title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Nâng chất “tiện nghi xã hội” nhà ở công nhân KCN
Thứ tư, 28/11/2018 - 16:57
Thời gian qua, nhà ở cho công nhân ở các KCN luôn được xem là một trong những yếu tố chính trong trọng tâm phát triển chính sách quốc gia. Theo số liệu mới nhất, trong thời gian qua đã có khoảng 1,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân đã được xây dựng tại các KCN. Số lượng trên tuy đã thể hiện nhiều cố gắng nhưng còn rất thấp so với mục tiêu và yêu cầu thực tế đặt ra.

Thời gian qua, nhà ở cho công nhân ở các KCN luôn được xem là một trong những yếu tố chính trong trọng tâm phát triển chính sách quốc gia. Theo số liệu mới nhất, trong thời gian qua đã có khoảng 1,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân đã được xây dựng tại các KCN. Số lượng trên tuy đã thể hiện nhiều cố gắng nhưng còn rất thấp so với mục tiêu và yêu cầu thực tế đặt ra.


Gia tăng diện tích công viên cây xanh trong tổng thể quy hoạch các khu nhà ở công nhân tại Nhà máy Samsung Bắc Ninh.

Thiếu cả số lượng và chất lượng tiện nghi

Không chỉ về số lượng, chất lượng nhà ở công nhân cũng là một vấn đề được đặt ra lúc này. Các KCN hiện đã phát triển nở rộ mạnh mẽ trên hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, trong đó nhiều KCN được đầu tư xây dựng với quy mô rất lớn như Nhà máy Samsung Bắc Ninh (KCN Yên Phong, Bắc Ninh) diện tích 100ha với gần 35 nghìn công nhân; Nhà máy Samsung Thái Nguyên (KCN Yên Bình, Thái Nguyên) diện tích 200ha với hơn 62 nghìn công nhân. Tuy nhiên, tại nhiều KCN, việc phát triển hạ tầng xã hội còn chưa đồng bộ và mới chỉ đáp ứng các yêu cầu tiện nghi sinh hoạt cơ bản, còn chưa thực sự đạt chuẩn tiện nghi về tinh thần (tương tự như khái niệm tiện nghi xã hội tại một số quốc gia phát triển đã đề cập) để phù hợp với tâm sinh lý số đông người sử dụng là công nhân trẻ.

Xét về góc độ xã hội học, tại Việt Nam đã xuất hiện xu hướng phát triển mạnh các KCN quy mô lớn, sử dụng một số lượng lớn công nhân làm việc trên các dây chuyền công nghiệp chuyên môn hóa cao, ưu tiên tuyển dụng chủ yếu là thanh niên trong độ tuổi tốt nghiệp phổ thông trung học, độc thân và chưa có gia đình, một số KCN có ưu tiên chỉ tuyển công nhân với một loại hình giới tính nam hoặc nữ (như ở Nhà máy Samsung Bắc Ninh có 75% công nhân là nữ giới, 34% trong số đó lại là người dân tộc thiểu số, mức tuổi trung bình của công nhân là 25 tuổi, luôn có khoảng 7 nghìn công nhân tại mọi thời điểm trong năm cần chăm sóc y tế trong giai đoạn thai sản)... nếu không được quan tâm giải quyết đúng mức các vấn đề xã hội học sẽ tiềm ẩn các nguy cơ phát sinh nhiều hệ lụy cho xã hội trong tương lai.

Kinh nghiệm ở một số quốc gia phát triển công nghiệp nóng trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy, việc thiếu quan tâm đến các vấn đề tiện nghi xã hội trong thiết kế quy hoạch nhà ở công nhân đã làm gia tăng tình trạng tự tử, các tệ nạn xã hội... của công nhân tại các KCN.

Nâng chất “tiện nghi xã hội” nhà ở công nhân

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về một số giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở, trọng tâm là nhà ở cho công nhân KCN và nhà ở đô thị và phê duyệt Đề án xây dựng thiết chế của công đoàn trong đó có nhà ở của công nhân KCN do TLĐLĐVN soạn thảo có thể xem là một yếu tố tích cực để thúc đẩy việc phát triển đồng bộ nhà ở công nhân KCN, trong đó bên cạnh đẩy mạnh phát triển số lượng cũng chú trọng tập trung nâng cao chất lượng tiện nghi xã hội cho nhà ở công nhân.

Người công nhân KCN phải được nhấn mạnh là nhân tố trung tâm trong công tác quy hoạch thiết kế công trình nhà ở công nhân KCN, trong đó phải đảm bảo 2 tiện nghi cơ bản bao gồm: Tiện nghi thể chất (bao gồm các chức năng ăn, ngủ, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe,...), tiện nghi về tinh thần có thể tạm gọi là “tiện nghi xã hội” (nghỉ ngơi, giao tiếp cộng đồng, vui chơi - giải trí...).

Bên cạnh sớm đẩy mạnh phát triển đủ về số lượng nhà ở công nhân KCN, vấn đề đặt ra hiện nay cần được quan tâm mạnh mẽ về việc nâng cao chất lượng khu nhà ở công nhân mà trong đó quan trọng nhất là đảm bảo “tiện nghi xã hội học” với các yếu tố xã hội - tâm sinh lý của người sử dụng. Cần hiểu rõ để đảm bảo tiện nghi xã hội không chỉ là có đủ các các công trình vật chất đảm bảo chỗ ở - chỗ sinh hoạt mà còn phải bao gồm đồng bộ với các chương trình hoạt động sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa tinh thần để công nhân có thể dành thời gian tham gia sử dụng đối đa hiệu suất của các hạng mục công trình trên.

Về quy hoạch tổng thể, cần loại bỏ cách tổ chức quy hoạch khu nhà ở công nhân biệt lập cho từng nhà máy riêng trong KCN, cũng như chỉ cho cùng một loại lứa tuổi - một loại giới tính (Monotone) như hiện nay, để tổ chức quy hoạch thành cụm nhà ở cho toàn bộ KCN, trong đó có nhiều thành phần - lứa tuổi, cùng sinh sống như mô hình tiểu khu KCN đang thịnh hành tại các quốc gia phát triển đã triển khai thời gian qua. Bên cạnh quy hoạch hợp các khu nhà ở còn bao gồm đầy đủ các không gian dịch vụ - ăn uống, vui chơi giải trí (CLB - sân thể thao), câu lạc bộ, không gian nghỉ ngơi thư giãn. Chú trọng gia tăng diện tích công viên cây xanh, khu vui chơi ngoài trời phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi trong các KCN, các CLB văn hóa - văn nghệ - rèn luyện thể thao.

Về kiến trúc nhà ở, cần nghiên cứu áp dụng các thiết kế nhà ở mới, hạn chế các thiết kế nhà ở kiểu “trại tập trung”, chỉ dành cho một loại hình nhóm công nhân đồng nhất, mà hướng đến thiết kế tòa nhà với nhiều loại hình nhà ở cho người độc thân, hộ gia đình. Việc này tuy còn gây tranh cãi do sự phức tạp trong quản lý nhưng các vấn đề xã hội - tâm sinh lý người sử dụng - giao tiếp xã hội sẽ được đảm bảo. Kiến trúc cần tổ chức theo giải pháp mở, đảm bảo tiếp cận về thiên nhiên, cảnh quan.

Bên cạnh tạo dựng cơ sở vật chất, để người công nhân KCN có thể hưởng thụ đúng và thực chất các tiện ích trên, tránh chỉ là các mô hình xây để trình diễn, vấn đề quan trọng nhất chính là sớm có các chính sách quy chế quản lý - giám sát việc khống chế giới hạn giờ lao động tối đa của công nhân KCN, tránh việc người công nhân bị lao động quá mức, thiếu thời gian nghỉ ngơi thư giãn và phục hồi sức khỏe, đảm bảo khả năng lao động lâu dài và ổn định.

Theo Báo Xây dựng