title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Sửa Luật Lao động phải bảo vệ được quyền lợi người lao động
Thứ ba, 10/09/2019 - 15:19
Sáng 9.9, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Lần thứ 7 (khóa XII) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là về sửa đổi Bộ luật Lao động, theo đó, việc sửa đổi cần phải đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ).

Sáng 9.9, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Lần thứ 7 (khóa XII) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là về sửa đổi Bộ luật Lao động, theo đó, việc sửa đổi cần phải đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ).

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc Hội nghị Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 7 (khoá XII). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc Hội nghị Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 7 (khoá XII). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tham dự có đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Cần giảm giờ làm việc

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - trình bày báo cáo một số vấn đề lớn trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần 3. Theo đó, bên cạnh những nội dung đã được tiếp thu, bổ sung trong thời gian qua, Tổng LĐLĐVN tiếp tục tập trung đề xuất và bảo vệ quan điểm đối với một số nội dung lớn trong Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết, so với nhiều nước trên thế giới, thời giờ làm việc bình thường của NLĐ Việt Nam đang ở mức cao, với 48 giờ/tuần. Quan điểm của Tổng LĐLĐVN là cần giảm thời giờ làm việc cho NLĐ. Tổng LĐLĐVN đề nghị xem xét để giảm thời giờ làm việc bình thường từ “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần” và đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để Quốc hội thảo luận và biểu quyết. Đề xuất này dựa trên thực tế với quy định thời giờ làm việc bình thường của NLĐ là 48 giờ/tuần, số giờ làm việc của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Đồng chí Trần Quang Huy - Chủ tịch CĐ Công Thương Việt Nam - bày tỏ đồng tình giảm thời giờ làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ. “Giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của thế giới. Đây cũng là dịp để chuyển từ sử dụng nhiều nhân công kỹ thuật thấp sang nhân công kỹ thuật cao, chất lượng cao. Giảm giờ làm cũng sẽ tạo áp lực để chủ sử dụng lao động đầu tư thêm vào kỹ thuật, công nghệ, từ đó nâng cao năng suất lao động”- đồng chí Trần Quang Huy lý giải.

Đồng chí Ngô Xuân Thắng - Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng - cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến trên, đồng thời nhấn mạnh, năng lực cạnh tranh không chỉ là thời gian làm việc mà cần phải đổi mới công nghệ…

Quy định tuổi nghỉ hưu cần lưu ý đến đặc thù nghề nghiệp

Vấn đề tuổi nghỉ hưu cũng thu hút nhiều ý kiến của các đại biểu. Theo đồng chí Vũ Minh Đức - Chủ tịch CĐ Giáo dục Việt Nam - chỉ những người làm công tác quản lý mới muốn tăng tuổi nghỉ hưu; còn các giáo viên ở khối phổ thông, đặc biệt ở khối mầm non thì không muốn. Đồng chí Vũ Minh Đức kể, có cô giáo mầm non nói rằng, đến 52 tuổi đã không thể múa, hát cho các cháu được. Việc sắp xếp sang công việc khác là rất khó. Vì vậy, đồng chí cho rằng, cần tính đến đặc thù nghề nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Trịnh Thanh Hằng - Trưởng ban Nữ công (Tổng LĐLĐVN) - nói rằng, cần lưu ý đến những nghề nghiệp đặc thù, nặng nhọc, độc hại khi quy định tuổi nghỉ hưu, theo đó, nên trao quyền cho NLĐ được lựa chọn.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho hay, Tổng LĐLĐVN đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: Đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là CNLĐ trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Đối với những đối tượng này phải đánh giá tác động và tiếp tục lắng nghe ý kiến trực tiếp từ họ; giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Đối với NLĐ bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định.

Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, sửa Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn là 2 nội dung rất quan trọng được Tổng LĐLĐVN quan tâm chỉ đạo sát sao. Đồng chí nhấn mạnh, trong sửa Bộ luật Lao động, Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp tục kiên trì những định hướng đã đề xuất, sẽ kịp thời điều chỉnh tiếp thu diễn biến mới để có góp ý tối đa vào bộ luật theo đúng mục tiêu đặt ra, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp chính đáng của NLĐ...

Theo Báo LĐ