title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Đề xuất 3 mô hình chăm sóc người cao tuổi
Thứ hai, 25/11/2013 - 14:39
Theo Bộ Xây dựng, việc đề xuất dự thảo “Đề án thí điểm xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa” nhằm rút kinh nghiệm, chuẩn hoá các mô hình chăm sóc người cao tuổi (NCT) trước khi triển khai nhân rộng là rất cần thiết để phát triển mạng lưới an sinh xã hội cho NCT.

Theo Bộ Xây dựng, việc đề xuất dự thảo “Đề án thí điểm xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa” nhằm rút kinh nghiệm, chuẩn hoá các mô hình chăm sóc người cao tuổi (NCT) trước khi triển khai nhân rộng là rất cần thiết để phát triển mạng lưới an sinh xã hội cho NCT.

Nhiều NCT sống cô đơn, không nơi nương tựa

Hiện nay, NCT sống cô đơn, sống độc lập với con cái, hoặc sống trong gia đình khuyết thế hệ có xu hướng ngày càng gia tăng; khả năng độc lập về kinh tế, thu nhập của NCT có xu hướng tăng lên nhưng lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ vì phần lớn họ sống ở vùng nông thôn; nhiều NCT không có lương hưu, bảo hiểm hưu trí.

Số liệu thống kê năm 2013, hiện số NCT cô đơn không nơi nương tựa cả nước khoảng 100 nghìn người, chiếm khoảng 1,15% tổng số người cao tuổi nhưng số người đã được tiếp nhận vào sống trong các cơ sở Bảo trợ xã hội (BTXH) mới chỉ đạt khoảng 3.500 người (chiếm 6,4%) và được hưởng trợ cấp hàng tháng quy định tại Nghị định số 06/2011/NĐ-CP của Chính phủ có mức trợ cấp thấp nhất theo hệ số 1 là 180 nghìn đ/người/tháng, cao nhất theo hệ số 2 là 360 nghìn đ/người/tháng.

Về các trung tâm BTXH, cả nước có khoảng 432 cơ sở nhưng chỉ khoảng 180 cơ sở có chăm sóc NCT (trong đó có 79 cơ sở công lập). Phần lớn các cơ sở này hiện nay đều đang nhận nuôi dưỡng người tàn tật, trẻ mồ côi, bị bỏ rơi; chỉ có khoảng 15 cơ sở chăm sóc dành riêng cho NCT. Các cơ sở BTXH ngoài công lập chủ yếu do các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng tại địa phương thành lập, số lượng cơ sở tư nhân thành lập để tiếp nhận, nuôi dưỡng NCT hiện chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 3,5% số cơ sở có chăm sóc người cao tuổi).

Các cơ sở này chỉ mới chăm lo được khía cạnh về đời sống, còn các hoạt động văn hóa, tinh thần và quan trọng nhất là việc chăm sóc sức khỏe cho NCT thì gần như chưa có. Nhân sự được đào tạo để đáp ứng cho các nhu cầu chăm sóc NCT, đặc biệt là chăm sóc lâu dài còn thiếu và mỏng.

Đề xuất 3 mô hình chăm sóc

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt “Đề án thí điểm xây dựng cơ sở chăm sóc NCT cô đơn không nơi nương tựa”. Theo đó, có 3 mô hình chăm sóc được đề xuất.

Một là, mô hình cơ sở chăm sóc NCT công lập dành cho NCT cô đơn không nơi nương tựa thuộc diện chính sách, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mất khả năng tự chăm sóc do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động.

Hai là, mô hình cơ sở chăm sóc NCT ngoài công lập dành cho NCT cô đơn không nơi nương tựa có điều kiện kinh tế, có nhu cầu được trông nom, giúp đỡ trong sinh hoạt và khám chữa bệnh, tự nguyện đóng góp các khoản phí để được hưởng các dịch vụ chăm sóc thường xuyên. Loại hình cơ sở này cũng đón nhận NCT cô đơn không nơi nương tựa thuộc diện chính sách, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mất khả năng tự mình chăm sóc được Nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân nhận nuôi dưỡng và chi trả các khoản phí theo dịch vụ chăm sóc. Mô hình này do tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và được hưởng các chính sách ưu đãi về đất, vốn cũng như các loại thuế…

Mô hình thứ ba là mô hình nhà chăm sóc NCT tại cộng đồng. Theo đó, NCT cô đơn không nơi nương tựa tự nguyện tìm đến với nhau để cùng chung sống, sinh hoạt hoặc do các tổ chức, cá nhân vận động để thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung gắn với cộng đồng. Mô hình này được thành lập và hoạt động theo hình thức tự quản có sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước (có chính sách hỗ trợ kinh phí, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới, sửa chữa cải tạo nhà ở, các hạng mục công trình phục vụ cho sinh hoạt nếu có yêu cầu và vận hành nhà chăm sóc theo nhóm tại cộng đồng).

Bộ Xây dựng dự kiến đề xuất thí điểm xây dựng cơ sở chăm sóc tại 10 tỉnh đại diện cho từng khu vực, có số lượng NCT cô đơn không nơi nương tựa có nhu cầu chăm sóc lớn là Cao Bằng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Lâm Đồng, Kon Tum, Trà Vinh, Đồng Tháp (mỗi tỉnh chọn 1 cơ sở với quy mô chăm sóc khoảng 50 người do địa phương lựa chọn). Trong đó, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở chăm sóc bao gồm các hạng mục công trình: Khu ở; nhà ăn và bếp; khu khám, chữa bệnh; khu sinh hoạt văn hóa; nhà làm việc; nhà tang lễ (nơi khâm liệm); các hạng mục phụ trợ (sân, cổng, tường rào, nhà bảo vệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật), với tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ đ/1 cơ sở (gồm vốn đầu tư xây lắp các hạng mục công trình khoảng 10 tỷ đồng; vốn đầu tư trang thiết bị làm việc, phòng ở, khu khám chữa bệnh và trang thiết bị phục vụ khác khoảng 2 tỷ đồng), lấy từ nguồn vốn ngân sách và kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân khác. Dự kiến, kế hoạch triển khai thực hiện đề án bắt đầu từ quý I/2014; tập trung triển khai và hoàn thành việc thí điểm đầu tư xây dựng các cơ sở chăm sóc NCT, bố trí và đưa vào sử dụng trước quý III/2015, đồng thời tổng kết việc thực hiện thí điểm đề án để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình trên cả nước.

Linh Anh