Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ bảy, 20/04/2024 | 09:07

Thứ bảy, 20/04/2024 | 09:07

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 03:38 ngày 30/06/2020

“Kinh phí công đoàn do tổ chức công đoàn quyết định”

“Theo thông lệ quốc tế và truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng như tổ chức Công đoàn các nước xã hội chủ nghĩa, tài chính công đoàn do tổ chức công đoàn tự quyết định, Chính phủ các nước trên thế giới không can thiệp vào tài chính công đoàn”.

Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng phát biểu như trên tại Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn vừa được tổ chức. 

Thu kinh phí công đoàn 2% mang tính lịch sử 

Ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng, việc thu kinh phí công đoàn 2% trên quỹ tiền lương mang tính lịch sử, đã được hình thành và có ở tất cả các nước xây dựng chủ nghĩa xã hội (không có ở các nước theo chủ nghĩa tư bản).

Xuất phát từ quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, công đoàn có nghĩa vụ và trách nhiệm phải xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, nên tổ chức công đoàn phải có nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ đó. 

Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn vừa được Tổng LĐLĐVN tổ chức. Ảnh: Bảo Hân.
Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn vừa được Tổng LĐLĐVN tổ chức. Ảnh: Bảo Hân.

Do đó, sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 108 – SL ngày 5.11.1957 ban hành Luật Công đoàn, trong đó đã quy định rõ tại Khoản c Điều 21: “Tiền trích hàng tháng trong quỹ của xí nghiệp Nhà nước, cơ quan, trường học, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh dành cho Công đoàn bằng một tỷ lệ nhất định của tổng số lương cấp phát cho toàn thể công nhân viên chức” và được cụ thể hoá vào Nghị định số 188-TTg ngày 9.4.1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành, trong đó Điều 19 quy định: “Để góp phần vào quỹ công đoàn, giám đốc xí nghiệp nhà nước, thủ trưởng cơ quan, trường học, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh, hiệu trưởng trường tư thục, hàng tháng nộp vào quỹ công đoàn thuộc tài khoản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam một số tiền gọi là kinh phí công đoàn bằng 2% tổng số tiền lương cấp phát trong tháng cho toàn thể công nhân viên chức, không phân biệt trong hay ngoài biên chế”. 

Vẫn theo ông Đặng Ngọc Tùng, quan điểm của Đảng ta về thu kinh phí công đoàn rất nhất quán từ trước đến nay, đặc biệt Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28.1.2008 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” ghi rõ: “Việc thu kinh phí công đoàn tại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn và của Chính phủ; sử dụng cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, sinh hoạt văn hoá, thi đua, khen thưởng, phúc lợi xã hội và các hoạt động khác của công nhân tại chính doanh nghiệp đó, kể cả việc trả lương hoặc phụ cấp cho cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp. 

Luật Công đoàn 2012 đã được Quốc hội khoá XIII thông qua với số phiếu đồng ý rất cao, riêng khoản 2 điều 26 thu kinh phí công đoàn 2% được 72,76% đại biểu Quốc hội đồng ý. Luật Công đoàn 2012 đã nêu rõ, về kinh phí công đoàn, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Đề nghị phân chia kinh phí công đoàn 2% theo tỷ lệ đoàn viên

Ông Đặng Ngọc Tùng phân tích thêm: Theo thông lệ quốc tế và truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng như tổ chức công đoàn các nước xã hội chủ nghĩa, tài chính công đoàn do tổ chức công đoàn tự quyết định, Chính phủ các nước trên thế giới không can thiệp vào tài chính công đoàn, kể cả các nước theo chủ nghĩa xã hội có trích kinh phí công đoàn 2%. 

Từ ngày thành lập đến nay, cũng như sau khi có Luật Công đoàn 1957, Luật Công đoàn 1990, Luật Công đoàn 2012, Công đoàn Việt Nam hoàn toàn tự quyết định nguồn tài chính công đoàn, trong đó có cả kinh phí công đoàn 2% mà các đơn vị doanh nghiệp trích cho tổ chức công đoàn, Chính phủ hoàn toàn không can thiệp vào quyền quyết định tài chính công đoàn, đúng với thông lệ quốc tế. 

Ông Đặng Ngọc Tùng đề nghị, giữ nguyên quy định liên quan đến kinh phí công đoàn 2% như hiện nay, bổ sung: Kinh phí công đoàn 2% do cơ quan, tổ chức doanh nghiệp chuyển sang được phân chia cho các tổ chức đại diện người lao động theo tỉ lệ đoàn viên của tổ chức đó.  

Ông Mai Đức Chính - nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đề nghị, vẫn giữ nguyên điều 26 của Luật Công đoàn như hiện hành, chỉ bổ sung: tỉ lệ kinh phí 2% để lại cho công đoàn cơ sở bằng với tỉ lệ kinh phí để lại cho tổ chức của người lao động tại cơ sở. Đối với doanh nghiệp có từ 2 tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trở lên thì chia theo tỉ lệ số người lao động tham gia của mỗi tổ chức. 

Ông Mai Đức Chính - nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Bảo Hân.
Ông Mai Đức Chính - nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Bảo Hân. 

“Ban chấp hành Tổng Liên doàn Lao động Việt Nam khoá XI đã quyết định tỉ lệ kinh phí 2% để lại cho công đoàn cơ sở theo lộ trình mỗi năm tăng 1% và tối đa là 75%. Vì vậy, tôi đề nghị nên giữ lại quy định này và có thể đưa vào luật để Quốc hội thấy rằng kinh phí công đoàn chủ yếu để lại cho cơ sở chăm lo cho đoàn viên và người lao động” – ông Chính đề xuất. 

Tài chính của tổ chức công đoàn được dành cho công đoàn cơ sở là chủ yếu

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong giai đoạn 2012-2020, nguồn tài chính của tổ chức công đoàn được dành cho công đoàn cơ sở là chủ yếu. Thực hiện Nghị quyết 07b/NQ-TLĐ, từ năm 2016, nguồn kinh phí công đoàn dành cho công đoàn cơ sở mỗi năm tăng 1%.

Năm 2020, tỷ lệ phân phối cho các cấp công đoàn như sau: Nguồn thu tại cấp công đoàn cơ sở được sử dụng bao gồm 70% nguồn thu kinh phí công đoàn, 60% nguồn thu đoàn phí công đoàn, 100% nguồn thu khác. Tại công đoàn cấp trên cơ sở trở lên sử dụng phần còn lại của nguồn thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn. Từ đó, công đoàn cơ sở sẽ có thêm điều kiện để chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên và người lao động.

Theo Báo LĐ
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 5
  • 5
  • 2
  • 2
  • 0
  • 8
lên đầu trang