title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Bài viết dự thi Cuộc thi viết "CĐXDVN - 60 năm xây dựng và phát triển":Triệu Thị Thu Hà - HUD (Giải Ba)
Thứ hai, 27/03/2017 - 15:26
Mỗi lần nghe bài hát Bài ca công đoàn Việt Nam trong tôi lại trào dâng xúc cảm. Mười lăm năm công tác, thời gian so với đời người tuy ngắn ngủi nhưng đối với tôi, đó là những tháng năm đầy ắp những kỷ niệm với công đoàn. Hoạt động công đoàn như đã ăn sâu vào máu thịt của tôi, đã trở thành nếp nghĩ trong các hoạt động của tôi đến ngày hôm nay.

Từ thành phố tới núi rừng xa thẳm.
Sum họp về đây vang khúc hát công đoàn.
Công đoàn Việt Nam xây dựng nước non tươi đẹp
Cùng nhau đi tới bước dưới cờ Đảng quang vinh.
Vì cuộc sống của người lao động,
Vì quyền lợi giai cấp công nhân,
Vì Chủ nghĩa xã hội ta đi tới.
Nào bạn ơi! Hát vang bài ca, công đoàn Việt Nam.


Mỗi lần nghe bài hát Bài ca công đoàn Việt Nam trong tôi lại trào dâng xúc cảm. Mười lăm năm công tác, thời gian so với đời người tuy ngắn ngủi nhưng đối với tôi, đó là những tháng năm đầy ắp những kỷ niệm với công đoàn. Hoạt động công đoàn như đã ăn sâu vào máu thịt của tôi, đã trở thành nếp nghĩ trong các hoạt động của tôi đến ngày hôm nay. Công đoàn là cái nôi giúp tôi vững bước đi trong quá trình công tác và trưởng thành. Nhiều những kỷ niệm buồn vui mà mỗi khi nhắm mắt lại cũng tưởng chừng mới ngày hôm qua, hiện hữu rõ nét. Tôi cảm nhận mình thực sự có duyên với hoạt động công đoàn, đó là mối lương duyên không bao giờ dứt.
Năm 2011, tốt nghiệp đại học, tôi xung phong lên công tác tại một trường cấp 3 thuộc xã vùng cao huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình. Đó là trường THPT Mường Chiềng, cách thành phố Hòa Bình khoảng 80 km. Học sinh và bà con nơi đây chủ yếu là người dân tộc Tày. Mặc dù tôi là người dân tộc nhưng phong tục mỗi vùng khác nhau nên hồi đầu mới về công tác tôi gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với bà con.
Trường là ngôi nhà vách nứa, lợp lá cọ do chính phụ huynh, học sinh và các thầy cô dựng lên trên nền đất vàng chênh vênh sườn núi. Thời đó tôi sợ nhất lúc trời mưa, một cô giáo trẻ mới ra trường chưa biết cuộc sống lam lũ phải đối diện với cảnh xách dép đi bộ hàng chục cây số để vận động học sinh đi học. Đường đất trơn, ngã dơ bẩn hết quần áo là câu chuyện thường nhật của các thầy cô giáo ở đây. Mỗi bữa cơm khi mưa lớn, các cô giáo thay nhau đứng cầm bạt để ăn cho đỡ nước tràn vào nhà (những căn phòng nhỏ được ngăn từ lớp học cho thầy cô ở).
Khi ấy, tôi là giáo viên duy nhất tốt nghiệp chính quy đại học lại là người thị trấn lên công tác với thành tích 8 năm làm công tác Đoàn đội khi là học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông và 4 năm làm công tác Hội sinh viên khi học đại học nên tôi được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch công đoàn nhà trường kiêm Trưởng ban Nữ công. Chủ tịch công đoàn là cô Hà Thị Hòa – Hiệu phó nhà trường là một người cán bộ tâm huyết tận tụy với nghề, với hoạt động công đoàn.
Trong suốt thời gian giữ vai trò Phó Chủ tịch Công đoàn trường - Trưởng ban Nữ công tôi được cô dìu dắt chỉ bảo tận tình. Do tuổi cao sức khỏe không tốt nên mọi việc của tổ chức cô đều giao cho tôi phụ trách.
Những năm đó, đời sống của các thầy cô giáo thiếu thốn về mọi mặt, lương thấp nên bữa ăn sang trọng nhất cũng chỉ là món tóp mỡ mà người xuôi buôn từ chợ Hà Đông mang lên. Trường chỉ có hai thầy đều là dân địa phương, số còn lại hơn 10 nữ cán bộ giáo viên, có chị đã ngoài 30 tuổi, đa số là tuổi từ 25 đến 30 đều đến từ các nơi, có chị quê Thái Bình, Thanh Hóa do tốt nghiệp đại học không xin dạy học ở quê nhà nên đã xung phong lên vùng cao dạy tại Hòa Bình.
Thời đó, tôi cố gắng suy nghĩ trăn trở để công đoàn đi vào cuộc sống của đoàn viên thực sự là người bạn đồng hành chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên. Tôi đã phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường đề xuất với Ủy ban nhân dân xã Mường Chiêng, tạo điều kiện cắt thêm đất để cho các thầy cô tăng gia sản xuất trồng rau nuôi con gà, con lợn để cải thiện đời sống. Mỗi chiều tan lớp hai tổ công đoàn (tổ xã hội và tổ tự nhiên) lại tích cực đi vào nhà dân xách nước về tưới rau, đong thóc, ngô cho gà ăn. Bữa cơm ngoài món tóp mỡ quen thuộc đã có thêm những món ăn mới, mỗi khi đoàn công tác của tỉnh về thăm, các đồng chí lãnh đạo đều ghi nhận những cố gắng của công đoàn nhà trường. Năm 2002, công đoàn giáo dục tỉnh tặng cho công đoàn trường chúng tôi một bộ tăng âm loa mic để phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Sẵn có máu văn nghệ từ nhỏ được đào tạo lớp vũ công khi học đại học nên tôi đã tham mưu với Ban Chấp hành nhà trường mở lớp học khiêu vũ vào tối thứ 7 hàng tuần cho cán bộ giáo viên và học sinh.
Chương trình được sự ủng hộ từ Ban Giám hiệu nhà trường nên hoạt động diễn ra rất sôi nổi, do xa trung tâm thị trấn, điện lưới vừa về đến xã, thông tin liên lạc còn chưa phát triển, chỉ là những lá thư tay được chuyển về thành phố qua bưu điện xã, do đó hoạt động khiêu vũ là phong trào giúp cho các thầy cô nơi đây thêm nguồn sinh khí mới, tối thứ 7 sân trường được thầy hiệu trưởng tài trợ bóng đèn, công đoàn có loa đài mỗi người hướng dẫn từng bước nhảy cho nhau và hướng dẫn các cháu học sinh trên nền nhạc của vũ điệu cha cha cha, dù chỉ như vậy nhưng tinh thần ai cũng phấn chấn, bởi lẽ giữa núi rừng vùng cao trong đêm tĩnh mịch những người con gái lỡ thì chỉ biết miệt mài trên những trang giáo án nay như được sống lại thời son trẻ, mặc dù đã giúp cho cô thầy đỡ vất vả hơn về vật chất và một phần tinh thần nhưng trăn trở nhất lúc bấy giờ của tôi là những thân phận phụ nữ trong đó có tôi (trường có 11 nữ giáo viên trong đó một cô giáo đã kết hôn nhưng kết hôn trước khi về công tác tại trường). Nói thật khi đó tôi rất hoang mang các chị cũng đều qua tuổi thanh xuân đẹp nhất nhưng đều không ai có người yêu, hầu hết khi lên công tác tại trường nhìn cảnh đường sá xa xôi vất vả 80km, nhưng chỉ có 25km đường đi rải nhựa, con đường đất quanh co, dốc núi treo leo lầy lội và trơn trượt khi mưa đến, phương tiện duy nhất là xe máy, các anh chàng dù yêu thắm thiết cũng ít ai tồn tại được lâu, xung quanh trường không có cơ quan, đơn vị, bộ đội, trường có 2 thầy cô đã lập gia đình, bà con thôn bản họ đều không thoát ly, quanh năm nương rẫy, trai làng, trai bản cũng đã kết hôn từ năm 20 tuổi. Hồi đó tôi cũng được xếp vào hạng ế mặc dù có người yêu với nhiều hứa hẹn khi tốt nghiệp đại học nhưng xa cách địa lý, với bất đồng công việc, tôi lên vùng cao dạy học nên tình yêu của tôi chỉ sống thoi thóp được 1 năm 2 tháng sau khi tôi về trường công tác và bao nhiêu thời gian tâm huyết tôi dành cho công tác giảng dạy và hoạt động công đoàn. Công đoàn sinh hoạt 4 lần mỗi tháng, gấp 4 lần so với điều lệ quy định, nhưng lúc bấy giờ mọi người rất ủng hộ, bởi lẽ cuộc sống trong trường rất buồn tẻ, khi sinh hoạt mọi người được giao lưu, xem phim tập trung tại phòng họp của các hiệu bộ (cả trường duy nhất có 1 chiếc ti vi), tập hát, tranh luận về các đề tài chuyên môn…, chưa bao giờ là kết thúc chủ đề. Tháng 7 năm 2002, vào dịp nghỉ hè tôi được tham dự 1 Hội nghị của công đoàn ngành giáo dục tổ chức tại thành phố Hòa Bình, tôi đã khóc và toàn bộ hội nghị lặng thinh khi tôi chia sẻ cuộc sống của các giáo viên vùng cao về những thiệt thòi hi sinh của họ, trong đó có tôi.
Ngay sau đó trường của chúng tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ giúp đỡ. Một năm sau trường được thay áo mới, ngôi trường hai tầng ngói đã khang trang, khu tập thể giáo viên được xây riêng biệt, tuy nhà cấp 4 nhưng đẹp sạch, mừng nhất là trường được xây một bể to đựng nước sạch, thầy cô không phải vất vả đi vào nhà dân xin xách từng xô nước về tắm. Trường đã có thêm 3 thầy giáo trẻ được điều động từ thành phố lên. Được gợi ý của đồng chí Chủ tịch công đoàn ngành giáo dục, tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch kết nghĩa với đơn vị Công An thị trấn Đà Bắc, công đoàn Thanh tra tỉnh và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình. Sau khi kết nghĩa các đơn vị thường xuyên có các hoạt động giao lưu như: Hội diễn văn nghệ, thi nấu ăn, thi gương mặt đoàn viên công đoàn,  giỏi việc nước - đảm việc nhà, hội trại công đoàn từ đó thắt chặt tình đồng chí. Hơn 1 năm kết nghĩa với các đơn vị đã có 6 chị em giáo viên trong trường kết duyên với các anh của đơn vị kết nghĩa. Thời ấy mọi người hay gọi tôi với cái tên dễ mến “Bà mai công đoàn”, mọi người có thói quen cứ có công việc gì từ nhỏ đén lớn, từ đơn giản đến phức tạp cũng tìm đến Chủ tịch và Phó Chủ tịch công đoàn. Đôi khi tôi nói vui, tôi có phải tổ trưởng tổ dân phố đâu mà vợ chồng chị cãi nhau cũng đến tìm tôi. Nói vậy nhưng lúc đó tôi thấy rất hạnh phúc, bởi điều mình làm cho tổ chức cũng chính là vì lợi ích của chính bản thân mình và mọi người. Chuyện vui nhất của chúng tôi lúc đó là chị Phan Thị Loan giáo viên bộ môn văn hơn 30 tuổi đã kết hôn với anh Bùi Văn Thành là Phó Chủ tịch công đoàn của đơn vị chúng tôi kết nghĩa. Đây là đám cưới vui nhất do chính công đoàn đứng ra tổ chức, tôi được giao nhiệm vụ là MC của đám cưới. Hạnh phúc của anh chị và của cán bộ công nhân viên nhà trường đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho tôi. Tuổi trẻ sôi nổi bằng tâm huyết với tổ chức hồi đó tôi còn thiếu nhiều kĩ năng và hiểu biết về công đoàn, chỉ biết làm là vì nghĩ sao làm vậy - lợi ích của đoàn viên công đoàn là trên hết. Những buổi đi gặt lúa cho bà con, đi đãi cát bên bờ suối để góp quỹ cho công đoàn vui vẻ và đầy ắp tiếng cười. Chúng tôi đã sống và làm việc hàng ngày như thế, như câu chuyện cổ tích mà giờ đầy kể lại với thế hệ 8X, 9X, các bạn cười nói: Những giấc mơ có thật.
Công tác gắn bó với tổ chức công đoàn nhà trường đến năm 2005, tôi có quyết định điều chuyển về thành phố và không còn công tác trong ngành giáo dục. Thật lòng mất 1 năm nhớ trường, nhớ hoạt động nhiều đêm mất ngủ, quãng thời gian 4 năm đầu tiên của cuộc đời nhiều kỉ niệm đó đã giúp tôi lắng nghe, biết thấu hiểu, biết chia sẻ. Thực tiễn đã dạy cho tôi nhiều bài học làm người, làm cán bộ công đoàn.
Về thành phố điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, thông tin và mọi thứ tốt hơn, thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi không còn được trực tiếp tổ chức triển khai các phong trào hoạt động của công đoàn mà là ở cương vị tham mưu cho BCH Liên đoàn Lao động tỉnh những chương trình, kế hoạch lao động sao cho phù hợp cơ sở. Nhưng được mở rộng tầm mắt, va chạm nhiều tình huống phát sinh trong công tác. Tôi được về nhiều đơn vị thăm đồng chí đồng nghiệp ở cơ sở, dự các hoạt động và đặc biệt được thiết kế tổ chức các hoạt động hướng về công nhân trong các công ty tư nhân trên địa bàn tỉnh, vận động các doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn. Nhiều khó khăn phải đối mặt khi làm việc với các chủ doanh nghiệp. Tôi nhớ mãi kỷ niệm một phụ nữ lam lũ, gầy yếu tóc cuốn gọn cao mải miết làm việc trong tiếng kẽo kẹt của máy may - lần ấy tôi được phân công về Công ty may để tổ chức tháng công nhân.
Câu chuyển chỉ dừng lại ở việc tôi hướng dẫn cho BCH công đoàn công ty một số hoạt động để tổ chức cho công nhân, tìm hiểu về việc thực hiện quy chế dân chủ và chế độ của công nhân. Nhưng qua nắm bắt tôi được biết chị công nhân ấy tên L (xin được giấu tên), chồng chị đang bị ung thư giai đoạn cuối, con gái mới được 2 tuổi. Bằng tất cả tấm lòng của mình và tâm huyết của người làm cán bộ công đoàn, tôi đã vận động BCH công đoàn Công ty phát động phong trào lá lành đùm lá rách và nhận được nhiều đóng góp của các nhà hảo tâm trong tỉnh. Chị đến nhà tôi với chai mật ong trong tay mà tôi rơi nước mắt. Lúc ấy cảm thấy trong lòng mình thanh thản đến lạ kỳ, năn nỉ mãi chị mới cầm chai mật ong về. Số tiền mọi người đóng góp tuy không thể chạy chữa khỏi cho chồng nhưng đã giúp chị bớt được gánh nặng khó khăn và có tinh thần động lực để làm việc.
Sau năm 2008, tôi lại có quyết định đươc đi đào tạo lớp cán bộ nguồn, học thêm chuyên ngành nâng cao. Tôi ít có điều kiện được tham gia các hoạt động của công đoàn, nhưng dù ở cương vị nào tôi cũng đang cảm thấy như dòng máu chảy trong người mình đã ngấm và thấm đẫm tinh thần với tổ chức công đoàn.
Sau vài năm tôi có duyên với ngành xây dựng nên tôi về công tác tại Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD 3 - Công ty có trụ sở tại 121, 123 Tô Hiệu – Hà Đông. Về đây tôi được phân công phụ trách Website công ty và thực hiện vai trò thư ký HĐQT, người công bố thông tin, phụ trách công tác Đảng vụ. Những năm tháng kỷ niệm về công đoàn được lưu giữ trong ký ức tưởng như không bao giờ có cơ hội được tái hiện, nhưng thật may mắn khi được công tác ở môi trường này - hoạt động công đoàn công ty rất phát triển. Anh Chủ tịch công đoàn Công ty không chỉ là đầu tàu trong phong trào lao động giỏi – lao động sáng tạo mà anh còn là một chủ tịch công đoàn tận tụy với phong trào.
Với suy nghĩ cái gì có lợi cho công đoàn thì làm, anh đã tham mưu cho Ban Giám đốc xây dựng chính sách tiến lượng và phúc lợi nhằm tạo động lực làm việc cho người lao động. Mỗi lần nhìn vào anh, tôi lại thấy tôi của mười mấy năm trước, tôi thấy mình hạnh phúc vì được làm việc với những con người như anh. Hơn 2 năm làm việc tại đây, tôi nhận thấy anh đã cùng BCH công ty triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng đến người lao động và đóng góp nhiều hiệu quả vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Anh đã từng chia sẻ với tôi rằng, để phát huy sức mạnh đoàn viên, công đoàn phải luôn làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người lao đông xây dựng khối đoàn kết, hăng say thi đua lao động, sản xuất, xây dựng công ty ngày càng lớn mạnh.
Mặc dù là cán bộ kiêm nhiệm, (anh vừa làm cán bộ quản lý) nhưng lúc nào anh cũng gần gũi lắng nghe, tâm sự nguyện vọng, kiến nghị vướng mắc của người lao động và tập trung tham mưu cho Đảng ủy, phối hợp với Ban Giám đốc giải quyết mọi việc. Chính vì vậy các hoạt động do BCH công đoàn phát động được người lao động hưởng ứng sôi nổi như phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Qua hoạt động phong trào nhiều kỹ sư, công nhân, cán bộ kỹ thuật tìm ra những biện pháp tiết giảm chi phí, các hoạt động có sức lan tỏa góp phần hình thành đội ngũ lao động có tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Riêng trong năm 2016 công ty đã có 15 sáng kiến, cải tiến.
Là Chủ tịch công đoàn, lại là Phó Giám đốc công ty phụ trách đầu tư - Phụ trách ban QLDA công ty nên anh Bùi Huy Thông (người chủ tịch công đoàn công ty mà tôi nhắc đến), rất quan tâm đến vấn đề ATVSLĐ, anh cùng BCH công đoàn phát động các phong trào xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phong trào thi đua trên các công trường, dự án trọng điểm, thi đua vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh và anh cũng rất quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
Ngoài ra anh đã thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động như: tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan, có lợi cho người lao động, phân công, bố trí người lao động làm công việc phù hợp với trình độ, chuyên môn sức khỏe, giới tính, giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể.
Tại công ty HUD3, 100% người lao động có việc làm ổn định, tiền lương, thu nhập được cải thiện. Việc phân phối tiền lương, thưởng theo tháng, theo quý, theo năm cho người lao động được gắn với hiệu quả công việc từng người và tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước. Ngoài ra người lao động còn được tặng quà trong các ngày lễ, tết, sinh nhật, hỗ trợ những người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, quan tâm tới các con em người lao động, (tăng thưởng cho con em người lao động đạt học sinh giỏi…)
Qua các hoạt động nói trên, đoàn viên và người lao động tin tưởng vào tổ chức công đoàn và ai cũng quý mến anh Chủ tịch công đoàn, vị thế của Chủ tịch công đoàn Công ty HUD3 không ngừng được nâng lên . Chính Công đoàn công ty và anh Chủ tịch công đoàn kính mến ấy đã gieo niềm tin cho tôi và bao người lao động để chúng tôi làm việc hăng say hơn, cống hiến hết mình vì công ty.
Tôi luôn tâm niệm: còn sức còn làm, có nhiệt huyết đam mê thì việc khó đến mấy cũng sẽ thành công. Chính vì vậy, giờ đây là một đoàn viên công đoàn Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng HUD3, tôi luôn tích cực tham gia các phong trào do công đoàn phát động. Tôi tìm thấy ở công đoàn niềm tin và hy vọng cuộc sống. Điều đó giúp tôi sống mạnh mẽ hơn trong cuộc đời này, hoàn thành được tốt nhiệm vụ của mình.
Trong suốt quá trình công tác, gắn bó với tổ chức công đoàn, nếm trái ngọt bùi và cả những đắng cay, những va vấp, vinh quang, nước mắt có, nụ cười có đã hun đúc được kinh nghiệm cho chính bản thân mình. Mặc dù những đóng góp của tôi hết sức nhỏ bé nhưng tôi thật tự hào về những năm tháng đã qua và cả bây giờ và trong tương lai. Bởi lẽ nó đã ăn sâu trong nếp nghĩ và chảy tràn trong con người của tôi. Dù ở cương vị, vị trí nào cũng sẽ hết mình vì tổ chức.
Nhân dịp tham gia cuộc thi, bằng tất cả tâm huyết tôi cũng mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm của mình để nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở.
Như chúng ta đã biết, tổ chức công đoàn có phát triển hay không được quyết định bởi chất lượng của hoạt động công đoàn cơ sở; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh là nhiệm vụ trong tâm; với kinh nghiệm bản thân tôi xin trình bày một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động công đoàn cơ sở.
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt, trước hết công đoàn cơ sở phải gắn với việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cơ bản của tổ chức công đoàn, các chương trình hoạt động của công đoàn cấp trên và bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, kế hoạch hoạt động của đơn vị. Công đoàn cơ sở xây dựng nội dung, phương pháp hoạt động cụ thể. Định kỳ, công đoàn cơ sở cần đánh giá kết quả phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn, tổng kết công tác thi đua khen thưởng, xây dựng nhiệm vụ cho năm tiếp theo. Trên cơ sở đó chọn những trọng tâm cần tổ chức, triển khai trong từng tháng, từng quý hoặc vào các dịp kỷ niệm của đất nước, dân tộc, của ngành..
Một trong những giải pháp quan trọng nhất là luôn sáng tạo, đổi mới nội dung sinh hoạt của công đoàn như: tại đại hội cán bộ công chức, viên chức hoặc hội nghị người lao động, ngày quốc tế 8/3; ngày 20/10…không chỉ tổng kết thi đua khen thưởng mà công đoàn còn lồng ghép vào đó là liên hoan văn nghệ, vui chơi có thưởng, các trò chơi gắn với tìm hiểu về truyền thống công đoàn, các tình huống kịch tương tác về pháp luật nhà nước. Với cách làm như vậy đoàn viên công đoàn phấn khởi nhiệt tình tham gia.
Bên cạnh đó người cán bộ công đoàn phải chủ động, tích cực phối hợp với lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ. Đây là giải pháp tích cực, tạo điều kiện để CĐCS hoạt động, coi trọng việc phối hợp giữa CĐCS và lãnh đạo công ty đồng thời tùy theo tình hình thực tế có thể xây dựng nội dung sinh hoạt hàng tháng sao cho phù hợp. Điều cần chú ý trong mỗi kỳ sinh hoạt BCH công đoàn cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu hoàn cảnh CNVC, lao động, nhắc nhở đoàn viên thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, cải tiến lề lối làm việc, xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, doanh nghiệp, chấp hành nghiêm túc kỷ luật, nội quy lao động, phát huy sáng kiến cải thiện kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, giảm chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả công việc. Nội dung sinh hoạt cần đề cập vấn đề đến các vấn đề thiết thực: quyền lợi của đoàn viên, tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT, chế độ làm thêm giờ cho người lao động, quan tâm đến các biện pháp cải thiện đời sống, đào tạo, đề bạt khen thưởng đối với CBCNNLĐ.
Để nâng cao vai trò chỉ đạo của công đoàn thì CĐCS phải phối hợp với chuyên môn xây dựng quy chế phối hợp làm việc. trong đó quy định rõ ràng những mặt, những việc của đơn vị mà công đoàn được tham gia quyết định và giám sát. Qua đó công đoàn mới kịp thời can thiệp và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trong sinh hoạt CĐCS nên tập trung những vấn đề đang nổi cộm, hướng vào người lao động, lắng nghe và thấu hiểu, tạo không khí cởi mở dân chủ trong sinh hoạt
Điều quan trọng nữa đó là người cán bộ Công đoàn phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, hiểu và nắm rõ, thuần thục các kỹ năng thuyết phục, thuyết trình, giao tiếp khéo léo, hài hòa, cương nhu đúng thời điểm, nhanh nhạy, sáng tạo và bản lĩnh dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tinh thần vì lợi ích của người lao động, tâm huyết, đam mê và có sức khỏe.
Thực tế cho thấy nơi nào có CĐCS có thủ lĩnh năng động tâm huyết, có cán bộ công đoàn tốt thì CĐCS đó rất phát triển và ngược lại hoạt động công đoàn sẽ mờ nhạt và kém hiệu quả.
Tóm lại nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS là nhiệm vụ hết sức quan trọng đòi hỏi không chỉ trách nhiệm của cán bộ công đoàn, của các cấp công đoàn mà còn là sự quan tâm từ phía Đảng và Nhà nước (về những cơ chế chính sách….) và sự phối hợp của các ngành, của xã hội.
Bài viết này xin được khép lại tại đây. Bằng những suy nghĩ hết sức chân thật của chính bản thân tôi đã từng tham gia các hoạt động công đoàn và giờ vẫn tiếp tục nguyện mình cống hiến vì tổ chức. Bài viết tuy ngổn ngang những câu chuyện chưa được trau chuốt lời văn nhưng đó là tấm chân tình của một đoàn viên công đoàn xin được gửi tới cuộc thi. Hy vọng có thể thắp lên ngọn lửa nhỏ và lan tỏa tâm huyết này tới mọi người. Tôi cũng rất mong nhận được sự góp ý bổ sung để tôi học hỏi góp thêm vào kinh nghiệm vốn có của mình để thành công hơn trong cuộc sống và công việc./.

Triệu Thị Thu Hà,

Đoàn viên Công đoàn CTCP đầu tư và xây dựng HUD3