title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Bài viết dự thi Cuộc thi viết "CĐXDVN - 60 năm xây dựng và phát triển": Nguyễn Thị Huệ, Công ty cổ phần Sông Đà 5
Thứ tư, 03/05/2017 - 09:59
Trong rất nhiều lần tiếp xúc với vô vàn những biểu hiện những tấm gương đẹp được nghe kể lại, tôi tâm đắc nhất là đồng chí Trần Văn Huyên - người anh cả luôn tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập người lao động. Những dòng tâm sự, với những kỷ niệm sau xin kể lại cùng đoàn viên và người lao động trong ngành về gương lao động sản xuất tích cực gắn với hoạt động Công đoàn. “SỢ TẾT VÀ NỖI LO ĐÓI Ở THỜI HIỆN ĐẠI”

1. Đề xuất, (cống hiến) những ý tưởng có ý nghĩa thực tiễn đối với hoạt động Công đoàn trong thời kỳ hội nhập

WTO, TPP Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đặc biệt là Đảng, nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước - cổ phần, tư nhân hóa là nhu cầu tất yếu do vậy thách thức, cơ hội rất lớn và nhiều tác động tiềm ẩn đến với tổ chức Công đoàn khi có tổ chức mới của người lao động đứng song song, sẵn sàng lôi kéo đoàn viên về tổ chức của Họ. Để phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam; đồng thời phát triển số lượng đoàn viên Công đoàn của mình ngày càng lớn mạnh, Công đoàn Việt Nam đặc biệt là Công đoàn cơ sở cần phải thay đổi, làm mới mình để thu hút đoàn viên. Để làm tốt việc này tôi đề xuất một số giải pháp sau:

1. Công đoàn các cấp và đặc biệt Công đoàn cơ sở phải làm rõ, nổi bật vượt trội lên đoàn viên Công đoàn họ được gì khi gia nhập tổ chức, họ hơn người không phải là đoàn viên những gì ? Muốn vậy phải thực hiện thật tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, gần gũi chăm lo chu đáo khi Họ bị tổn thương trong quan hệ lao động, khi Họ gặp khó khăn hoạn nạn.

2. Về mặt tổ chức có thể ghép một số công đoàn cơ sở gần nhau về mặt địa lý, tương đồng về ngành nghề kinh doanh để thành lập Công đoàn cơ sở đủ lớn đảm bảo số lượng đoàn viên, có đủ điều kiện để chủ tịch Công đoàn cơ sở hoạt động chuyên trách, do Công đoàn trả lương và chi phối quyền lợi, không bị ảnh hưởng bởi giới chủ. (Hiện nay theo điều lệ có từ 05 đoàn viên trở lên có thể thành lập một Công đoàn cơ sở).

3. Công đoàn cơ sở là gốc rễ, là nơi tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên, liên tục với đoàn viên nhưng hầu hết Chủ tịch Công đoàn cơ sở do giới chủ bố trí trả lương, hoạt động bán chuyên trách. Đặc biệt là hoạt động theo kinh nghiệm đủ tâm nhưng chưa đủ tầm; chưa được đào tạo bài bản và hệ thống, do vậy Công đoàn Việt Nam cần có kế hoạch đào tạo quy chuẩn cho hệ thống Chủ tịch Công đoàn cơ sở và dần nâng cao tiêu chuẩn của đối tượng này. Công đoàn có rất nhiều quyền trong Hiến pháp, trong Luật lao động và Luật Công đoàn nhưng mới dừng ở mức độ quyền tham gia, quyền kiến nghị do vậy để đạt được kết quả hoạt động thì kinh nghiệm là quan trọng nhưng kiến thức của cán bộ Công đoàn mới quyết định. Nâng cao tiêu chuẩn cán bộ Công đoàn cũng để khắc phục hiện tượng Chủ tịch Công đoàn cơ sở là ga chờ, ga cuối của Phó tổng giám đốc, hoặc trưởng phòng của doanh nghiệp bố trí sang.

4. Công đoàn cơ sở là một tổ chức trong doanh nghiệp; do vậy chủ tịch Công đoàn cơ sở phải lãnh đạo đoàn viên lao động sản xuất để doanh nghiệp đó tồn tại và phát triển; vậy bài toán đặt ra với chủ tịch Công đoàn cơ sở là quyền lợi của đoàn viên phải gắn kết cùng tồn tại, phát triển của doanh nghiệp, không nên chăm chăm vào quyền lợi của đoàn viên mà dễ bị cô lập.

5. Có rất nhiều hoạt động góp phần phát triển doanh nghiệp và mang lại lợi ích người lao động; sau đây tôi xin đề cập một vấn đề trong công tác thi đua ở doanh nghiệp: Công đoàn cần đổi mới phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; thi đua học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Để các phong trào thi đua đạt hiệu quả thiết thực, cần xuất phát từ đặc điểm của từng loại hình cơ sở, từng thành phần kinh tế để đề ra các nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức cho phù hợp. Trước đây, công đoàn thường tổ chức thi đua theo công thức cứng nhắc từ trên xuống dưới, cho nên người lao động thấy nặng nề, hình thức, chủ doanh nghiệp chẳng mấy mặn mà. Trong hội nhập kinh tế quốc tế, thi đua là để làm ra của cải vật chất, để rèn luyện đội ngũ công nhân lao động và cán bộ công đoàn nên thi đua phải thực chất, phải đem lại hiệu quả cụ thể. Cán bộ CĐCS có thể phát động công nhân lao động thi đua ở một số mặt như: Giữ gìn vệ sinh an toàn lao động, chấp hành tốt kỷ luật lao động và quy trình sản xuất; rèn luyện tay nghề để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nghiên cứu, suy nghĩ để đề xuất cải tiến mẫu mã sản phẩm đẹp hơn, thao tác ngày càng hợp lý hơn để đạt năng suất cao hơn. Với các nội dung thi đua đó, chắc chắn sẽ được chủ doanh nghiệp ủng hộ vì nó chỉ có lợi mà hoàn toàn không có hại cho doanh nghiệp.

Chúng ta đã bước vào một sân chơi mới, một sân chơi hội nhập toàn cầu, bình đẳng và sòng phẳng. Con thuyền của dân tộc Việt Nam đã căng buồm trên biển lớn. Trên sân chơi ấy, tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện và khẳng định chức năng, khẳng định vị thế của mình, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức mới. Những thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi tổ chức công đoàn nói chung và mỗi cán bộ công đoàn nói riêng phải đổi mới nhận thức, nỗ lực sáng tạo trong nội dung và phương pháp hoạt động, luôn bám sát người lao động để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của họ, để thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Họ. Có làm được như vậy thì người lao động mới thiết tha, gắn bó với công đoàn, công đoàn mới lớn mạnh và sống trong lòng quần chúng lao động; Công đoàn Việt Nam mới cạch tranh được với các tổ chức khác của người lao động.

2. Những gương điển hình trong lao động sản xuất gắn với chức năng nhiệm vụ hoạt động chính của Công đoàn

Nói đến Công đoàn phần nhiều là tập trung chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động là nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn các cấp. Công đoàn cơ sở Sông Đà 5 đã vận dụng và phối hợp tích cực để chăm lo cho người lao động. Với nhiệm vụ, giúp việc cho văn phòng Công đoàn Công ty; tôi có điều kiện tìm hiểu về hoạt động Công đoàn Công ty. Đặc biệt, qua cuộc thi viết tìm hiểu Công đoàn xây dựng Việt Nam - 60 năm xây dựng và phát triển tôi có điều kiện tìm hiểu về những tấm gương điển hình của cán bộ lãnh đạo, của Công đoàn Công ty về chăm lo đời sống người lao động. Trong rất nhiều lần tiếp xúc với vô vàn những biểu hiện những tấm gương đẹp được nghe kể lại, tôi tâm đắc nhất là đồng chí Trần Văn Huyên - người anh cả luôn tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập người lao động. Những dòng tâm sự, với những kỷ niệm sau xin kể lại cùng đoàn viên và người lao động trong ngành về gương lao động sản xuất tích cực gắn với hoạt động Công đoàn.

“SỢ TẾT VÀ NỖI LO ĐÓI Ở THỜI HIỆN ĐẠI”

Sau khi tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 của Công đoàn Tập đoàn Sông Đà (nay là Tổng công ty Sông Đà) đồng chí Chủ tịch Công đoàn Phạm Văn Quản buông một câu “ Thế nào? Anh cả năm nay lo tết cho CBCNV của Công ty ra sao?” Bác Phạm Xuân Tiêng - Chủ tịch công đoàn của công ty cổ phần Sông Đà 5 nghe mà lạnh cả người, lạnh hơn là câu anh cả vì các năm trước chuyên là cả và hơn rồi mà năm nay mà là út thì chui đi đâu được và cơ bản còn cuộc sống, gia đình của CBCN mình thì sao. Trước đó, bác Tiêng đã có dịp đề cập việc này với Tổng giám đốc Công ty: Lai Châu kết thúc với 530 CBCNV, nhà Quốc hội hết việc với 600 người đang ở thuê lán trại của quân khu I tại Ba Đình – Hà Nội, làm ăn gì trong khi còn ba tháng tiền lương chưa trả, tiền tết, tiền ứng lương tháng một, tiền trả BHXH… vv tính nhanh cũng phải sấp xỉ 150 tỷ, ở đâu ta; rồi sau tết - năm 2014 việc đâu kẻo chết đói cả thôi Anh. Với dáng người đậm, da ngăm đen, nhanh nhẹn và luôn thường trực nụ cười trên môi của Tổng giám đốc cũng không dấu nổi nỗi lo khi nghĩ về việc này.

Thủy điện là ngành chủ đạo và cũng qua thời gian 3 năm về Hà Nội, tiếp xúc với xây dựng dân dụng, nhà ở, nhà Quốc Hội, làm cầu, kể cả làm đường dường như những công việc này quả không dễ với những người chuyên xây dựng thủy điện như Sông Đà 5; chắc có lẽ chết mất, việc và tiền đâu ra mà tết thì cứ đến gần đáng sợ quá, giá đừng có tết. Cả Hà Nội một đại công trường lớn đâu đâu cũng thấy xây dựng, cũng thấy cần trục dựng lên mà người lao động không có việc thì quả là điều suy ngẫm. Tổng giám đốc Trần Văn Huyên nghĩ vậy; nhưng công nhân của mình nó quen khối lớn, sắt to, đổ bê tông bằng ben 3-:-5 khối rồi, thay đổi phù hợp với dân dụng cũng dần dần thôi anh, chứ trước mắt dây chuyền bê tông đầm lăn vài chục triệu USD, cần trục hàng trăm tấn, trạm trộn vài trăm m3/h làm ghì để đâu ? không thể mang voi đi cầy ruộng thửa được; rồi tiền thuê chỗ chứa, tiền bảo quản, bảo vệ cũng chết.

Xây dựng thủy điện hoành tráng bao nhiêu năm mà giờ đây khó khăn vậy; chắc chắn là khó khăn với thủy điện trong nước rồi, quy hoạch thủy điện cho sơ đồ điện 6 đã cơ bản hoàn thành, có khi phải tính đến phát triển thị trường thủy điện bên Lào thôi anh. Và rồi OBAYSHI nhà thầu Nhật Bản, có duyên với Sông Đà 5 tại trạm trộn bê tông đầm lăn ở Sơn La, Lai Châu, ngay hôm sau đồng chí Trần Văn Huyên có mặt tại Lào để tiếp cận nhà thầu Nippon Conveyor. Sau thời gian tiếp cận và hơn 15 ngày làm việc không ngừng nghỉ, không quản ngày đêm của CBCNV các phòng Công ty, cùng việc tích cực tháo gỡ vướng mắc từ bảo lãnh hợp đồng với Tổng công ty, hợp đồng xây lắp thủy điện  Nam Ngiep I được ký kết giữa Công ty Cổ phần Sông Đà 5 mà người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc Trần Văn Huyên và ông KENJIRO ASO trong niềm mong đợi và phấn khởi của CBCN Công ty từ Lai Châu về tới Hà Nội.

Triển khai thực hiện hợp đồng theo yêu cầu của nhà thầu nước ngoài quả là khó khăn với nếp làm chưa gọn gàng trong nước, với ý thức kỷ luật và tay nghề công nhân còn hạn chế thì việc thực hiện cam kết với các điều khoản hợp đồng về yêu cầu vệ sinh môi trường, an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp với cách tổ chức công trường chuyên nghiệp theo yêu cầu của nhà thầu khó tính, quả là khó khăn. Có hợp đồng là việc của Tổng giám đốc còn tuyển dụng, tổ chức sinh hoạt, nhà ở tại công trường là phần của Công đoàn và Quản trị nhân sự được giao trong Hội nghị giao ban Công ty. Hàng loạt các biện pháp như tổ chức đào tạo lại Công nhân, làm nhà lắp ghép kiểu mẫu, xây dựng bếp ăn tập thể, trang bị dụng cụ nhà bếp, làm hộ chiếu, visa, làm việc với Cục lao động của Lào… để đưa công nhân sang công trường; Công đoàn tham gia chỉ đạo thực hiện tích cực nhằm đáp ứng được yêu cầu của Chủ đầu tư là tập trung nhân lực và thiết bị xe máy để sẵn sàng thi công thì mới được ứng 30% giá trị hợp đồng; những công việc trên đã triển khai mau lẹ đúng tiến độ và được hưởng ứng tích cực từ CBCN, bước đầu tạo niềm tin với chủ đầu tư và 100 tỷ tiền ứng theo hợp đồng được chuyển về tài khoản của Công ty theo đúng tiến độ, tất nhiên là tiền này dùng để thi công thủy điện Nam Ngiep; nhưng trước mắt cộng với chỉ đạo sát sao của Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Toàn được điều động tăng cường kiêm giám đốc Xí nghiệp Sông Đà 5.06 tại Lai Châu đã thu vốn được 70 tỷ trong vòng gần một tháng, tết Bính Ngọ đã đến và giờ đây tiền ứng trước hợp đồng của thủy điện Nam Nghiep với tiền thu vốn Lai Châu, Tết nhẹ nhàng qua mau và việc làm năm 2015, 2016, 2017 của CBCN khỏi lo.

Lúc này mỗi lần gặp gỡ, Tổng giám đốc và bác Tiêng chủ tịch Công đoàn cùng cười tươi sáng và rạng rỡ trên khuôn mặt từng người, nút thắt được tháo gỡ, gánh nặng được trút bỏ, với thu nhập cao trả được cho CBCN trước, trong tết; sau tết mọi người lại hối hả về công trường bằng xe của đơn vị thuê để tiếp tục một năm làm việc; Công đoàn thầm cảm ơn đồng chí Trần Văn Huyên và ban lãnh đạo Công ty đã vượt khó thành công trong thời kỳ hội nhập và luôn nhắc lại mỗi dịp tết để cổ vũ động viên khích lệ mọi người cùng chăm lo cho đoàn viên Công đoàn và người lao động.

Với các hợp đồng ký được đã tạo điều kiện cho BCH Công đoàn Sông Đà 5 triển khai thực hiện tốt các Chương trình Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Công đoàn Xây dựng Việt Nam và nghị quyết Đại hội XI của Công đoàn Tổng công ty Sông Đà đó là: “Phát triển đoàn viên Công đoàn giai đoạn 2013-2018: với 425 đoàn viên Công đoàn đơn vị phát triển được trong 03 năm; Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể: với 07 điểm trong thỏa ước có lợi cho người lao động; Nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, kiến thức pháp luật cho đoàn viên và người lao động: với 680 công nhân được đào tạo lại, 250 cán bộ được trang bị thêm ngoại ngữ, kiến thức pháp luật và kỹ năng kinh doanh, kỹ năng điều hành dự án đáp ứng yêu cầu của các nhà thầu chuyên nghiệp, uy tín trên thế giới”. Cao hơn nữa hiện nay Sông Đà 5 đã được các nhà thầu của Thái lan, Nhật bản đánh giá là nhà thầu thi công thủy điện đẳng cấp, ít đối thủ cạnh tranh ở thị trường Lào; nhờ có việc làm, mà đời sống, chế độ chính sách của đoàn viên và người lao động trong Công ty luôn được nâng cao; hoạt động của Công đoàn cơ sở nhiều năm giữa vững thương hiệu trong sạch vững mạnh.

Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, kinh tế quốc tế, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trở lên gay gẳt. Đây là cơ hội nhưng cũng nhiều cam go thách thức không chỉ riêng với Công ty cổ phần Sông Đà 5 mà còn là thách thức với toàn bộ các đơn vị khác trong ngành xây dựng. Nhưng tôi tin rằng, có được những tấm gương sáng lao động và chăm lo đời sống người lao động như Sông Đà 5 chúng tôi tin tưởng tổ chức Công đoàn cơ sở và Công đoàn cấp trên cơ sở giữ vững niềm tin và chỗ dựa cho người lao động mãi mãi. Chúc cho tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng lớn mạnh góp phần cùng với sự nghiệp phát triển của dân tộc Việt Nam sánh vai cùng với các cường quốc năm châu theo mong nguyện của Bác Hồ kính yêu.

Chúc cho cuộc thi viết tuyên truyền “Công đoàn Xây dựng Việt Nam – 60 năm xây dựng và phát triển” thành công thu hút được đông đảo đoàn viên tham gia và có nhiều đóng góp, công hiếu ý tưởng cho sự nghiệp phát triển chung của Công đoàn./.

Nguyễn Thị Huệ,

Công ty cổ phần Sông Đà 5