title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Thủ tục làm lại chứng minh thư thế nào?
Thứ năm, 12/09/2019 - 16:42
Chứng minh nhân dân (chứng minh thư) là giấy tờ tùy thân không thể thiếu. Nếu không may làm mất, phải làm lại chứng minh thư thế nào là lo lắng của không ít người.
Chứng minh nhân dân (chứng minh thư) là giấy tờ tùy thân không thể thiếu. Nếu không may làm mất, phải làm lại chứng minh thư thế nào là lo lắng của không ít người.
Theo Luật sư Nguyễn Trung - Đoàn luật sư Hà Nội:
1. Có tất cả 3 loại chứng minh thư
Từ ngày 1.1.2016, có 3 loại giấy tờ có giá trị chứng minh cơ bản về lai lịch, nhận dạng của người được cấp gồm:
- Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số (theo Nghị định 05/1999/NĐ-CP);
- CMND 12 số (Thông tư 57/2013/TT-BCA);
- Thẻ Căn cước công dân (Luật Căn cước công dân 2014).
Cả 3 loại giấy tờ này chỉ khác nhau về tên gọi nhưng đồng thời tồn tại và có giá trị giống nhau. Trong đó, thẻ Căn cước công dân và CMND 12 số cùng được sản xuất từ một loại phôi, công nghệ giống nhau.
Đặc biệt, người đã được cấp CMND 12 số khi cấp đổi sang thẻ Căn cước công dân (CCCD) sẽ được giữ nguyên số CMND được cấp trước đó.
Hiện nay, các tỉnh cấp thẻ Căn cước công dân 2019 gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. 
Trước đó, 16 tỉnh, thành phố này cũng triển khai cấp CMND 12 số và dừng cấp CMND 12 số chuyển sang cấp CCCD (từ ngày 01/01/2016).
Như vậy, 47 tỉnh, thành còn lại (chưa triển khai thẻ CCCD) thì vẫn sử dụng CMND 9 số. Và chậm nhất đến ngày 1.1.2020, sẽ thực hiện cấp CCCD  trên cả nước.
2. Làm lại chứng minh thư ở nơi chưa cấp CCCD
 2.1. Đối tượng được cấp lại CMND
Đã được cấp CMND 9 số nhưng bị mất và không thuộc đối tượng tạm thời chưa được cấp chứng minh thư:
- Đang chấp hành lệnh tạm giam tại trại tạm giam, nhà tạm giữ;
- Đang thi hành án phạt tù tại trại giam, phân trại quản lý phạm nhân thuộc trại tạm giam;
- Đang chấp hành quyết định đưa vào các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
- Những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không có khả năng điều khiển được năng lực hành vi của bản thân.
(Theo Điều 4 Nghị định 05/1999/NĐ-CP)
 2.2. Thủ tục cấp lại CMND
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Đơn đề nghị (mẫu CM3) có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký thường trú
- Hộ khẩu thường trú (sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể)
Bước 2: Tới công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú thực hiện thủ tục
- Kê khai tờ khai cấp CMND theo mẫu
- Chụp ảnh hoặc công dân nộp ảnh theo quy định
- Lăn tay 2 ngón trỏ
(điểm b khoản 1 Điều 6 Nghi định 05/1999/NĐ-CP)
Bước 3: Nộp lệ phí
Trường hợp thu nhận ảnh trực tiếp (ảnh thu qua camera): 70.000 đồng
Trường hợp thu nhận ảnh gián tiếp (chưa tính tiền chụp ảnh): 60.000 đồng
Tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí CMND mới bằng 50% mức thu trên
(Điều 2 Thông tư 155/2012/TT-BTC)
 2.3. Thời hạn giải quyết
15 ngày làm việc. Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo thời gian giải quyết không quá 20 ngày làm việc.
3. Làm lại chứng minh thư tại 16 tỉnh cấp CCCD
Theo đó, công dân có hộ khẩu thường trú tại 16 tỉnh, thành phố đã triển khai cấp thẻ CCCD khi làm mất CMND cũ (9 số hoặc 12 số) đều sẽ được cấp mới thẻ CCCD.
 3.1. Thủ tục cấp lại CMND sang CCCD
Bước 1: Mang theo sổ hộ khẩu đến công an quận, huyện nơi đăng ký thường trú để thực hiện thủ tục
Bước 2: Thực hiện các công việc sau:
- Điền thông tin vào Tờ khai CCCD (mẫu CC01). Khi điền Tờ khai lưu ý tích vào mục đề nghị cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
- Xuất trình sổ hộ khẩu để đối chiếu thông tin với Tờ khai;
- Chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để in trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân và thẻ Căn cước công dân
Bước 3: Nhận giấy hẹn trả thẻ CCCD và nộp lệ phí: 30.000 đồng (khoản 1 Điều 4 Thông tư 256/2016/TT-BTC sửa đổi tại Thông tư 331/2016/TT-BTC)
 3.2. Thời hạn giải quyết
Không quá 07 ngày làm việc. Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc (khoản 1 Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014).
Theo Báo LĐ