title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Đặt quyền lợi người lao động lên hàng đầu
Thứ sáu, 12/12/2014 - 16:35
Trong ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 9 Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN (11.12), các đại biểu đã nghe Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải trình bày về Dự thảo Báo cáo kết quả công tác CĐ năm 2014, nhiệm vụ năm 2015. Điểm nổi bật trong công tác CĐ năm 2014 là các cấp CĐ luôn đặt quyền lợi NLĐ lên hàng đầu.
Hội nghị lần thứ 9 Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày 11.12.Ảnh: Xuân Trường

Trong ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 9 Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN (11.12), các đại biểu đã nghe Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải trình bày về Dự thảo Báo cáo kết quả công tác CĐ năm 2014, nhiệm vụ năm 2015. Điểm nổi bật trong công tác CĐ năm 2014 là các cấp CĐ luôn đặt quyền lợi NLĐ lên hàng đầu.

Nâng cao chất lượng TƯLĐTT

Năm 2014, với dấu mốc 85 năm thành lập CĐVN, các cấp CĐ trong cả nước tổ chức hiệu quả nhiều phong trào thi đua, hoạt động chăm lo việc làm, đời sống cho NLĐ. Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ làm việc trong các DN, Tổng LĐLĐVN đã xây dựng và cho triển khai thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT”.

Theo Dự thảo Báo cáo kết quả công tác CĐ năm 2014, nhiệm vụ năm 2015 của Tổng LĐLĐVN, việc triển khai thực hiện Chương trình về TƯLĐTT đã có những chuyển biến tích cực ở nhiều ngành, nhiều địa phương. Cả nước có 69,54% số DN ký kết được TƯLĐTT, trong đó khu vực nhà nước đạt 98,78%. Nội dung TƯLĐTT tập trung vào những cam kết thiết thực và có lợi hơn cho NLĐ như: Về tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao tay nghề, văn hóa ứng xử, bình đẳng giới…

Một điểm mạnh khác được đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN - và các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đánh giá cao, đó là hoạt động xã hội của CĐ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều cơ quan, đơn vị, DN và đông đảo đoàn viên, NLĐ, các nhà hảo tâm, góp phần chăm lo CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Trong năm 2014 có hàng trăm căn nhà “Mái ấm CĐ” được trao cho NLĐ với số tiền hàng chục tỉ đồng. Chỉ riêng đợt Tết Giáp Ngọ, các cấp CĐ đã phối hợp chăm lo cho hơn 1,5 triệu đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, CBCĐ nghỉ hưu. Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng LĐLĐVN phát động được các cấp CĐ, các DN… hưởng ứng mạnh mẽ với các hoạt động thiết thực hướng tới ngư dân và biển đảo, đóng góp được trên 87 tỉ đồng vào Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động...

Chấn chỉnh vi phạm hành chính

Trong các nội dung được đưa ra tại hội nghị, nội dung tờ trình về việc Tổng LĐLĐVN tham gia xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CĐ do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trình bày được các đại biểu đặt nhiều kỳ vọng. Theo tờ trình, mức phạt tiền được nâng lên cao gấp 5 lần so với quy định tại Nghị định 95/2013 với mức thấp nhất là 5 triệu đồng, mức cao nhất là 75 triệu đồng. Đây sẽ là “cây gậy” để chấn chỉnh vi phạm hành chính trong lĩnh vực CĐ.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính, đại đa số các ý kiến đều đồng tình với việc phải nâng cao mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực CĐ. Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng: Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật CĐ năm 2012 quy định: CĐVN là tổ chức chính trị - xã hội của GCCN và của NLĐ, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho NLĐ. Đối với cơ quan, tổ chức, DN chưa thành lập CĐCS thì CĐ cấp trên cơ sở có quyền, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ khi được NLĐ ở đó yêu cầu. Việc chấn chỉnh vi phạm hành chính trong lĩnh vực CĐ là nhằm đảm bảo cho hoạt động chính đáng của tổ chức CĐ, qua đó thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ.

Sau khi lắng nghe và tiếp thu ý kiến của một số đại biểu, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng: Cơ bản các đại biểu thống nhất với các dự thảo, tờ trình đưa ra ở hội nghị. Trong các kiến nghị của đoàn viên, NLĐ và tổ chức CĐ với Thủ tướng Chính phủ, cần sàng lọc những vấn đề lớn mà giữa CĐ với các bộ, ngành, địa phương chưa giải quyết được. Việc rà soát quy hoạch Chủ tịch, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cần tiếp tục thực hiện, vì một số đồng chí sắp hết tuổi làm việc theo quy định của Nhà nước. Đa số các đồng chí cũng thấy cần có nghị quyết mới về nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị, DN. Tổng LĐLĐVN vừa ký quy chế phối hợp công tác với Bộ Tài chính; trong năm tới Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng sẽ xây dựng quy chế phối hợp với TAND Tối cao trong thực hiện quyền khởi kiện DN nợ BHXH theo quy định của Luật BHXH sửa đổi gắn với xử phạt vi phạm thu nộp kinh phí CĐ và vi phạm về ATVSLĐ. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN giao Ban soạn thảo phối hợp với các ban chuyên môn chọn lọc, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để sớm bổ sung, hoàn thiện các dự thảo nói trên để Thường trực Đoàn Chủ tịch trình BCH Tổng LĐLĐVN.

Xuân Trường

Theo: Báo Lao động điện tử