title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Thứ trưởng Lê Quang Hùng tiếp Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Takaaki Katsumata
Thứ sáu, 11/01/2019 - 17:01
Ngày 10/01, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã tiếp đón và làm việc với Đoàn cán bộ của Bộ Môi trường Nhật Bản do Thứ trưởng Takaaki Katsumata làm Trưởng đoàn về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực xử lý chất thải và chuyển hóa rác thải thành năng lượng.
Ngày 10/01, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã tiếp đón và làm việc với Đoàn cán bộ của Bộ Môi trường Nhật Bản do Thứ trưởng Takaaki Katsumata làm Trưởng đoàn về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực xử lý chất thải và chuyển hóa rác thải thành năng lượng.

Toàn cảnh cuộc tiếp đón Đoàn cán bộ của Bộ Môi trường Nhật Bản tại Bộ Xây dựng.

Thứ trưởng Takaaki Katsumata cho biết, Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thu gom, xử lý và chuyển hóa rác thải thành năng lượng, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường của đất nước “Mặt trời mọc”.

Thứ trưởng Takaaki Katsumata khẳng định: “Bộ Môi trường Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ với Bộ Xây dựng về kiến thức và công nghệ trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là vấn đề xử lý và chuyển hóa rác thải thành năng lượn”.

Để thúc đẩy việc hợp tác giữa 2 bên, Thứ trưởng Takaaki Katsumata đã đề xuất Bộ Xây dựng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Môi trường Nhật Bản.

Tại Việt Nam, Bộ Xây dựng là cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý về lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đô thị. Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, tổng lượng chất thải rắn đô thị của Việt Nam hiện nay đạt mức 38.000 tấn/ngày, còn chất thải rắn nông thôn đạt khoảng 32.000 tấn/ngày.

Trong đó, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đạt khoảng 80-85% và tỷ lệ thu gom chất thải rắn nông thôn đạt khoảng 50%. Công nghệ xử lý rác thải rắn chủ yếu tại Việt Nam là chôn lấp, việc xử lý chất thải rắn theo phương pháp đốt để phát điện lại chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Đây có thể xem là một thực trạng buồn khi từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc thu gom, xử lý chất thải rắn theo phương pháp đốt để phát điện.

Với những cơ chế chính sách đã ban hành, Chính phủ rất mong muốn tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý để phát điện sẽ đạt 30% vào năm 2020, đạt tỷ lệ 70% vào năm 2030 và gần như toàn bộ chất thải rắn tại Việt Nam sẽ được đốt để phát điện vào năm 2050.

Sau khi triển khai một số dự án thí điểm, Bộ Xây dựng đã nhận thấy những khó khăn trong việc xử lý chất thải rắn theo phương pháp đốt để phát điện tại Việt Nam, nổi bật là vấn đề giá dịch vụ xử lý chất thải rắn tại Việt Nam còn thấp, khó thu hút các nhà đầu tư. Hơn nữa, phần lớn rác thải rắn tại nước ta cũng chưa được phân loại ngay tại nguồn.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh: “Chủ trương của Chính phủ Việt Nam vẫn là thực hiện lộ trình tiến tới xử lý toàn bộ chất thải rắn để phát điện trên toàn quốc. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng Việt Nam rất hoan nghênh đề xuất của Bộ Môi trường Nhật Bản về việc ký kết bản Ghi nhớ hợp tác, chia sẻ kiến thức và công nghệ của Nhật Bản trong lĩnh vực xử lý và chuyển hóa rác thải thành năng lượng”.

Dự kiến, các đơn vị đầu mối của Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Môi trưởng Nhật Bản sẽ nhanh chóng tiến hành thảo luận để xây dựng Dự thảo Biên bản ghi nhớ hợp tác và các chương trình hành động cụ thể để trình lãnh đạo hai Bộ xem xét và phê duyệt.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quang Hùng và Thứ trưởng Takaaki Katsumata đã trao cho nhau những món quà kỷ niệm mang đậm hương vị của 2 đất nước Việt Nam và Nhật Bản

Theo báo Xây dựng