title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Tìm giải pháp tăng sản xuất, tiêu thụ gạch không nung tại Việt Nam
Thứ ba, 06/08/2019 - 15:27
Để tìm hiểu rõ hơn thực trạng về sản xuất và tiêu thụ gạch không nung (GKN) từ đó có thể đề xuất một số giải pháp thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng GKN ở Việt Nam, vừa qua, Nhóm chuyên gia tư vấn của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) do bà Maranda Bennett - Chuyên gia quốc tế về GKN làm Trưởng nhóm đã có chuyến thăm và làm việc tại một số doanh nghiệp sản xuất GKN trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh và Hà Nam. Đây là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường sản xuất và sử

Để tìm hiểu rõ hơn thực trạng về sản xuất và tiêu thụ gạch không nung (GKN) từ đó có thể đề xuất một số giải pháp thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng GKN ở Việt Nam, vừa qua, Nhóm chuyên gia tư vấn của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) do bà Maranda Bennett - Chuyên gia quốc tế về GKN làm Trưởng nhóm đã có chuyến thăm và làm việc tại một số doanh nghiệp sản xuất GKN trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh và Hà Nam. Đây là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” góp phần xây dựng chiến lược phát triển thị trường GKN.

Tại Công ty TNHH một thành viên bê tông Xuân Mai, ông Nguyễn Hoàng Nam - Trưởng phòng Thí nghiệm & KCS cho biết: Công ty đã lắp đặt dây chuyền sản xuất GKN đầu tiên vào năm 2015, tuy nhiên trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, Công ty đã chủ động đầu tư thêm dây chuyền thứ 2 vào năm 2017 và đến nay đã có 6 dây chuyền với sản lượng đạt 80% công suất thiết kế, trung bình mỗi dây chuyền sản xuất khoảng 300.000 m3 vật liệu xây không nung/năm.

Bên cạnh việc giới thiệu những thuận lợi trong quá trình vận hành, sản xuất và tiêu thụ GKN trong thời gian qua, ông Nam cũng cho biết một số khó khăn, thách thức hiện nay đặc biệt là Nhà nước cần tiếp tục có những cơ chế pháp lý mạnh mẽ hơn nữa để hạn chế khai thác tài nguyên đất sản xuất gạch đỏ truyền thống (tài nguyên đất màu không tái tạo), tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho GKN…

Tại Công ty Cổ phần bê tông khí Viglacera (Tổng công ty Viglacera), ông Đỗ Anh Đức - đại diện Công ty đã giới thiệu với Nhóm chuyên gia dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp AAC và tấm panel ALC có công suất 200.000 m³/năm được chuyển giao công nghệ từ CHLB Đức, tập trung vào hợp tác nghiên cứu sử dụng nguồn nguyên liệu đa dạng từ chất thải của ngành điện như tro bay, tro xỉ nhiệt điện vào sản xuất bê tông khí và các sản phẩm vật liệu xây không nung… Đây là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng báo động và nhiều nhà máy sản xuất năng lượng chưa tìm ra phương án tối ưu trong xử lý chất thải. Nhóm chuyên gia cũng được đại diện Công ty giới thiệu một số sản phẩm vật liệu xanh cho xây dựng hiện đại như gạch bê tông khí chưng áp AAC và tấm panel ALC... 

Tại Công ty Cổ phần gạch Khang Minh - doanh nghiệp sản xuất gạch bê tông cốt liệu hàng đầu Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Tiếm - Giám đốc sản xuất cho biết, khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải là sự cạnh tranh khốc liệt từ chính các sản phẩm GKN giữa các doanh nghiệp với chất lượng không đồng đều, cạnh tranh bằng việc hạ giá thành sản phẩm mà chưa kể đến giá thành của gạch đỏ. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất GKN có thương hiệu, uy tín trên thị trường không còn mặn mà trong việc tiếp tục đầu tư, sản xuất GKN.

Phần lớn các ý kiến của đại diện doanh nghiệp đều mong muốn Nhà nước cần phải tiếp tục có những hành động quyết liệt trong việc thực thi những cơ chế chính sách đã được ban hành, trong đó cần nâng cao mức thuế tài nguyên đất sét; giảm mức thuế VAT cho doanh nghiệp sản xuất GKN; giảm giá thành nguyên liệu sản xuất GKN (tro xỉ, tro bay từ các nhà máy nhiệt điện); phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương trong công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm vật liệu xây không nung; đồng thời mong nhận được sự hỗ trợ tích cục hơn nữa của UNDP để tạo động lực, niềm tin cho các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất GKN, hướng tới các công trình, dự án “xanh” trong thời gian tới.

Theo Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam