title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Văn hóa uống rượu, bia
Thứ hai, 10/06/2019 - 11:24
Thực tình mà nói, rượu, bia không có lỗi. Cái lỗi là do con người tự làm mình say sau những bữa tiệc, cuộc nhậu. Đúng như cổ nhân có câu: “Tửu bất túy nhân, nhân tự túy. Sắc bất mê nhân, nhân tự mê” - Rượu không tự nhiên làm say người, chỉ có người tự làm mình say. Sắc đẹp không tự nhiên làm người mê muội, chỉ có người tự mình mê đắm trong sắc đẹp.
(Ảnh minh họa)

Không biết tự bao giờ, rượu là một thứ đồ uống gắn liền với văn hóa ẩm thực của con người. Thuở trước, rượu là người bạn tri âm của các bậc văn nhân tao nhã.

Dưới bầu trời trăng thanh gió mát nơi thôn dã yên ả, thanh bình, có chút men nhâm nhi làm tăng thêm độ hưng phấn, kích thích sự đam mê cho các bậc nho sĩ sáng tác và bình luận thơ văn. Nhiều bài thơ tuyệt tác, nhiều áng văn hay được thăng hoa từ các cuộc tao đàn với “bình rượu túi thơ” như thế.

Uống rượu để cho khuây khỏa tâm hồn, để kết thân tình bằng hữu và các mối tâm giao tri kỷ, để đàm đạo về nhân tình thế thái, uống mà không say-đó là nét đẹp tao nhã của các bậc văn nhân, anh tài thời xưa.

Nhưng thời nay, uống rượu, bia đã bị “biến dạng” nhiều kiểu, nhiều cách, thậm chí thông qua nhiều “chiêu trò” để biến cuộc vui chẳng mấy chốc trở thành tàn. Có rất nhiều bài học cay đắng, xót xa mà chung quy cũng chỉ vì uống rượu, bia quá đà. Hạnh phúc gia đình tan vỡ, con đánh cha, tai nạn giao thông, mối quan hệ hàng xóm làng giềng bị sứt mẻ... nhiều khi do rượu, bia là nguyên nhân gây ra.

Trên thực tế, hầu hết các cuộc hội ngộ bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương, đồng khóa, đồng môn, anh em... muốn thông qua bữa tiệc có rượu, bia để biểu lộ tình cảm thân thiết với nhau.

Do tâm lý người Việt duy tình, dù có người nhiều khi không muốn uống rượu, bia và đã thiết tha đề nghị “tửu bất khả ép”, nhưng khi ai đó “rót mật” vào tai theo kiểu: “Anh uống được đấy”, “cậu uống điệu nghệ ghê”, “chà, đáng khen tửu lượng của chú em lắm”... thì lại tiếp tục vang lên những tiếng “zô”, chạm cốc! Sau khi có nhiều rượu, bia vào người, những hồng cầu “sung sướng nhảy nhót”, trái tim nóng hổi “bừng bừng khí thế”, các loại dây thần kinh như được kích thích...!

Chẳng biết tưng bừng được bao lâu, nhưng sau mỗi cuộc vui “đậm đà” như thế, cả tấm thân cường tráng ban đầu chuyển thành một cơ thể uể oải, mệt nhoài.

Sức khỏe của con người được nuôi dưỡng, chăm bẵm từ trong bụng mẹ và được nâng niu, giữ gìn cẩn trọng suốt thời thơ ấu và thiếu niên, nhưng khi trưởng thành, nhiều người “tự cho mình” cái quyền phung phí sức lực bằng những cuộc rượu, bia triền miên.

Do vậy, không phải ngẫu nhiên ngoài hai chữ “ma túy” kinh dị, người ta đã gắn rượu, bia với từ “ma men” để ám chỉ tác hại không kém phần ghê gớm của rượu, bia. “Rượu nhạt uống lắm cũng say” - lời căn dặn của người xưa cũng là điều cảnh báo đối với ai đó vẫn còn niềm hứng thú và đam mê trong vòng quay nghiệt ngã của rượu. Uống rượu, bia nhiều cũng đồng nghĩa với sự giảm sút sức khỏe, trí nhớ và tổn thọ.

Thực tình mà nói, rượu, bia không có lỗi. Cái lỗi là do con người tự làm mình say sau những bữa tiệc, cuộc nhậu. Đúng như cổ nhân có câu: “Tửu bất túy nhân, nhân tự túy. Sắc bất mê nhân, nhân tự mê” - Rượu không tự nhiên làm say người, chỉ có người tự làm mình say. Sắc đẹp không tự nhiên làm người mê muội, chỉ có người tự mình mê đắm trong sắc đẹp. Vậy nên, để uống rượu, bia là một nét đẹp tao nhã trong văn hóa ăn uống, mỗi người không chỉ biết tự kiềm chế bản thân, mà cần chủ động giúp người bên bàn ăn, bữa tiệc biết uống rượu, bia thật chừng mực, hợp lý và lịch sự.

Uống rượu, bia nhiều thì vui ít và uống rượu, bia ít thì vui nhiều. Đó không phải là lời khuyên sáo rỗng mà là sự thật. Mong sao, đừng ai quá đà vì rượu, bia. Hãy lấy chén rượu, cốc bia làm nhịp cầu nối kết, gắn bó tình cảm con người một cách giản dị, chan hòa, thân thiện và góp phần làm cho cuộc hội ngộ nơi bàn tiệc càng vui vẻ, đầm ấm và ý nghĩa hơn.

Trong khi ăn uống, cùng nhỏ nhẹ nhắc nhau câu “vui thôi, đừng vui quá”. Đó chính là uống rượu, bia có văn hóa và văn hóa uống rượu, bia./.

Bảo Như (qdnd.vn)