TGĐ Sông Đà) ký bổ nhiệm ông làm Phó TGĐ Công ty Năng Lượng 11. Trò chuyện với ông- một người vẫn còn vấn vương tâm trạng “của đường duyên nghiệp”…, tôi hỏi ông ông nghĩ gì về chuyến đi này? Ông Tĩnh nói: “Đây là sự quan tâm đầy nghĩa tình của lãnh đạo Công ty 11. Họ đã làm được điều mà chúng tôi chưa nghĩ tới”. Và ông cùng nhiều người trong chuyến đi này đều nhận thấy rằng đội ngũ cán bộ và công nhân ngày nay của Công ty SĐ 11 lớn mạnh, vững vàng hơn nhiều so với ngày xưa cả về nghề nghiệp và bản lĩnh…

Trò chuyện trên xe, chúng tôi ngồi cùng cựu Phó TGĐ Sông Đà Thăng Long Trần Ngọc Lan ở ghế giữa khoảng cách hàng trên, hàng ghế dưới. Hơn 2 ngày suốt chặng đường đi ,Trần Ngọc Lan (anh em gọi đùa “Lan Toác”) là nhân vật khuấy động chuyện trò nhiều nhất, nhờ thế mà xe lúc nào cũng râm ran, náo nhiệt. Khi ngồi nghe chúng tôi chia sẻ cảm tưởng riêng của mỗi người trong chuyến đi, dường như nóng ruột, Lan kéo tôi lên ngồi cùng hàng ghế để tâm sự: “Nhận thông báo của Công ty tổ chức chuyến Tri ân cho một số cán bộ đã nghỉ hưu, em quên đi ngay mọi thứ kể cả công việc và những cuộc hẹn hò, chỉ mong sớm đến ngày hẹn đi thôi!” - Vậy, chuyến đi này, bạn “thu hoạch” được những gì? Tôi hỏi và Lan nói ngay: “Nhiều chứ Bác, gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp này, được tiếp xúc với các đơn vị thi công này, đặc biệt là biết thêm nhiều địa danh mà Lan chưa đi qua, ví dụ con đèo Lò So dài tới 37km nằm ngay dưới chân núi có nông trang trồng loại sâm “quốc bảo” này; Rồi nữa Đắk Pru này- là nhà máy do Sông Đà 11 đầu tư, tự xây lắp nhanh nhất, hiệu quả nhất, vốn đầu tư thấp nhất chẳng hạn”. Thì ra Lan toác cũng không phải người vô tâm như mặt ngoài dù đã nghỉ việc ở Công ty 11. Còn người ngồi ghế cạnh tôi- ông Đặng Xuân Thư, vừa là chánh văn phòng vừa kiêm công tác tổ chức của 1 doanh nghiệp lúc quân số đông nhất lên đến trên ngàn người. Thư tự phong cho mình là người “làm dâu” không chỉ cho 1 mà có tới 5 đời Chủ tịch và TGĐ Công ty. Dường như ông rất kiệm lời, hoặc vốn là nhà tổ chức nên chỉ thấy ông nghe ngóng, và quan sát nhiều hơn. Tôi mạnh dạn hỏi ông: Chuyến đi này ông có kỷ niệm nào ấn tượng, và ông nhận xét gì? Đặng Xuân Thư thủng thẳng: “Có chứ, được tiếp cận với nhiều người lao động, được thực tế chứng kiến công việc của những dự án, được nhận biết thêm về quan điểm, tầm nhìn và tư cách của những người xung quanh…Còn chuyến đi ư? Tôi rất cám ơn và khâm phục ban lãnh đạo Công ty này, những người có tâm, có nghĩa….thế thôi!”.

Ấn tượng sau một chuyến đi dài và cũng là điểm kết thúc tại phố núi PleiKu, điều háo hức và mong mỏi nhất của đa số thành viên trong đoàn như các ông Nguyễn Thế Dũng, Trần Đình Hải, Nguyễn Tử Chung, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Văn Hải…vv đã thỏa một phần ước nguyện là về thăm lại cái nôi mà các vị đã tới đặt nền móng góp phần cùng đồng đội xây nên nhà máy sản xuất xi măng cũng như công tác xây lắp điện nước tại nhà máy thủy điện Ialy huyền thoại vùng Tây Nguyên từ 25 năm trước. Đó cũng là mục đích, ý nghĩa của ban lãnh đạo Công ty CP Sông Đà 11 đã tổ chức thành công chuyến đi Tri ân này.

Theo Sông Đà 11

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 5
  • 7
  • 2
  • 2
  • 9
lên đầu trang