title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP gỡ vướng việc khởi kiện nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp
Thứ năm, 22/08/2019 - 00:15
Đối với tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Đối với tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.

Theo Nghị quyết, đối với tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Trong các vụ án hình sự mà bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo điều 214 của Bộ luật Hình sự; tội gian lận BHYT theo điều 215, tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo điều 216 thì cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách người bị hại.

Đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 thì không xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự mà tùy từng trường hợp xử lý như sau:

a) Trường hợp chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

b) Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này thực hiện theo pháp luật về thi hành, cưỡng chế thi hành quyết đinh xử phạt vi phạm hành chính.

Không coi việc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Trước đây trước đây cần phải có uỷ quyền của người lao động tại doanh nghiệp thì công đoàn cơ sở mới khởi kiện chủ sử dụng lao động với hành vi trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là cơ chế uỷ quyền khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, từ 1.1.2018, những hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là tội phạm hình sự.

Nghị quyết này sẽ góp phần gỡ vướng cho việc thực hiện các thủ tục ủy quyền khởi kiện chủ sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trước đây. 

Theo TLĐLĐVN