title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Giá trị và hiện tượng "ngụy giá trị" trong đời sống của người Việt hiện nay
Thứ ba, 16/10/2018 - 07:58
(TG) - Cùng với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông, hệ giá trị văn hóa dân tộc cũng trở thành nền tảng, sức mạnh tinh thần giúp dân tộc vượt qua những sóng gió, trở ngại, đánh thắng giặc ngoại xâm, xây nền độc lập, hòa bình. Ngày nay, những giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn không ngừng được bồi đắp, phát huy. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị chân thật thì hiện tượng “ngụy giá trị” cũng bắt đầu xuất hiện, ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng, hình thành nhân cách con người Việt Nam

NHỮNG GIÁ TRỊ TỐT ĐẸP

Là hệ thống quy tắc, chuẩn mực ứng xử thể hiện lý tưởng, khát vọng và niềm tin của cộng đồng về cái đẹp, cái thiện, lẽ phải, sự công bằng, hệ giá trị văn hóa của dân tộc đóng vai trò là nền tảng, bệ đỡ tinh thần, là động lực của sự phát triển, là yếu tố quan trọng trong xây dựng, hình thành nhân cách con người. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, hệ giá trị dân tộc đã được sản sinh và không ngừng được bồi đắp, bổ sung những giá trị mới phù hợp với tâm lý, khát vọng, mong ước của cộng đồng. Trong văn hóa, giá trị là sự kết tinh những phẩm chất, đặc trưng tiêu biểu làm nên bản sắc riêng, độc đáo của mỗi nền văn hóa với những biểu hiện đa dạng, phong phú trong phong tục tập quán, lối sống, phương thức sinh hoạt, hệ thống di sản văn hóa… Nhưng thông thường, giá trị tinh thần của dân tộc được biểu hiện rõ trong ý thức hệ, trong đời sống tư tưởng, tình cảm của cộng đồng; đóng vai trò là sợi chỉ đỏ kết nối khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Giá trị của mỗi dân tộc được hình thành trong lịch sử gắn với thể chế chính trị và đặc điểm cư trú, sinh hoạt của mỗi tộc người. Tuy nhiên, giá trị không mang tính bất biến mà luôn được bổ sung, làm mới với hình thức, biểu hiện đa dạng. Có những giá trị chỉ phù hợp với một giai đoạn, thời kỳ để rồi trước bối cảnh mới nó lại bị đào thải, nhường chỗ cho những giá trị tiên tiến, khoa học và phù hợp với tâm lý, khát vọng vươn tới của cộng đồng. Tuy nhiên, sự vận động, thay đổi hệ giá trị là một quá trình lâu dài với những bước tiệm tiến, đôi khi phải cần đến một cuộc cách mạng trong tư tưởng, một quá trình tự “lột xác” trong nhận thức mỗi người. Giá trị thường ăn sâu trong nếp nghĩ, ngấm vào huyết quản của nhiều thế hệ trong phạm vi không gian sống rộng lớn, nên việc thay thế, loại bỏ những giá trị cũ đã trở nên lạc hậu không hề đơn giản, dễ làm.

Việt Nam nằm ở vị trí ngã ba đường thông thương quốc tế, nơi gặp gỡ của các nền văn hóa, văn minh rực rỡ của nhân loại, đó là điều kiện thuận lợi để tiếp thu, tiếp biến những giá trị tiến bộ, tích cực của nhân loại. Nhưng vị trí địa chính trị đó cũng khiến dân tộc ta từ rất sớm phải đương đầu với nhiều thế lực ngoại xâm với âm mưu thôn tính, đô hộ. Bên cạnh đó, sự khắc nghiệt về thiên nhiên, khí hậu ở xứ sở nhiệt đới gió mùa, con người phải gồng mình vươn lên, tìm cách sáng tạo, thích ứng để chống chọi và sống thuận hòa với thiên nhiên. Hoàn cảnh, môi trường sống đã góp phần hìnhthành nên những đức tính, phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) đã đề cập như: “Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...”(1).

Bàn về hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, giới nghiên cứu trong và ngoài nước đều thống nhất nhận định những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người Việt Nam kết tinh thành những giá trị cao quý. Học giả Đào Duy Anh trong cuốn “Việt Nam văn hóa sử cương” từng nói đến 7 giá trị có thể xem là bản sắc văn hóa Việt: 1) “Sức ký ức” (trí nhớ) tốt, thiên về nghệ thuật và trực giác; 2) Ham học, thích văn chương; 3) “Ít mộng tưởng” (thiết thực); 4) “Sức làm việc khó nhọc” (cần cù) ở mức độ “ít dân tộc bì kịp”; 5) “Giỏi chịu… khổ và hay nhẫn nhục”; 6) “Chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa”; 7) Khả năng “bắt chước, thích ứng và dung hóa rất tài”.

Nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu trong cuốn “Giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam” cũng nêu lên 7 giá trị mà ông cho là đặc thù của văn hoá Việt: 1) Yêu nước; 2) Cần cù; 3) Anh hùng;4) Sáng tạo; 5) Lạc quan; 6) Thương người; 7) Vì nghĩa. Còn tác giả Claude Falazzoli (người Italia) trong cuốn “Việt Nam giữa hai huyền thoại” cũng đã khẳng định 7 giá trị tiêu biểu của người Việt là: 1) Ý thức “giữ phẩm giá, không chịu để mất nó trong bất cứ thử thách nào”; 2) “Nết cần cù có thể lấp biển”; 3) “Lịch thiệp, tế nhị… khiến cho không khí ở đây không thô lỗ và nặng nề”; 4) “Một sự tinh tế cố tình chẻ sợi tóc làm tư”; 5) “Tính dè dặt, kéo dài sự cân nhắc, xét đoán, quyết định”; 6) “Tính thực dụng… khả năng thích ứng khéo léo và sáng suốt với mọi tình huống”; 7) “Đặc biệt lãng mạn và đa cảm”(2).

Tự hào về nền văn hóa lâu đời với truyền thống yêu nước, đánh giặc ngoại xâm, khát vọng mãnh liệt về nền độc lập, tự do, hòa bình, những thế hệ người dân Việt Nam trải qua bao thăng trầm đã xây dựng, hình thành nên hệ giá trị phong phú độcđáo. Những giá trị cao quý như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, đức tính cần cù, giản dị, chịu khó, khả năng sáng tạo, vươn lên, nhạy bén với cái mới, ứng phó linh hoạt trước mọi hoàn cảnh… đã trở thành những giá trị, biểu tượng thiêng liêng, một di sản cao quý truyền từ thế này sang thế hệ khác; góp phần gắn kết con người với cội nguồn, quê hương, tiếp thêm sức mạnh để con người ngày càng trưởng thành và hoàn thiện mình.



Ngày nay, những giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn không ngừng được lan tỏa, phát huy và tiếp tục được bổ sung, sáng tạo thêm nhiều giá trị mới. Tuy nhiên, bối cảnh hội nhập toàn cầu, mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự xâm lăng của những “phản giá trị” ngoại lai đang làm đảo lộn thang bậc giá trị trong nhận thức của không ít người. Bên cạnh những giá trị chân thực, cao quý thì hiện tượng “ngụy giá trị” cũng bắt đầu xuất hiện gây nguy hại và tác động xấu đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

HIỆN TƯỢNG “NGỤY GIÁ TRỊ”

Trong đời sống xã hội, bên cạnh những giá trị tốt đẹp - chân giá trị thì hiện tượng “giả giá trị”, “ngụy giá trị” cũng luôn tồn tại. Nó “đội lốt” dưới cái vỏ giá trị để thực hiện những âm mưu, toan tính, dục vọng cá nhân, chỉ cốt làm lợi cho bản thân, gia đình, dòng họ, sẵn sàng chà đạp lên những giá trị cao quý, đi ngược lại lợi ích chung của tập thể,cộng đồng. Hiện tượng “ngụy giá trị” thời nào cũng có; có thể nảy sinh từ ý đồ thâm độc của kẻ thù, mượn danh nghĩa “khai hóa” văn minh, đem “tự do, bình đẳng, bác ái” cho các dân tộc thuộc địa, nhưng thực chất chỉ là chiêu bài mị dân nhằm che giấu bản chất xấu xa bên trong. Phần lớn hiện tượng “ngụy giá trị” nảy sinh từ chính suy nghĩ, nhận thức lệch lạc, phiến diện của con người trong mối quan hệ với cộng đồng khi họ đặt danh vị, tiền tài, lợi ích cá nhân lên trên hết.

Ở nước ta hiện nay, một trong những rào cản lớn trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam là sự tồn tại của quá nhiều hiện tượng “ngụy giá trị” mà điển hình nhất là sự giả dối, mâu thuẫn giữa lời nói với việc làm, giữa mục tiêu đề ra và cách thức thực hiện, giữa nội dung và hình thức không đi đôi với nhau. Những việc giả dối, nhân danh cái tốt đẹp, lợi dụng lòng tin và mong ước, khát vọng của người dân để thực hiện những hành vi sai trái không khó để nhận ra trong đời sống thực tiễn. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây bất bình, phẫn nộ và làm suy giảm niềm tin trong nhân dân.

Giáo dục vốn được xem là môi trường lý tưởng có nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, gieo vào trái tim, tâm hồn tuổi thơ những bài học đầu tiên về đạo đức, nhân cách làm người. Nhưng những hiện tượng mượn danh nghiên cứu khoa học, lợi dụng uy tín người thầy để “thuổng” công trình của học trò thành tài sản trí tuệ của mình vẫn diễn ra. Cùng đó, còn có một số nhà quản lý giáo dục lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nâng điểm cho học trò, “biến không thành có” vì mục tiêu thành tích và sự chi phối của danh vị, đồng tiền. Có không ít hiện tượng kiếm tiền lại được “ngụy biện” dưới vỏ bọc nâng cao chất lượng… Trong môi trường y tế cũng vậy. “Lương y như từ mẫu”, nhưng không ít cán bộ y tế kinh doanh trên thân xác và nỗi đau người bệnh. Điển hình như Công ty VN Pharma nhập khẩu, kinh doanh, buôn bán thuốc chữa bệnh ung thư giả gây phẫn nộ trong xã hội. Một số kẻ giả danh nhà ngoại cảm để kiếm tiền trên nỗi đau mất mát của nhiều gia đình liệt sĩ… Những hiện tượng ấy đều có điểm chung là mượn danh những giá trị chân thật vốn được cộng đồng tôn thờ, tin tưởng để thực hiện những hành vi phản giá trị, tạo những giá trị ảo mà nếu không tinh ý khó có thể nhận ra. Những vụ việc ấy không chỉ vi phạm pháp luật mà còn chà đạp lên đạo lý, tình thương, gây những tổn thất, mất mát lớn về vật chất, tinh thần, để lại nhữngbài học đau đớn về sự tha hóa nhân cách con người.

Không chỉ trong môi trường giáo dục, y tế mà ngay ở cơ quan công quyền, hiện tượng giả dối đã trở thành căn bệnh trầm kha, thậm chí trở nên phổ biến.Một số nơi, nó mặc nhiên tồn tại như một “giá trị” vốn không được chấp nhận nhưng vẫn phải thừa nhận. Hiện tượng “con quan thì lại làm quan”, “một người làm quan cả họ được nhờ”, nạn tham nhũng, hối lộ, mãi lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, luân chuyển…, mượn danh đề án phát triển kinh tế, quy hoạch kiến trúc vùng miền để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vun vén, tư lợi cho cá nhân… dường như đã trở thành chuyện “bình thường” của xã hội. Lại có những nơi tôn nghiêm, đại diện cho công lý, pháp luật tối cao thì lại xảy ra vi phạm pháp luật như vụ bảo kê đánh bạc nghìn tỷ của một số cán bộ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, v.v.. gây những rạn nứt, đứt gãy niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền. Cán bộ là người đại diện cho quyền lợi chính đáng của nhân dân, là diện mạo của nền hành chính nước nhà, là những người đứng trong hàng ngũ của Đảng được nhân dân tin tưởng, kỳ vọng. Tuy nhiên, trước những cám dỗ của tiền tài, danh vọng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, đã có không ít cán bộ tha hóa, biến chất, phai nhạt lý tưởng, lợi dụng lòng tin, mượn danh chân giá trị để thực thi những hành vi phạm pháp.

Một hiện tượng khác có thể coi là điển hình của “ngụy giá trị” là khi có những kẻ, tổ chức nhân danh lòng yêu nước, mượn danh tự do, dân chủ, đấu tranh bảo vệ quyền con người… để thực hiện những hành động khiêu khích, kích động, đập phá trụ sở chính quyền, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia làm những việc phi pháp như vụ gây rối ở Phan Rí, Bình Thuận vừa qua. Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin cũng như trình độ nhận thức còn hạn chế của đồng bào, nhiều thế lực thù địch, phản động giương cao những giá trị tốt đẹp của cộng đồng và truyền thống văn hóa bản địa để thực hiện mục tiêu, âm mưu chia rẽ nhân dân với chính quyền nhằm can thiệp sâu vào công việc nội bộ của đất nước...

Một khi hiện tượng “ngụy giá trị” thắng thế, trở nên phổ biến trong xã hội, nó sẽ làm đảo lộn cuộc sống, khiến con người hoang mang, dao động, mất niềm tin, thiếu lý tưởng và khát vọng cống hiến. Nó là nguồn cơn dẫn đến sự bất công xã hội, là mầm mống cho cái ác nảy sinh, tạo những khoảng không, hố sâu ngăn cách giữa nhân dân với chính quyền, phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, làm suy thoái đạo đức xã hội, cản trở quá trình phát triển của đất nước. Vì thế, việc nhận diện đúng những hiện tượng “ngụy giá trị” để có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi là việc làm cần thiết, cấp bách.

BẢO TỒN, GÌN GIỮ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ TỐT ĐẸP

Trong bối cảnh hiện nay, khi cánh cửa hội nhập quốc tế trở nên thông thoáng; sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội mang lại những cơ hội trải nghiệm, học tập, lao động mới cho con người. Nhưng đồng thời, cũng đặt ra những thách thức, nhất là việc ứng xử, vận dụng, kết hợp khéo léo giữa sức mạnh nội sinh và ngoại sinh; giữa giá trị văn hóa truyền thống với giá trị văn hóa hiện đại của nhân loại để tìm hướng phát triển bền vững cho đất nước. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp cổ truyền sang nhịp sống công nghiệp hiện đại, cùng với quá trình đô thị hóa, bức tranh nông thôn và văn hóa làng xã cũng đang có thay đổi, chuyển mình để thích ứng, phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới.

Dù phát triển đến đâu, theo hướng nào thì những giá trị văn hóa tốt đẹp ngàn đời vẫn cần phải được bảo tồn, gìn giữ, phát huy; cải biến, loại trừ những giá trị đã lạc hậu; đồng thời, không ngừng tiếp thu, bồi đắp những giá trị mới như tinh thần dân chủ, tự do, thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền con người, sống hòa hợp, yêu thương, có trách nhiệm… để làm giàu, phong phú bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc.

Trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay, việc nhận diện đúng những giá trị tốt đẹp để nhân rộng, học tập, tiếp thu, làm giàu, vươn tới; đồng thời, kiên quyết bài trừ những hiện tượng “ngụy giá trị”, là thiết thực góp phần hình thành những con người Việt Nam “có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”./.

 TS. NGUYỄN HUY PHÒNG

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo: tuyengiao.vn