title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Bản Tuyên ngôn về ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của dân tộc Việt Nam
Thứ tư, 04/09/2019 - 11:18
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử - Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người ta thường coi đây là bản Tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử - Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người ta thường coi đây là bản Tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu TTXVN).

Năm 1077, khi quân xâm lược nhà Tống tiến đến bờ sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay), một cuộc huyết chiến đã diễn ra giữa quân và dân ta với kẻ thù xâm lược. Trong tình thế hiểm nguy đó, theo tương truyền, Lý Thường Kiệt, một danh tướng thời Lý đã làm 4 câu thơ để khích lệ quân dân ta.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
.

Bài thơ ngắn, dễ hiểu, dễ nhớ, đã nhanh chóng lan truyền trong quân đội và nhân dân, kích thích ý chí độc lập tự do của dân tộc. Nhờ đó, quân ta đã chuyển từ bại thành thắng. Quân xâm lược phải chấp nhận ngưng chiến. Bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” đóng một cái mốc quan trọng trong việc củng cố nền độc lập tự chủ của đất nước.

Gần 400 năm sau, vào mùa Xuân năm 1428, sau Đại thắng quân Minh, bài “Bình Ngô đại cáo” của danh thần Nguyễn Trãi được nhà vua Lê Lợi công bố rộng rãi trong toàn dân. Có thể coi đó là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc. Bài cáo đã khẳng định nước Đại Việt ta có khả năng độc lập tự chủ và có quyền phải được độc lập tự chủ.

Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Âu cũng nhờ trời đất tổ tông  linh thiêng đã lặng thầm phù trợ...

Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo, ra đời trong một hoàn cảnh khác. Sau gần 100 năm xâm chiếm, thực dân Pháp, và sau đó là phát xít Nhật, đã giày xéo lên đất nước ta. “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”, “chúng thực hành những luật pháp dã man. Chúng lập ra ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc, để ngăn cản sự thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản nhân dân ta đoàn kết”, “chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”.

Năm 1940, khi phát xít Nhật đến xâm chiếm Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó, dân ta càng thêm cực khổ. Nạn đói năm 1945 do Nhật gây ra đã làm cho hơn hai triệu đồng bào ta chết đói.

Trước tội ác tày trời của thực dân Pháp và phát xít Nhật, tháng 8 năm 1945, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, đã nhất tề đứng lên giành chính quyền, đánh Nhật, đuổi Pháp. Cuộc cách mạng chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn, hầu như không đổ máu, bởi vì đó là cuộc nổi dậy của toàn dân. Điều đó chứng tỏ sự đồng nhất giữa cao trào cách mạng với cao trào của khát vọng độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho mỗi con người. Với ý nghĩa đó, Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 viết: “Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

“Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.

Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!.

Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Đó là sự thật lịch sử không ai có thể phủ nhận. Sự thật đó đã được ghi nhận từ trong bài thơ “thần” “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, đặc biệt trong Bài “Đại cáo bình Ngô”:

Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có...

Nhưng cùng với sự thật đó, còn một sự thật lịch sử khác mà không ai được phép bỏ qua. Đó là tấm lòng bao dung độ lượng của dân tộc Việt Nam đối với những ai đang thất cơ lỡ vận, kể cả đối với kẻ thù. Hơn 500 năm trước, trong bài “Đại cáo bình Ngô”, Nguyễn Trãi thay mặt vua Lê Lợi viết:

Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiến thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc...
Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.

Sự thật đó lại được tái khẳng định ở thời đại Hồ Chí Minh, trong cao trào khởi nghĩa năm 1945. Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 viết: “Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ mạng, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”. “Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”. “Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”.

Hai sự thật nêu trên là những sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, khắc họa tính cách cơ bản trong tâm hồn người Việt.

Đó là khát vọng được sống trong tự do, độc lập, là đức khoan dung và độ lượng của dân tộc ta. Phải chăng cũng vì lẽ đó, trong Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, khi phải tập trung nêu bật tội ác man rợ của thực dân Pháp ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mở đầu bằng việc trịnh trọng nhắc lại những tư tưởng lớn về tự do, bình đẳng trong hai bản tuyên ngôn lịch sử: Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791. Theo Bác, những tư tưởng đó là “những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Chúng ta chiến đấu cho độc lập tự do cũng là chiến đấu cho tự do, bình đẳng - điều mà hai bản tuyên ngôn lịch sử của nhân loại đều khẳng định. Điều đó giải thích vì sao, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc: kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, đều tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và ngợi ca của lương tri nhân loại. Không ít các chính khách nổi tiếng hiện nay ở Mỹ, Pháp v.v.. đều là những người trước đây đã chống lại cuộc chiến tranh mà giới cầm quyền nước họ đang gây ra ở Việt Nam.

Lời khẳng định “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, đã trở thành lời thề thiêng liêng của cả dân tộc. Sau hơn 70 năm qua, lời thề đó vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn các thế hệ người dân Việt Nam, kể cả những người Việt Nam làm ăn sinh sống ở nước ngoài. Đó là hiệu lệnh tập hợp sức mạnh Việt Nam, sức mạnh của trí tuệ, tâm hồn Việt Nam. Đó là sức hút quan trọng tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tất nhiên để khát vọng độc lập tự do trở thành sức mạnh nội sinh thực sự, thì độc lập tự do phải gắn với hạnh phúc của con người. Bác Hồ đã từng nói: nếu nước được độc lập tự do mà người dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, không được học hành..., thì độc lập tự do cũng chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy, ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám, nghĩa là sau khi đất nước giành được độc lập tự do, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Bác đã chỉ ra mấy việc cấp bách cần làm ngay: phải tăng gia sản xuất, phải xây dựng đời sống mới, phải mở các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa v.v..

Bác Hồ đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải là người đầy tớ của dân, phải biết lo trước thiên hạ và hưởng sau thiên hạ, phải luôn học hỏi dân, lắng nghe ý dân “Có biết làm học trò dân mới có thể làm thầy dạy dân”...

Bất cứ cuộc cách mạng chân chính nào cũng vậy, khởi đầu là vai trò của giới tinh hoa, những người tiên phong mở đường, nhưng kết thúc bao giờ cũng thuộc về vai trò của quần chúng, vì quần chúng làm ra lịch sử.

Trong tình hình hiện nay, sau gần 75 năm thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta đang trên đà xây dựng và phát triển. Nhiều thời cơ mới lẫn thách thức mới đã xuất hiện. Biết tận dụng các thời cơ và vượt qua các nguy cơ, luôn là bài toán hiểm hóc đòi hỏi giới tinh hoa của đất nước, đặc biệt những người lãnh đạo ở tầm vĩ mô, phải lao tâm khổ tứ. Ngày xưa, trước nạn xâm lăng của kẻ thù, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn từng viết:

Ta thường tới bữa quên ăn
Nửa đêm vỗ gối
Ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa...

Bác Hồ của chúng ta cũng đã nhiều lần tâm sự: “Một ngày mà có người dân ăn không no, ngủ không yên, không đủ quần áo ấm, không được học hành, thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên”. “Gộp nỗi đau của nhiều người thì thành nỗi đau của Bác”. Nhờ có những người lãnh đạo tài cao, tâm sáng như vậy, quần chúng mới xác lập được niềm tin, để rồi phát huy mọi sức mạnh vô biên của mình để giành tự do độc lập cho Tổ quốc.

Tự do độc lập chỉ thật sự có ý nghĩa, và trở thành động lực của lịch sử, khi tự do độc lập được hòa quyện trong cuộc sống bình thường của quần chúng, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao về vật chất và tinh thần của quần chúng. Có lẽ vì vậy sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiêu đề đầu tiên của nước ta là:

Việt Nam dân chủ cộng hòa
Độc lập, tự do, hạnh phúc.

Độc lập, tự do phải gắn với hạnh phúc, vì có độc lập, tự do mới có hạnh phúc. Và để mỗi người dân đều có hạnh phúc thì đất nước phải được độc lập, tự do. Phải chăng, cũng theo lôgic đó, gần đây Đảng ta khẳng định mục tiêu xây dựng nước ta là: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ý nghĩa trường tồn của Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 cũng là ở đó./.

GS. TS. Trần Văn Bính

(Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 8/2019)
Theo: tuyengiao.vn