title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong hội nhập quốc tế
Thứ hai, 09/12/2013 - 14:30
Trong thời gian qua nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, vì vậy chúng ta luôn cần một lượng cung lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng hệ thống đào tạo nghề lại chưa đáp ứng kịp.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong hội nhập quốc tế

 

Trong thời gian qua nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, vì vậy chúng ta luôn cần một lượng cung lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng hệ thống đào tạo nghề lại chưa đáp ứng kịp. Hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực để đổi mới, song vẫn còn nhiều bất cập như: Đầu tư trang - thiết bị cho dạy nghề còn thấp, chậm đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu DN, kiến thức và kỹ năng của đội ngũ giáo viên chưa phát triển kịp với quá trình đổi mới công nghệ trong DN, đặc biệt là chưa hình thành hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, trong giai đoạn này việc đổi mới hệ thống dạy nghề Việt Nam trong những năm tới là hết sức cần thiết nhằm tạo nên những đột phá về chất lượng đào tạo, để đáp ứng được yêu cầu phát triển của DN, góp phần vào việc thu hút đầu tư nước ngoài và tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Với thực trạng hệ thống đào tạo nghề hiện nay, để nâng cao chất lượng theo hướng hội nhập quốc tế, việc đổi mới phải thực hiện đồng bộ các khâu cơ bản sau đây:

Thứ nhất: Đổi mới chương trình đào tạo đóng vai trò quan trọng làm “tiền đề” và là cơ sở để hình thành chuẩn về kiến thức và kỹ năng đầu ra của sinh viên. Do đó, khi xây dựng chương trình dựa vào các yếu tố như sau: Một là, các khung bằng cấp quốc tế như: UNESCO-ISCED 2011, EQF (European Qualifications Framework) của Châu Âu, IHK của Đức, City & Guilds của Anh Quốc; Hai là, dựa vào yêu cầu kiến thức và kỹ năng của DN trong nước và FDI; Ba là, dựa vào khung kỹ năng nghề quốc gia (VNOSS); Bốn là, dựa vào trình độ đầu vào của sinh viên. Chương trình sau khi xây dựng xong, phải được các tổ chức kiểm định quốc tế như IHK, City & Guild… kiểm định.

Thứ hai: Về đội ngũ giáo viên đóng vai trò “cốt lõi” để chuyển hóa các kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình đào tạo thành kiến thức và kỹ năng cho sinh viên. Cho nên, giáo viên cần phải có các tiêu chí sau: Có kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghề, nắm vững các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế liên quan đến lĩnh vực nghề, thành thạo phương pháp sư phạm quốc tế “Lấy người học làm trung tâm”, để tích cực hóa người học, có ngoại ngữ chuyên ngành và phải có kinh nghiệm làm việc trong môi trường công nghiệp.

Thứ ba: Thiết bị đóng vai trò “nền tảng” là yếu tố cần thiết để đảm bảo đào tạo cho sinh viên luyện tập để hình thành kỹ năng từ cơ bản đến chuyên sâu, nhằm đáp ứng các mức độ yêu cầu của DN. Vì vậy, thiết bị phải được đầu tư đồng bộ theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Tuy nhiên, trong thực tiễn cơ sở đào tạo không thể đầu tư đủ thiết bị do không có đủ kinh phí, cho nên cơ sở đào tạo phải kết hợp với DN để thực hiện đào tạo theo mô hình đào tạo kép (dual system) của Đức hay mô hình thực tập DN (work placement) của nhiều nước phát triển.

Thứ tư: Hệ thống đảm bảo chất lượng và tổ chức đánh giá kết quả học tập, đây là yếu tố hết sức quan trọng, vì hệ thống này vừa quy định các yếu tố đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn của tổ chức kiểm định quốc tế. Mặt khác, để đánh giá đúng chất lượng học tập và để sinh viên khi tốt nghiệp có kiến thức và kỹ năng đúng như bằng cấp đạt được. Do vậy, trong quá trình học tập mỗi sinh viên phải có một hồ sơ học tập (Portfolio), hồ sơ học tập này thể hiện các kỹ năng thực hành mà sinh viên đã đạt được do bộ phận đánh giá kết quả học tập (Assessor) đánh giá và công nhận. Theo thông lệ quốc tế phương pháp đánh giá kỹ năng này vừa toàn diện, vừa phản ánh đúng những gì mà sinh viên đạt được tong suốt quá trình học. Sau kết thúc toàn bộ chương trình học, bộ phận kiểm soát chất lượng nội bộ (IV - Internal verifier) sẽ đánh giá và công nhận sinh viên đã hoàn thành phần thực hành đảm bảo đạt kỹ năng theo yêu cầu và sẽ được dự thi tốt nghiệp phần lý thuyết.

Để nhận được văn bằng tốt nghiệp, sinh viên phải trải qua một kỳ thi về lý thuyết theo hình thức trắc nghiệm, đề thi được lấy từ ngân hàng đề thi (Theory Item bank). Với cách thi này sẽ đánh giá một cách toàn diện kết quả học tập của sinh viên, vừa đảm bảo tính khách quan, vừa tạo thuận lợi cho cơ quan kiểm định chất lượng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, thẩm định và đặc biệt là tránh được hiện tượng tập trung ôn tập vào một số bài thực hành để thi tốt nghiệp. Vì thế, sẽ hình thành được một đội ngũ kỹ thuật viên, công nhân có kiến thức và năng lực thực hành toàn diện, đúng như mục tiêu của chương trình đào tạo đã đề ra.

Với phương thức đổi mới đồng bộ như trên hệ thống đào tạo nghề Việt Nam sẽ nhanh chóng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội và sẽ góp phần thực hiện thắng lợi về “Chiến lược đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo” mà nghị quyết Trung ương lần thứ 8 vừa đề ra.v

NGƯT-TS Lê Văn Hiền
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề LILAMA2

(Theo: baoxaydung.com.vn)