Tướng Phạm Kiệt là người góp phần giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết đoán chuyển phương án tác chiến sang "đánh chắc, tiến chắc".
Theo Dân trí, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp áp dụng phương châm 'đánh nhanh, thắng nhanh' với kế hoạch chuẩn bị lực lượng tinh nhuệ cho cuộc chiến tiêu diệt đế quốc Pháp. Lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho tướng Phạm Kiệt giữ vai trò làm đặc phái viên của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, phụ trách công tác bảo vệ mặt trận. Trong thời gian chuẩn bị, lực lượng quân đội ta thực hiện 1 quyết định được cho là 'khó hiểu': Kéo pháo ra, rồi lại kéo pháo vào trận địa liên tục. Nhắc đến câu chuyện kéo pháo ngày ấy, ai cũng nghĩ đến tướng Phạm Kiệt.
Trung tướng Phạm Kiệt
Trung tướng Phạm Kiệt Trích lược từ cuốn sách 'Những vị tướng Núi Ấn Sông Trà' của NXB Quân đội năm 2010, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: 'Anh Kiệt là người duy nhất lúc đó đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh! Chỉ có Kiệt mới dám nói như thế'. Từ ý kiến của Trung tướng Phạm Kiệt, cùng với tin tức trinh sát từ nhiều mặt gửi về, tướng Giáp đã đề xuất với Đảng ủy chuyển sang kế hoạch mới 'đánh chắc, tiến chắc'. Sự thay đổi phương châm tác chiến tạo ấn tượng sâu sắc đối với lực lượng tham gia chiến dịch. Cũng chính thay đổi này, tướng Phạm Kiệt bố trí Đại đội 351 thực hiện kế hoạch nghi binh kéo pháo ra, vào trận địa nhiều lần. Khi phát lệnh nổ súng, quân đội ta đánh ập vào, quân Pháp lúc đó mới ngỡ ngàng với hệ thống giao thông hào luồn sâu vào lòng địch.
Giữa tháng 5/1954, Bác Hồ tặng tướng Phạm Kiệt chiếc đài radio mà tướng Đờ-cát-xtri dùng suốt chiến dịch Điện Biên Phủ và nói: 'Bác tặng lại chú vì đã có công đặc biệt xuất sắc góp phần thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ'. Hiện nay, chiếc đài này được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại Hà Nội. Ý kiến đề xuất của Trung tướng Phạm Kiệt thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm nên chiến thắng lịch sử, vang vọng năm châu. Chiến thắng này được Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc bấy giờ ví von: 'Như 1 Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở TK 20 và đi vào lịch sử thế giới như 1 chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc'.
Nguồn: tinngan.vn