title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Tối ưu hóa sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh của xi măng
Thứ hai, 25/02/2019 - 16:49
Quy mô sản xuất tốt nhất của nhà máy xi măng (XM) là 5-6 triệu tấn. Với quy mô đó thì vừa đảm bảo tối ưu hóa quản trị vừa tiết kiệm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh…

Quy mô sản xuất tốt nhất của nhà máy xi măng (XM) là 5-6 triệu tấn. Với quy mô đó thì vừa đảm bảo tối ưu hóa quản trị vừa tiết kiệm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh…


Ảnh minh họa.

Tối ưu hóa sản xuất

Chi phí đầu tư xây dựng một nhà máy XM rất cao, tùy quy mô và công nghệ, nhưng con số thấp nhất không dưới vài nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của ngành XM thì việc đầu tư xây dựng nhà máy mới không dễ và để nâng cao tính cạnh tranh, đảm bảo lợi nhuận buộc các doanh nghiệp XM phải tối ưu hóa sản xuất.

Hiện, cả nước có 82 dây chuyền sản xuất XM với công suất thiết kế trên 90 triệu tấn. Năm 2019, dự kiến có 2 dây chuyền sản xuất XM đi vào vận hành, nâng tổng số dây chuyền sản xuất XM cả nước lên con số 84 với tổng công suất đạt 101,74 triệu tấn.

Mục tiêu đặt ra trong năm 2019 ngành XM sẽ sản xuất, tiêu thụ khoảng 98 - 99 triệu tấn, tăng 6 - 8% so với năm 2018, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 69 - 70 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 29 - 30 triệu tấn.

Những khó khăn như sự cạnh tranh gay gắt trong tiêu thụ, giá nguyên nhiên liệu đầu vào không ngừng tăng, đặc biệt, nhiều thời điểm than không đủ cho sản xuất XM… là những khó khăn hiện hữu mà ngành XM vẫn đang phải đối mặt.

Khó khăn là vậy nhưng nguồn cung XM tăng lên (khi 2 nhà máy XM đi vào vận hành) thì buộc doanh nghiệp phải tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất để đảm bảo lợi nhuận; tăng cường chạy vượt công suất thiết kế; chạy lò dài ngày; giải quyết các nút thắt công nghệ.

Quy mô lý tưởng là 5-6 triệu tấn

Bên cạnh những dây chuyền hiện đại thì ngành XM vẫn còn tồn tại 42 dây chuyền có công suất thiết kế từ 910.000 tấn/năm trở xuống (trong đó 29 dây chuyền công suất từ 250.000-600.000 tấn/năm, với tổng công suất 11,49 triệu tấn, chiếm 11,76% tổng công suất thiết kế và 13 dây chuyền công suất 910.000 tấn/năm, với tổng công suất 11,83 triệu tấn, chiếm 12,12% tổng công suất thiết kế).

Như vậy, những nhà máy này chiếm 42/84 dây chuyền, tương đương ½ số dây chuyền nhưng chỉ chiếm 23,88% tổng công suất thiết kế. Đây là những dây chuyền công suất thấp nên áp lực cạnh tranh sẽ vô cùng khó khăn và cũng khó khăn để tối ưu hóa sản xuất.

Theo Tổng giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh, quy mô lý tưởng nhất của nhà máy XM là khoảng 5-6 triệu tấn. Bởi quy mô đó sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, tăng cường quản lý và ứng dụng tối đa công nghệ.

Cũng theo Tổng Giám đốc VICEM, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất xi măng hiện nay vẫn là nút thắt cần giải quyết để nâng hiệu suất sử dụng của dây chuyền. Định hướng của chúng tôi là hình thành các nhà máy có đủ quy mô về năng lực sản xuất để tạo nên sức cạnh tranh.

Đánh giá về tình hình sản xuất tiêu thụ XM năm 2019, theo Bộ Xây dựng, năm 2019 tình hình kinh tế cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi được Chính phủ quan tâm, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhu cầu xây dựng của người dân còn nhiều.

Những yêu cầu bắt buộc ngành XM phải thay đổi như tối ưu hóa sản xuất; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm; quan tâm nhiều hơn đến môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên là những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp XM trong năm 2019.

Theo Báo Xây dựng