Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:28

Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:28

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 10:33 ngày 19/05/2020

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH: Cán bộ công đoàn phải không ngừng đổi mới, sáng tạo

Trước tình hình mới, cán bộ công đoàn (CĐ) phải học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tự học tập, rèn luyện nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động CĐ; làm việc trong một môi trường mới với phong cách mới để giành được niềm tin của người lao động đối với tổ chức CĐ.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư (thứ 2 bên trái), Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang (thứ 2 bên phải) và các đại biểu trao đổi bên lề buổi tọa đàm. Ảnh: HẢI NGUYỄN

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư (thứ 2 bên trái), Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang (thứ 2 bên phải) và các đại biểu trao đổi bên lề buổi tọa đàm. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) - nhấn mạnh như trên tại buổi tọa đàm “Cán bộ CĐ học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh” diễn ra vào sáng 17.5 nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2020).

Buổi tọa đàm do Tổng LĐLĐVN tổ chức dưới sự chủ trì của các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Đình Khang - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Tham luận tại tọa đàm, đồng chí Trần Vũ Duy Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.Đà Nẵng - cho rằng, trong phong cách tư duy của Bác nổi bật là phẩm chất hài hòa, uyển chuyển, linh hoạt. Những điều này được Bác đúc kết lại trong một câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Đồng chí Trần Vũ Duy Mẫn cho biết, học tập theo phong cách này thể hiện rõ nét trong vụ việc đòi quyền lợi cho 196 người lao động (NLĐ) của Công ty (Cty) TNHH Một thành viên TBO Vina (100% vốn Hàn Quốc) vào năm 2019. Cty có chủ người Hàn Quốc về nước để lại khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) gần 14 tỉ đồng, khiến gần 500 NLĐ điêu đứng vì quyền lợi không được đảm bảo.

Theo đó, bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết các vấn đề trước mắt có liên quan đến tình hình của NLĐ như trợ cấp cho LĐ đang mang thai và đang nghỉ thai sản nhưng chưa được giải quyết chế độ; tư vấn cách giải quyết các chế độ thai sản cho LĐ nữ; hướng dẫn hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp... LĐLĐ TP.Đà Nẵng đã linh hoạt, chủ động chỉ đạo CĐ Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng và cử cán bộ phối hợp các cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ NLĐ tiến hành bổ sung, hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện DN. Chuyển việc đại diện tập thể 196 NLĐ khởi kiện đòi tiền lương, tiền nợ BHXH (Luật BHXH năm 2014) thành vụ 196 vụ án tranh chấp LĐ cá nhân (Bộ Luật Tố tụng Dân sự) và đã thành công. Bởi đây là phương án dễ thực hiện, thời gian thực hiện ngắn hơn, NLĐ chủ động cho từng hồ sơ khởi kiện của mình.

“Nhờ sự linh hoạt, chủ động trong bảo vệ quyền, lợi ích cho NLĐ, chúng tôi đã vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực nghiên cứu và xây dựng một quy trình hỗ trợ, hướng dẫn và chuẩn bị các công tác cần thiết từ giai đoạn tư vấn, hướng dẫn khởi kiện cho đến khi trực tiếp tham gia tố tụng tại Tòa án để hỗ trợ NLĐ, xây dựng bảng tổng hợp thông tin để cung cấp, bổ sung thông tin, hồ sơ kịp thời cho tòa án khi có yêu cầu. Đến thời điểm này, việc thanh lý tài sản và thi hành án cho NLĐ vẫn còn là chặng đường phía trước nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục kiên trì bài học kết hợp hài hòa những quy định pháp luật và sự linh hoạt, chủ động trong phương pháp triển khai để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ” - đồng chí Trần Vũ Duy Mẫn nói. 

“Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”

Đồng chí Vũ Thị Minh Phượng - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Hà Nam - lại học được từ lời căn dặn của Bác: Cán bộ dân vận phải “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Theo đồng chí Vũ Thị Minh Phượng, công tác CĐ chính là công tác dân vận của Đảng mà cán bộ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp (DN) và NLĐ, nhằm vận động, thu hút, tổ chức họ thực hiện tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Để thực hành “Dân vận khéo”, cán bộ CĐ phải có đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ và năng lực thực tiễn, luôn tiên phong gương mẫu… như lời Bác Hồ dạy.

“Yêu cầu của “óc nghĩ” là yếu tố trí tuệ. Có trí tuệ là một yêu cầu nhưng phải luôn “động não, vắt óc” nghĩ cách tập hợp tổ chức hướng dẫn CĐCS, đoàn viên và công nhân lao động (CNLĐ), phân tích kỹ lưỡng tình hình để thấu hiểu họ đang nghĩ gì, đang cần gì để kịp thời có quyết sách, biện pháp đáp ứng nhu cầu chính đáng của họ” - đồng chí Vũ Thị Minh Phượng phân tích.

Vẫn theo đồng chí Vũ Thị Minh Phượng, cán bộ CĐCS trong quá trình hoạt động phải sâu sát cơ sở theo đúng phương châm đã đề ra: “Lấy CĐCS làm địa bàn hoạt động, lấy CNLĐ, đoàn viên CĐ làm đối tượng vận động”; phải vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “mắt thấy tai nghe, chân đi miệng nói, tay làm”… nhằm quan sát, nhìn nhận, thấu hiểu bản chất các sự vật hiện tượng thực tế. Phải có con mắt tinh tường khách quan, đứng vào vị trí của đối tượng được vận động, trao đổi để nhận biết đúng, sai, tốt, xấu, hợp tình hợp lý chia sẻ, động viên… Cùng với đó, phải hết sức ngăn ngừa và tránh xa phong cách làm việc “Nói không đi đôi với làm, chỉ tay năm ngón, đánh trống bỏ dùi”…

Tại buổi tọa đàm, nhiều cán bộ CĐ cũng đã chia sẻ việc học tập theo phong cách Bác từ những câu chuyện thành công cụ thể của đơn vị mình.

* GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Tổ chức CĐ Việt Nam có sứ mệnh rất cao cả trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tổ chức CĐ cần đặc biệt thấm nhuần di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” để quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ các cấp, nhất là chủ tịch CĐCS trong các DN. Lựa chọn cán bộ CĐ là những người phải trưởng thành từ phong trào CNVCLĐ, từ cấp ủy và các tổ chức đoàn thể. Hiểu NLĐ, trăn trở vì NLĐ, đi sâu, đi sát với cơ sở và uy tín với DN. Bên cạnh đó, CĐ phải thực sự là tổ chức của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ. Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động CĐ bám sát thực tiễn cơ sở, xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của CNLĐ. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động CĐ, hướng trọng tâm về cơ sở, nhất là các DN ngoài khu vực Nhà nước. Tiếp tục phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo NLĐ đóng góp trí lực, sức lực của mình cho sự phát triển của ngành, địa phương và đất nước… BẢO HÂN (ghi)

* Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - nhấn mạnh, có 6 phong cách mang giá trị cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà mỗi cán bộ CĐ cần học tập, vận dụng sáng tạo trong hoạt động CĐ. Đó là: Phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo; phong cách làm việc luôn trọng dân, gần dân, thấu hiểu nhân dân, chăm lo lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phong cách lãnh đạo tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, luôn làm gương trước để mọi người noi theo; phong cách diễn đạt chân thực, trong sáng, mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi đối tượng; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, có lý có tình; phong cách sinh hoạt, cần kiệm liêm chính, hài hòa, giản dị, gần gũi, mỗi việc làm, mỗi hành động đều chứa đựng ý nghĩa giáo dục rất cao. 


Cán bộ công đoàn cần "nói đi đôi với làm"


Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Phát biểu tổng kết tọa đàm, đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nhấn mạnh, cán bộ công đoàn cần gắn bó mật thiết với quần chúng lao động.

Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn cần thực hành nhuần nhuyễn phong cách “Nói đi đôi với làm”.

“Hành động mới là cách nói thuyết phục nhất của cán bộ công đoàn đối với quần chúng lao động, là điều cốt lõi làm nên phong cách của người cán bộ công đoàn. Hành động của cán bộ công đoàn phải đạt được mục đích không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là công nhân lao động”- đồng chí Trần Thanh Hải khẳng định.

Đồng chí Trần Thanh Hải phân tích: Nếu nói không đi đôi với làm sẽ làm mất uy tín của tổ chức công đoàn, xói mòn lòng tin của quần chúng lao động với tổ chức công đoàn, phá vỡ mối quan hệ khăng khít giữa tổ chức công đoàn với đoàn viên và người lao động. Cần tạo nên một phong cách của cán bộ công đoàn, đó là nói ít, làm nhiều, làm thực chất, lan tỏa mạnh mẽ, dấn thân thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động để mỗi hoạt động của công đoàn đều thấm sâu vào nhận thức và tình cảm của đoàn viên công đoàn.

Cùng với đó, cán bộ công đoàn cần coi trọng dân chủ, thực hành dân chủ và thực hành phong cách của người cán bộ lãnh đạo.

“Mỗi cán bộ công đoàn đều có trách nhiệm thực hành phong cách Hồ Chí Minh trong hoạt động, trong cuộc sống, phải góp phần tạo nên đạo đức của người cán bộ công đoàn làm cho hoạt động công đoàn ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn; gắn bó chặt chẽ, mật thiết với quần chúng lao động, một lòng phấn đấu vì quyền, lợi ích, hợp pháp chính đáng của đông đảo người lao động”- đồng chí Trần Thanh Hải kết luận.

Theo TLĐLĐVN
Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 8
  • 5
  • 4
  • 5
  • 8
lên đầu trang