title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Cho mượn tài sản công bị xử phạt thế nào?
Thứ sáu, 04/10/2019 - 15:39
Hỏi: Tôi làm lái xe cho cơ quan hành chính nhà nước. Vừa rồi, tôi cho người khác mượn xe cơ quan sử dụng và bị phát hiện. Hành vi cho mượn tài sản công sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?
Hỏi: Tôi làm lái xe cho cơ quan hành chính nhà nước. Vừa rồi, tôi cho người khác mượn xe cơ quan sử dụng và bị phát hiện. Hành vi cho mượn tài sản công sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?
 Trả lời: 
Điều 9 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về cho mượn tài sản công như sau:
1. Phạt tiền đối với hành vi cho mượn, sử dụng tài sản công không đúng quy định (cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tài sản công không phân biệt có hợp đồng cho mượn hay không có hợp đồng cho mượn, không phân biệt thời hạn cho mượn) theo các mức phạt sau:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:           
Tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
a) Buộc hoàn trả lại tài sản cho mượn. Trường hợp tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả lại bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu;
b) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền tương ứng với số tiền thuê tài sản trong thời gian cho mượn. Việc xác định số tiền thuê tài sản để làm căn cứ xử phạt thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định này.
Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định về việc xác định giá trị hợp đồng đi thuê tài sản để làm căn cứ xử phạt như sau:
a) Trường hợp hợp đồng đi thuê tài sản ghi cụ thể giá trị hợp đồng thì căn cứ xử phạt là giá trị ghi trong hợp đồng;
b) Trường hợp đi thuê tài sản mà không lập thành hợp đồng hoặc có lập hợp đồng nhưng không đủ thông tin để xác định giá trị theo quy định tại khoản a điểm này thì giá trị làm căn cứ xử phạt xác định bằng giá đi thuê của tài sản cùng loại hoặc có tiêu chuẩn, kỹ thuật tương đương trên thị trường tại thời điểm xảy ra vi phạm nhân với (x) thời hạn đi thuê tài sản tính từ thời điểm bắt đầu đi thuê đến thời điểm ra quyết định xử phạt hành chính.
Theo Báo LĐ