title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
COMA2 chế tạo và lắp đặt kết cấu thép phần mái- Dự án Nhà Quốc hội
Thứ sáu, 27/09/2013 - 15:15
Gặp Giám đốc COMA 2 Lương Văn Lực tại “đại bản doanh” trên đất Bắc Giang, trái với sự sôi nổi vốn có của dân công trường tôi từng quen biết, vị giám đốc hôm nay trầm tĩnh, suy tư hơn hẳn. Hỏi chuyện mới biết, các anh đang vào đường găng tiến độ thi công mái Nhà Quốc hội với những trọng trách và áp lực đè nặng lên vai quân tướng COMA 2, đơn vị chủ lực, những người Anh hùng Lao động nổi danh của COMA.

 Gặp Giám đốc COMA 2 Lương Văn Lực tại “đại bản doanh” trên đất Bắc Giang, trái với sự sôi nổi vốn có của dân công trường tôi từng quen biết, vị giám đốc hôm nay trầm tĩnh, suy tư hơn hẳn.

 

Hỏi chuyện mới biết, các anh đang vào đường găng tiến độ thi công mái Nhà Quốc hội với những trọng trách và áp lực đè nặng lên vai quân tướng COMA 2, đơn vị chủ lực, những người Anh hùng Lao động nổi danh của COMA.

 

 

Uy tín và thương hiệu

 

Tôi vẫn nghĩ, không thể là ai khác hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chế tạo và lắp đặt phần mái thép của những công trình trọng điểm lớn, yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và an toàn cao mà cả nước đang dõi theo như công trình Nhà Quốc hội giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Điều đó không phải nghi ngờ vì cái thương hiệu COMA đã “đóng đinh” trên những công trình đình đám trong 10 năm trở lại đây, đã và đang hiện hữu tô điểm thêm những phong cách kiến trúc độc đáo cho Hà Nội năng động và hiện đại: Trung tâm Hội nghị Quốc gia; Bảo tàng Hà Nội; Cung thi đấu thể thao…

 

Ở công trình Dự án Nhà Quốc hội, người COMA đã khép lại thành tích vẻ vang quý I/2012 về thi công hạng mục siêu cột thép theo sự phân công của Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam. Đây là thành công của việc khai thác ngoại lực, mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, chuyển giao công nghệ trên quan điểm cân bằng lợi ích giữa các bên. Việc thi công 8 siêu cột có kết cấu đặc biệt, dạng tổ hợp cao 15m, thiết diện 3,8x2,2 m, nặng 78 tấn là một nhiệm vụ phức tạp, lạ và hiếm gặp tại các công trình Việt Nam. Để hoàn thành nhiệm vụ này, TCty COMA đã đề xuất giải pháp sử dụng cẩu 1.250 tấn (cẩu có sức nâng lớn nhất từng được sử dụng trong công trình dân dụng ở Việt Nam). Mặc dù chi phí cho việc di chuyển thiết bị đặc biệt này không nhỏ nhưng so với hiệu quả của việc sử dụng cẩu mang lại: bảo đảm tiến độ thi công, bảo đảm an toàn và chất lượng công trình… thì đây thực sự là bài toán kinh tế nổi trội.

 

 

 

 

 

 

Nối tiếp thành công đó, những tháng cuối năm này, COMA tiếp tục gánh trọng trách chế tạo và lắp đặt mái phòng họp chính, giai đoạn 1 có khối lượng gần 400 tấn thép. Trước đó, theo dự kế hoạch, việc gia công cơ khí mái phòng họp chính chỉ có 45 ngày và thực hiện trong tháng 7/2012. Nhưng do thiết bị thép nhập về chậm, đường găng tiến độ kéo sang quý III và IV /2012. Dự kiến, vào trung tuần tháng 9, COMA mới hoàn thành gia công kết cấu thép khung mái công trình Nhà Quốc hội tại xưởng. Việc lắp đặt phụ thuộc vào tiến độ thi công bê tông cốt thép thân và vách phòng họp chính do nhà thầu khác đảm nhiệm. Sau khi được bàn giao mặt bằng, COMA mới đủ điều kiện tiến hành lắp đặt hệ mái. Công việc kéo dài đến hết năm 2012 và sang đầu năm 2013. Tuy nhiên vào hiện tại, TCty COMA cũng đã chủ động chuẩn bị lập biện pháp thi công…

 

 

Hối hả trên đường găng

 

Một ngày trung tuần tháng 8/2012, chúng tôi “mục sở thị” đại bản doanh của COMA 2 tại Bắc Giang. Nhìn vẻ yên ả bên ngoài cánh cổng Cty, nơi có cây si cổ thụ 09 gốc vẫn bình lặng tỏa bóng rợp mát khoảng sân nhà điều hành, khó hình dung đi sâu vào trong chỉ vài chục mét, nơi 2 dãy nhà xưởng rộng tới ngàn mét vuông đang ồn ào tiếng khoan, tiếng búa… Ánh lửa hàn xoèn xoẹt vãi như hoa cải chớp lóe khắp gian xưởng tạo thành những hình ảnh sinh động và đẹp mắt. Một không khí lao động khẩn trương, hối hả như chẳng màng tới không gian, thời gian và cuộc sống ngoài kia.

 

 

Tìm hiểu được biết, với khối lượng khoảng 900 tấn và giá trị hợp đồng trên chục tỷ đồng với DN có doanh thu gần 100 tỷ mỗi năm thì không phải là con số đáng lưu ý. Nhưng chính sứ mệnh chính trị của DN được Tập đoàn tin tưởng giao phó mà dường như trọng trách nặng nề hơn bao giờ hết. Dù rất tự tin vào nhân lực, trang thiết bị và kinh nghiệm thi công nhưng bản thân Giám đốc Lương Văn Lực tỏ ra khá thận trọng khi từ chối đánh giá về công việc hiện thời. Anh bộc bạch: “Còn quá sớm để tự đánh giá mà phải chờ đến khi lắp đặt hoàn chỉnh, bảo đảm an toàn và chất lượng mới dám tin là trận đánh đã thắng lợi”.

 

Để tập trung cho chiến dịch này, COMA 2 đã tạm dừng phần lớn các hợp đồng kinh tế khác, dồn quân tinh nhuệ với trên 100 lao động trong đó có khoảng 40 thợ hàn bậc cao tập trung làm 3 ca liên tục. Mục tiêu trước mắt sẽ tổ hợp hoàn chỉnh thiết bị phần mái chính tại công trường, bảo đảm tiến độ lắp đặt mái chính thức vào ngày 12/9. Với 02 phần mái, tổng thời gian thi công của COMA trên công trình Nhà Quốc hội khoảng 7 tháng, chia làm 02 giai đoạn với các phần việc: tổ hợp kết cấu thép, hàn hoàn chỉnh và sơn.

 

 

 

Chia sẻ về phần việc, đội trưởng Nguyễn Duy Ngọc, thợ bậc 7/7 cho biết kết cấu thép mái Nhà Quốc hội không quá khó nhưng có đặc thù là hình thù phức tạp, kích thước lớn, nhiều mối hàn đòi hỏi kỹ thuật cao, dung sai tương đối khắt khe. Anh Ngọc đánh giá, phần khó nhất của công tác tổ hợp và lắp dựng sẽ tập trung ở 2 chi tiết: vòng trung tâm khối lượng 20 tấn là điểm giao cuối cùng của 32 vì kèo. Nếu không quyết tâm cao và có phương án triển khai chặt chẽ thì với khối lượng công việc này thời gian triển khai có thể tăng gấp rưỡi so với tiến độ đặt ra hiện nay.

 

 

Sản phẩm kết tinh từ những bàn tay vàng

 

Trở lại với suy nghĩ ban đầu khi tôi khẳng định khó có đơn vị nào hoàn thành tốt hơn COMA 2 nhiệm vụ chế tạo và lắp đặt phần mái Nhà Quốc hội này bởi lẽ trong lĩnh vực cơ khí họ thực sự là những người lính thiện chiến. Kỹ sư Lương Văn Lực cho biết: “Ngay từ khi tham gia bóc tách bản vẽ, dân kỹ thuật chúng tôi đã hình dung được phải làm như thế nào, kiểm tra, quản lý ra làm sao…? Và khi ký hợp đồng rồi thì chỉ còn là làm các phép tính chứ không còn là lo cách giải bài toán nữa. Tất cả đều phụ thuộc vào việc mình chủ động được nhân lực ra sao, chuẩn bị năng lực thiết bị như thế nào.”

 

Với yêu cầu 100% các mối hàn đều phải siêu âm kiểm tra, không cho phép sai số nhỏ, COMA 2 đã tập trung vào phần việc cho Dự án Nhà Quốc hội khoảng 40 thợ hàn 6G. Đó là một khối tài sản khó tính đếm. Thử hình dung để có được một thợ hàn 6G phải mất khoảng 5 - 6 năm và nếu tính riêng kinh phí cho đào tạo có thể lên đến hàng 100 triệu mà chưa chắc đã được một thợ hàn lành nghề. Nhưng COMA 2 nói riêng và COMA nói chung đang tự hào sở hữu “mỏ vàng” vô giá là những thợ hàn cựu phách, chuyên nghiệp và dày dạn kinh nghiệm đã được nhiều tổ chức công nhận và đủ trình độ thi công những công trình đòi hỏi kỹ thuật cao nhất. Nói thì đơn giản, nhưng cái cách giải bài toán nhân lực này của COMA cũng thật độc đáo, đáng để nhân rộng trong nhiều DN, đặc biệt là lĩnh vực chuyên sâu cao như ngành cơ khí. Người COMA không trông chờ “mỏ vàng” lộ thiên mà biết lượng sức mình “đãi cát tìm vàng”. Ban đầu là tiếp nhận những thợ hàn bậc 3/7 từ các trường nghề, trẻ trung, chăm chỉ nhưng non tay, thiếu kinh nghiệm. Cty tự tổ chức đào tạo lại từ đầu từ những kiến thức lý thuyết cơ bản nhất. Và cái “chất bột” để “gột nên hồ” chính là sự mạnh tay chi cho công tác thực hành, chấp nhận cho mỗi thợ “đốt” tiền theo số lượng que hàn trong vòng từ 1 - 2 tháng, tương đương với số que hàn 01 học sinh trường nghề thực hành trong 3 năm trên ghế nhà trường. Nhưng kết quả thực sự chỉ được công nhận khi có sự kiểm tra, đánh giá và cấp chứng chỉ của các cơ quan chức năng thứ 3 là những tổ chức đủ năng lực đánh giá bảo đảm chất lượng thợ hàn cho các công trình tiêu chuẩn quốc tế. Đấy là lý do mà COMA 2 chưa bao giờ thất bại khi đã nhận hợp đồng thi công chế tạo và lắp đặt bấy lâu. Và đấy cũng là cơ sở để tin tưởng, chờ đợi thành công phía trước của thợ COMA ghi danh trên công trình Nhà Quốc hội hôm nay.

 


Theo: coma2.vn