title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Bài toán phát triển đô thị thông minh
Thứ tư, 12/06/2019 - 16:17
Phát triển đô thị thông minh (ÐTTM) luôn được xem là quá trình xuyên suốt và lâu dài của mỗi quốc gia. Tùy thuộc trình độ phát triển, năng lực khoa học kỹ thuật và tiềm lực kinh tế, các nước có thể xây dựng những mô hình ÐTTM khác nhau.

Phát triển đô thị thông minh (ÐTTM) luôn được xem là quá trình xuyên suốt và lâu dài của mỗi quốc gia. Tùy thuộc trình độ phát triển, năng lực khoa học kỹ thuật và tiềm lực kinh tế, các nước có thể xây dựng những mô hình ÐTTM khác nhau.

Ðến nay, trên thế giới vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về ÐTTM, nhưng cơ bản đều đề cập việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, kết nối các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, xử lý dữ liệu lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống trong đô thị, cải thiện khả năng phục vụ của chính quyền thành phố, mức độ hài lòng của dân cư, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nhìn lại quá trình phát triển đô thị thời gian qua, có thể thấy rõ một số vướng mắc như: tốc độ đô thị hóa toàn quốc tuy nhanh, nhưng mức độ còn nhỏ và phạm vi phân tán; phát triển không đồng đều, tập trung tại các đô thị lớn gây nên hiện tượng quá tải về hạ tầng. Công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn bộc lộ nhiều yếu kém, gây nhiều bức xúc trong dư luận,... Thực tế, việc xây dựng ÐTTM ở nước ta mới ở giai đoạn tiếp cận, chưa triển khai trên diện rộng một cách toàn diện, chưa thể lường trước được hết những rủi ro. Ðồng thời, xuất phát điểm để xây dựng những ÐTTM còn ở mức độ thấp, cơ cấu tổ chức xã hội còn nhiều chồng chéo khiến việc phát triển gặp thách thức ở hầu hết các khâu triển khai.

Cụ thể hơn, công tác quản lý cơ sở dữ liệu đô thị mới ở mức độ sơ khai và còn phân tán tại các bộ, ngành, địa phương, cũng như thiếu cơ chế thực hiện thống kê để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông đa ngành. Bên cạnh đó, xây dựng ÐTTM đòi hỏi một nguồn lực rất lớn, trong khi chưa có những chính sách thu hút nguồn lực xã hội. Mặt khác, các cơ chế, chính sách để quản lý được quá trình phát triển đô thị phù hợp xu thế phát triển đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là nguồn lực con người,...

Mặc dù vậy, khó khăn, thách thức không thể thay đổi được xu thế phát triển chung của thế giới cũng như khả năng tiếp cận của Việt Nam. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển ÐTTM bền vững giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Ðây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp phát triển ÐTTM.

Trước mắt, các bộ như: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Tài chính,... cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư, khuyến khích phát triển ÐTTM; xây dựng các tiêu chí đánh giá ÐTTM trên cơ sở các tiêu chuẩn quốc tế liên quan để theo dõi, giám sát. Ðồng thời, cần xây dựng những lĩnh vực trọng tâm cũng như những lĩnh vực có thể thông minh hóa và hướng dẫn thực hiện.

Trên cơ sở đó, các đô thị sẽ căn cứ vào tính đặc thù, tiềm lực cũng như sự cấp thiết để lựa chọn phương hướng đầu tư, phát triển phù hợp. Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở dữ liệu không gian đô thị như: dân số, đất đai, môi trường, hạ tầng kỹ thuật, công trình... và các cơ chế liên quan (cập nhật, duy trì, chia sẻ, bảo mật, ứng dụng...). Thúc đẩy nghiên cứu, hợp tác, phối hợp giữa các bên liên quan trong việc giải quyết các thách thức trong quá trình phát triển ÐTTM, mạnh dạn thí điểm mô hình ÐTTM làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý trước khi nhân rộng mô hình.

Theo Bộ Xây dựng