title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Sự ra đời của của giai cấp công nhân Việt Nam
Thứ ba, 25/06/2019 - 09:55
Giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam ra đời và phát triển gắn liền với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp những năm cuối thế kỷ XIX.

Giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam ra đời và phát triển gắn liền với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp những năm cuối thế kỷ XIX.

Trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược, xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội phong kiến với hai giai cấp cơ bản là giai cấp địa chủ phong kiến và giai cấp nông dân; duy trì nền kinh tế lạc hậu dựa vào sản xuất tiểu nông là chính, cơ sở kinh tế công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển. Sau khi cuộc xâm lăng và bình định đã cơ bản hoàn thành, thực dân Pháp liền bắt tay tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất với quy mô mở rộng ra cả nước. Các nhà máy rượu bia, vải sợi, điện nước, ngành đường sắt, hầm mỏ, đồn điền cao su, cà phê...lần lượt ra đời và cùng với đó đội ngũ những người công nhân Việt Nam đầu tiên được hình thành. Họ là những người nông dân bị tước đoạt hết ruộng đất, những người thợ thủ công bị phá sản buộc phải vào làm việc trong các doanh nghiệp tư bản Pháp. Theo số liệu thống kê trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tổng số công nhân của Việt Nam khoảng trên 10 vạn người, chủ yếu tập trung ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, Sài Gòn - Chợ Lớn, Hải Phòng và vùng mỏ Quảng Ninh...

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, để bù đắp những tổn thất, thực dân Pháp đã tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai với quy mô và tốc độ lớn hơn trước. Chúng tăng cường đầu tư vào các ngành khai khoáng, giao thông vận tải, đồn điền, công nghiệp chế biến, dệt may...nhằm tăng cường vơ vét và bóc lột ở các nước thuộc địa. Thời kỳ này, số lượng công nhân Việt Nam đã phát triển nhanh chóng lên đến trên 22 vạn người vào đầu năm 1929.

Dưới sự áp bức bóc lột hà khắc của thực dân, phong kiến, giai cấp công nhân Việt Nam đã đoàn kết, tổ chức tập hợp nhau lại đấu tranh đòi quyền lợi, dẫn đến hình thành các Hội Ái hữu, Hội Tương tế trong các nhà máy, xí nghiệp. Cuối năm 1920, người công nhân yêu nước Tôn Đức Thắng đã vận động thành lập Công hội Ba Son ở Sài Gòn, mở đầu cho phong trào đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc.

Trích: Đề cương tuyên truyền 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019)