Công đoàn Xây dựng Việt Nam

Thứ năm, 28/03/2024 | 17:40

Thứ năm, 28/03/2024 | 17:40

Tin TLĐ

Cập nhật lúc 04:07 ngày 25/10/2019

Đổi mới phương thức chăm lo Tết cho người lao động

Ngày 24.10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ tám (khóa XII) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Theo đó, Đoàn Chủ tịch chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung tổ chức chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động.

Tham dự hội nghị, có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Chăm lo tốt hơn nữa cho đoàn viên, người lao động dịp Tết

Trình bày Tờ trình kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, Đoàn Chủ tịch chỉ đạo các cấp Công đoàn (CĐ) tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung tổ chức chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, tạo sự quan tâm của các cấp chính quyền và toàn hệ thống chính trị; tăng cường xã hội hóa nguồn lực, gắn với các hoạt động chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, sẽ không tổ chức “Tết Sum vầy” ở cấp Tổng LĐLĐVN dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; tập trung tổ chức “Tết Sum vầy” ở địa phương để tạo sự lan tỏa nhiều hơn.

Dự thảo kế hoạch đưa ra định hướng một số hoạt động chăm lo Tết, trong đó, CĐ các cấp tham gia kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Không để người sử dụng lao động lợi dụng buộc NLĐ tăng ca, làm thêm giờ, không được nghỉ Tết hoặc nghỉ Tết ít hơn thời gian luật định. Chủ động đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết. Kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của NLĐ ở các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản. Tổ chức các hoạt động đưa đoàn viên và NLĐ về quê ăn Tết đảm bảo đúng đối tượng, chu đáo, an toàn, thuận lợi, tạo sức lan tỏa và ý nghĩa nhân văn. Tổ chức các hoạt động vui Tết và thăm, động viên đoàn viên, NLĐ không có điều kiện về quê, đảm bảo vui tươi, chu đáo, ấm áp, nghĩa tình.

Bên cạnh đó, Chương trình “Tết Sum vầy” cần được tổ chức rộng khắp ở các khu công nghiệp, các DN lớn, ở nơi có đông công nhân (CN) tạo điểm nhấn đặc biệt để các cấp chính quyền, đoàn thể và cả hệ thống chính trị cùng tham gia các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán cho đoàn viên, NLĐ, gắn với hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, NLĐ kịp thời, ý nghĩa, thiết thực đảm bảo đúng đối tượng. Phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả những phát sinh liên quan đến quyền lợi của NLĐ xảy ra trong dịp Tết; hạn chế tranh chấp lao động và ngăn ngừa có hiệu quả đình công trái pháp luật...

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung này, tập trung vào chủ đề, phương châm, các hoạt động… Đồng chí Trần Quang Huy - Chủ tịch CĐ Công thương Việt Nam - cho rằng, việc ban hành kế hoạch này là rất cần thiết để các cấp CĐ triển khai các hoạt động chăm lo một cách đồng bộ. Đồng chí đồng tình không tổ chức Chương trình Tết Sum vầy ở cấp Tổng LĐLĐVN, tập trung tổ chức ở cơ sở để các hoạt động được lan tỏa rộng hơn; đồng thời cần đa dạng hóa các hoạt động, quan tâm hơn đến NLĐ vẫn phải làm việc, trực trong dịp Tết, NLĐ ở vùng sâu, xa...

Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ vào dịp Tết Nguyên đán đã trở thành hoạt động định kỳ, nổi bật của tổ chức CĐ, thể hiện rõ vai trò chăm lo bảo vệ đoàn viên, NLĐ của tổ chức CĐ. Các hoạt động này đã được triển khai đồng bộ ở các cấp CĐ trong nhiều năm qua. Tổ chức các hoạt động chăm lo gắn với hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam còn là dịp để tăng cường tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho đội ngũ đoàn viên, CNLĐ.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang yêu cầu cần thực hiện xã hội hóa bằng nhiều hình thức, phát huy tính sáng tạo của các cấp CĐ để có nhiều hình thức chăm lo phong phú, đa dạng.

Đồng chí cũng đề nghị LĐLĐ các tỉnh, thành phố phải phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương để nắm được hoàn cảnh của CNLĐ chưa phải là đoàn viên để chăm lo, quan tâm kịp thời...

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang chủ trì Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ tám (khóa XII) ngày 24.10. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang chủ trì Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ tám (khóa XII) ngày 24.10. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Hoàn thiện đề án đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn

Hội nghị còn thảo luận những nội dung khác: Sửa đổi, bổ sung Quy chế thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các ban, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐVN ban hành kèm theo Quyết định số 979/QĐ-TLĐ ngày 14.5.2018; sửa đổi Quy chế Khen thưởng của tổ chức CĐ; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ CĐ các cấp.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang giao cho Bộ phận soạn thảo tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ CĐ các cấp để tiếp tục đưa ra kỳ họp Đoàn Chủ tịch lần sau. Sửa đổi, bổ sung Quy chế thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các ban, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐVN. Tiếp thu, sửa đổi để ban hành Quy chế Khen thưởng của tổ chức CĐ. Đồng chí giao Bộ phận soạn thảo bổ sung các ý kiến đóng góp vào dự thảo Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ Việt Nam trong tình hình mới”, để Đoàn Chủ tịch họp bàn một lần nữa, hoàn thiện, trình Bộ Chính trị.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang còn thông tin kết quả của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

Theo Báo LĐ

Phát triển bởi VtkMedia
Tổng số lượt truy cập :
  • 2
  • 7
  • 3
  • 8
  • 0
  • 8
  • 2
  • 7
lên đầu trang