title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Đại thắng mùa Xuân 1975 - Tầm cao truyền thống yêu nước và trí tuệ vô song của dân tộc Việt Nam.
Thứ năm, 02/05/2019 - 16:39
Với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lời tiên đoán sáng suốt, điều mong ước thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn... Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà"(1).

Với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lời tiên đoán sáng suốt, điều mong ước thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn... Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà"(1).

Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại "của lòng yêu nước và trí tuệ con người đối với máy móc". Ảnh TL.

Dù cho các thế lực thù địch có trăm phương ngàn kế xuyên tạc, bóp méo lịch sử, thì đó cũng chỉ là những mưu đồ đen tối hòng phá hoại thành quả cách mạng Việt Nam, chống lại sự phát triển của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam mà thôi. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng sự thật lịch sử vẫn là sự thật. Ngay cả nhân dân Mỹ và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới vẫn coi thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 "là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của lòng yêu nước và trí tuệ con người đối với máy móc"(2).

Thắng lợi đó không chỉ ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà còn làm chấn động dư luận khắp đó đây trên thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

Trải qua 21 năm chiến đấu và hy sinh gian khổ, nhân dân Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn, dài ngày nhất, ác liệt và dã man, thâm hiểm nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Những thủ đoạn, những mưu đồ đen tối cùng với vũ khí tối tân, hiện đại hòng biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, hòng biến miền Bắc nước ta trở lại thời kỳ đồ đá… đã bị đập tan.

Đó là một thắng lợi vĩ đại kết thúc quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp, nhưng đều được bắt nguồn bởi tinh thần yêu nước, lòng quả cảm và trí tuệ vô song của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi đó, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành lại độc lập, thống nhất đất nước, mở ra bước ngoặt lịch sử cho dân tộc Việt Nam, cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, chứng minh với thế giới sự phá sản không thể tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân mới, đem lại lòng tin cho hàng trăm triệu người trên trái đất đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Đối với nước Mỹ, đây là thất bại nặng nề và lớn nhất trong toàn bộ lịch sử 200 năm của họ. Đế quốc Mỹ không chỉ bị suy yếu nghiêm trọng về quân sự, chính trị, kinh tế mà còn phải tiếp tục gánh chịu nhiều hậu quả dai dẳng sau chiến tranh Việt Nam(3). Niềm tin về "tính bất khả chiến bại” và cái gọi là "đại thế kỷ Mỹ" được lưu truyền từ những năm 1940 ở Mỹ và các nước phương Tây bị lung lay và lu mờ nghiêm trọng; thần tượng Mỹ, tâm lý phục Mỹ và sợ Mỹ bị phá sản đến tận gốc, “khiến nước Mỹ cần phải từ bỏ ý nghĩ cho rằng, Mỹ có thể là anh cả hoặc ông bố lớn của toàn thế giới còn lại”. Vết thương mà người Mỹ thường gọi là "hội chứng Việt Nam" sau chiến tranh không chỉ nhức nhối, dằn vặt giai cấp thống trị mà cả nhân dân của chính nước họ. Tướng Mỹ Oétmolen từng giữ chức Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam từ năm 1964 - 1968, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ từ năm 1968 - 1972, sau thất bại của Mỹ ở miền Nam Việt Nam năm 1975, đã thú nhận: “lịch sử rất có thể đánh giá rằng, nhảy vào Việt Nam là một trong những sai lầm lớn nhất của đất nước chúng ta” (4).

Từ thất bại ở Việt Nam, đế quốc Mỹ buộc phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu, chuyển mạnh sang chiến lược "diễn biến hòa bình" gây nhiều sức ép đối với phong trào giải phóng dân tộc, phá hoại Liên Xô, Đông Âu, nhằm xóa bỏ tận gốc hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế, thổi phồng sự tồn tại “vĩnh hằng” của chế độ tư bản chủ nghĩa.

Để giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bằng tinh thần yêu nước quả cảm "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Khát vọng đó trở thành ý chí không gì lay chuyển của mỗi người Việt Nam yêu nước trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ ngay từ khi bắt đầu cho đến đỉnh cao Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. “Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”, nhân dân Việt Nam phải sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh cần thiết(5) để giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Từ Aixenhao, Kennơđi đến Giônxơn, Níchxơn và Pho đều không thấy được sức mạnh vĩ đại đó của dân tộc Việt Nam. Cho dù không bao giờ công khai thừa nhận là kẻ xâm lược Việt Nam, nhưng những thủ đoạn tàn bạo của chiến tranh mà các nhà cầm quyền Mỹ cam tâm thực hiện ở Việt Nam, nhất là vào thời kỳ Giônxơn và Níchxơn với những biện pháp và những nấc thang chiến tranh cao nhất thì luôn thể hiện rõ mục đích xâm lược của Mỹ. Chỉ đến khi không còn cách nào cứu vãn được chính quyền Việt Nam cộng hòa, Mỹ mới buộc phải chọn con đường rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đối với nhân dân Việt Nam phải chịu bao nhiêu tang thương, chia cắt trong cuộc chiến tranh đó không khó gì để nhận ra âm mưu xâm lược trắng trợn của đế quốc Mỹ và vì sao Mỹ đưa bom đạn, tiền của, quân lính đến Việt Nam?

Vì không chịu nhận ra đó là cuộc chiến tranh xâm lược nên trong toàn bộ cuộc chiến, các nhà cầm quyền Mỹ đều không thấy rõ những sai lầm của họ. Đặc biệt, không thể thấy được sức mạnh Việt Nam mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần yêu nước của triệu người như một lại "sôi nổi kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm lũ cướp nước và bán nước". Đó là "vốn quý giá" nhất của một dân tộc luôn bất khuất, kiên cường, thông minh, sáng tạo, biết “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn”, “lấy trí nhân để thay cường bạo”, khiến cho không thể một kẻ thù nào có thể khuất phục. Đó chính là tinh thần, nền tảng của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, có chính nghĩa, có toàn dân tham gia, được đẩy lên tầm cao dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Mác - Lênin kiên cường, của tư tưởng Hồ Chí Minh sáng tạo, giàu kinh nghiệmđầy trí tuệ, vì lợi ích tối thượng của nhân dân. Một dân tộc đã trải qua nhiều gian nan, thử thách chống quân thù, nhất là đã được trải qua chế độ làm chủ đất nước, trải qua cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược làm “chấn động địa cầu” (1945 -1954), làm sụp đổ hoàn toàn âm mưu chiến lược của chủ nghĩa thực dân cũ; một dân tộc có quân đội nhân dân gan dạ, mưu trí; có hậu phương miền Bắc hùng hậu; có sự phối hợp chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Cămpuchia; có bạn bè quốc tế luôn sẵn sàng “vì Việt Nam, có thể hiến dâng cả máu của mình”… là những yếu tố căn bản tạo nên sức mạnh vô song mà đế quốc Mỹ không thể nào có được, hoặc không thể nào hiểu được.

Truyền thống yêu nước, đoàn kết “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức" của cha ông trong lịch sử dân tộc Việt Nam được nhân lên gấp bội với chất lượng và tầm cao mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công thần tốc, táo bạo giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975. Đây chính là bài học lớn, sâu sắc cho những kẻ nào còn muốn nuôi ảo tưởng "đụng đến" Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, chứng tỏ Đảng ta đã giữ vững và phát huy cao độ truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam trong lịch sử, đồng thời xây đắp thêm "một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định, đó là “pho lịch sử bằng vàng”. Mỗi cán bộ, đảng viên trong cuộc kháng chiến nhờ lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, được vũ trang lý luận và đường lối đúng, gắn chặt với quần chúng nhân dân đã trở thành những tấm gương sáng, tiêu biểu làm tròn trách nhiệm chiến sĩ tiên phong quyết chiến, quyết thắng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Phát huy thành quả và truyền thống yêu nước của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ sau thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta vẫn luôn giữ vững và xứng đáng với tầm vóc của cuộc kháng chiến ấy, xứng đáng với vai trò của một đảng Mác xít cầm quyền. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua, trải qua rất nhiều biến cố trên chính trường quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, vững vàng vượt qua thử thách, gian nguy, xứng đáng với vị trí là "người lãnh đạo thực tế của toàn xã hội(6).

Những thành quả đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay có ý nghĩa lịch sử to lớn, khẳng định ngọn cờ độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta đã và đang thực hiện là phù hợp với lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Trong quá trình đó, Đảng không những có đường lối đúng, có tổ chức thực tiễn giỏi, mà còn biết tự rèn luyện, tự sửa và tự sàng lọc mình để làm tốt vai trò lãnh đạo và hạt nhân của hệ thống chính trị trong từng bối cảnh lịch sử mới./.  

Phương Vinh

___________________

 

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002. t.12, tr. 509, 511.

(2). Giáo sư Nây Sihan - Đại học Goócnen. Mỹ.

(3)Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nước Mỹ đã bị tổn thất nặng nề: 57.692 lính Mỹ chết, 300.000 lính Mỹ bị thương, 100.000 người tàn tật hoàn toàn, 274,4 tỷ đôla chi phí trực tiếp cho cuộc chiến tranh, 40% cựu chiến binh Mỹ sau hàng chục năm vẫn bị cảnh thất nghiệp. Rất nhiều cựu chiến binh Mỹ đã tự sát, nhiều cựu chiến binh khác mắc bệnh tâm thần. Có nhũng cựu chiến binh Mỹ chiến đấu tại Việt Nam đưa cả gia đình vào trong rừng sống và nhất định không chịu tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Bản tin (TTXVN số 89 ngày 30-3-1989) và Đài tiếng nói Hoa Kỳ tối ngày 29-3-1989 cho biết thêm có 480.000 cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã mắc chứng bệnh này và không được điều trị hoặc không chịu cho điều trị. Nếu kề cả số tiền chi phí cho những người bị thương, cho các sĩ quan về hưu và trả món nợ tính lãi trong thời gian chiến tranh, tồng số chi phí cho cuộc chiến tranh này lên tới 1.647 tỷ đôla hoặc 19.965 đôla cho mỗi người đóng thuế ở Mỹ. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, quân dân ta đã bắn rơi 4.181 máy bay Mỹ ờ miền Bắc. Đây là một thất bại nặng của cái mà Mỹ thường rùm beng về "sức mạnh của không lực Hoa Kỳ". Nguồn: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2 (1954-1975), Nxb. Sự Thật, H.1995., tr. 733

(4)Oétmolen: Một người lính tường trình, Nxb. New York 1976, tr. 158.

(5). Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), theo thống kê sơ bộ của Bộ LĐ,TB&XH tháng 10-1993, con số hy sinh và thiệt hại của nhân dân ta như sau: 1,1 triệu liệt sĩ; thương bệnh binh; người mất tích; Gần 2.000.000 dân bị địch giết hại; 2.000.000 người dân tàn tật; 2.000.000 người bị nhiễm hóa chất độc (khoảng 50.000 trẻ em dị dạng). Nguồn: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr. 736.

(6)Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, H, 1970, tr. 156. 

Theo: tuyengiao.vn