title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Ký ức Nà Lơi
Thứ sáu, 18/05/2012 - 12:21
Ngày mùng 7 tháng 5 năm 2012 này, Nà Lơi vừa tròn 10 năm vận hành lên lưới điện quốc gia, với 3 tổ máy công suất 10MW hàng năm cung cấp 47 triệu KW/h, chủ yếu phục vụ cho phát triển công nghiệp và dân sinh của thành phố Điện Biên
Nà Lơi - tên địa danh của một xã nghèo, dân cư thưa thớt nằm ở phía Tây cách trung tâm thành phố Điện Biên chừng 7km. Trước những năm 2000, nơi đây còn là vùng rừng rậm, núi đồi, đường giao thông chưa mở rộng, đâu đó vẫn còn dấu vết của những đoạn hào giao thông, những ụ pháo cao xạ 105 của bộ đội đặt trên địa bàn này để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào cứ điểm Mường Thanh, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ hồi tháng 3 năm 1954.

Cũng vào thời điểm trước những năm 2000, khi các lực lượng xây dựng của TCT Sông Đà vừa hoàn thành xây dựng thắng lợi các dự án thủy điện trọng điểm lớn của đất nước như: Hòa Bình, Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Yaly, vv… cũng là thời kỳ đất nước đổi mới cơ chế SXKD.

8aba6ead0_na_loi.jpg

Sau gần 40 năm xây dựng và phát triển, Sông Đà đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có đội ngũ khoa học kỹ thuật tiên tiến cùng với hàng vạn công nhân lành nghề, theo đó là hàng loạt máy móc, thiết bị, xe máy hiện đại được đầu tư trang bị… Nhờ vậy mà Nhà nước đã tin tưởng giao phó cho TCT Sông Đà làm nhà tổng thầu theo mô hình EPC thí điểm đầu tiên tại các dự án thủy điện Sê San 3 (Tây Nguyên) và thủy điện Tuyên Quang. Sự kiện vinh quang này như đã truyền thêm lửa cho người Sông Đà phát huy nội lực và tinh thần tự chủ để đột phá thêm vào lĩnh vực đầu tư bất động sản, xi măng, thép, nhất là các dự án thủy điện vừa và nhỏ theo mô hình B.O.O.

Với một doanh nghiệp lớn gần 40 năm chuyên xây dựng thủy điện, nay lại có đầy đủ phương tiện, xe máy thi công, có đội ngũ tư vấn thiết kế và đội quân hùng hậu, tinh nhuệ, lãnh đạo TCT quyết định đi tìm dự án đầu tư xây dựng, tự quản lý vận hành kinh doanh các nhà máy thủy điện, trong đó Nà Lơi là nhà máy đầu tiên được khởi xướng, tiếp sau là Cần Đơn, Nậm Mu, Iagrai, Nậm Ngần, Sê San 3A, Nậm Chiến, Ea Krong Rou …

Những người đi mở đất trong thời kỳ khó khăn, gian khổ ấy bây giờ đã vào tuổi “xế chiều” cả rồi, có chăng chỉ còn đọng lại mãi mãi một ký ức khó quên đó là việc đi tìm kiếm và xây dựng một nhà máy trong lòng thành phố Điện Biên hôm nay. Kỹ sư Nguyễn Phụ Du khi ấy là Giám đốc Công ty tư vấn Sông Đà-Ucrin kể lại: vào cuối mùa đông năm 1999 ông cùng nhóm tư vấn khảo sát, thiết kế, lên Điện Biên tìm lại địa điểm, vị trí của người tiền nhiệm đã khảo sát trước đó để xác định lại trữ lượng, tiềm năng nguồn nước và các điều kiện khác. Sau nhiều ngày luồn rừng, lội suối men theo dòng Nậm Rốm để nghiên cứu lập dự án tiền khả thi, nhóm tư vấn của Sông Đà-Ucrin đã thuyết phục được cấp lãnh đạo TCT và ngay sau dịp tết đầu năm 2000 thì đoàn cán bộ cấp cao của TCT lên Nà Lơi để thẩm định dự án và cho phép tiến hành làm các thủ tục xây dựng nhà máy. Sau đêm liên hoan mừng thành công bước đầu của việc tìm ra địa điểm đầu tư tại một lán tranh trong rừng, đoàn cán bộ TCT rời Điện Biên từ sớm hôm sau.

Trời Tây Bắc chưa qua hết mùa đông, trời mưa phùn, sương mù giăng tỏa, đường quốc lộ 6 thời ấy chưa được tu tạo, sửa sang, chiếc ô tô lăn bánh một cách mệt nhọc để vượt qua đèo Mường Ảng nhưng khi đổ dốc Tằng Quái thì không ai kịp kêu cứu tiếng nào, xe trượt bánh lăn lộn theo sườn dốc xuống vực! Vực sâu, dốc đứng, trời mưa mù, đường vắng không người qua lại, trên xe chở 5 người: Ông Nguyễn Khắc Kiên - Bí thư Đảng bộ kiêm Chủ tịch HĐQT TCTy, ông Lê Văn Kính - Tổng giám đốc Công ty Sông Đà 7, đơn vị được lựa chọn làm thầu xây dựng chính, ông Nguyễn Kế - Chuyên viên cao cấp, ông Nguyễn Phụ Du - Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế Sông Đà-Ucrin và lái xe. Vụ tai nạn đã làm tất cả mọi người trên xe bị gẫy mấy xương sườn, xương bả, mặt mày bầm tím, chân, tay, ngực đều bị trầy xước. Nhưng lúc đó không ai thiệt mạng, mãi ít tháng sau ông Kế mới qua đời. Tai nạn khủng khiếp xảy đến với những thủ lĩnh đi tìm dự án thủy điện đầu tiên ở Điện Biên tưởng chừng sẽ chững lại, nhưng chỉ ít tuần sau, khi đã dần bình phục, Giám đốc Nguyễn Phụ Du tiếp tục mọi công việc thúc đẩy cho công trình sớm khởi công.

Theo các nhà tư vấn thiết kế thì Na Lơi có nhiều thuận lợi về nguồn nước vốn có từ sông Nậm Rốm, thượng lưu là hồ chứa lớn Pa Khoang hỗ trợ cho mùa khô, tuyến năng lượng, tuyến đầu mối và địa điểm đặt máy đều ít chiếm dụng đất nông nghiệp, không gây thiệt hại về rừng do đó đã giúp cho nhà đầu tư giảm nhiều chi phí. Một ý nghĩa lớn khác đối với Điện Biên là thành phố mới chia tách, công nghiệp chưa phát triển, nguồn điện năng lại càng eo hẹp thiếu thốn, để đón mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Điện Biên, những người thợ Sông Đà mong muốn có món quà kính dâng ngày đại lễ (1954-2004).

Một chi tiết trùng hợp không hẹn mà gặp, đó là nơi xây dựng nhà máy cũng là những vị trí đặt các hầm pháo cao xạ 105 li bắn những loạt đạn đầu tiên vào cứ điểm Mường Thanh, mở đầu cho cuộc tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Nà Lơi cho hay: Được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của lãnh đạo và nhân dân Điện Biên, sự quyết tâm đầu tư của TCT Sông Đà cho dự án, các lực lượng xây dưng Sông Đà đã lao động sáng tạo gần 700 ngày đêm, vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ để thực hiện hoàn thành đưa nhà máy vào vận hành trước năm 2004 nguồn điện từ Thủy điệnu Nà Lơi đã tỏa sáng phục vụ dịp Đại lễ 50 năm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ngày mùng 7 tháng 5 năm 2012 này, Nà Lơi vừa tròn 10 năm vận hành lên lưới điện quốc gia, với 3 tổ máy công suất 10MW hàng năm cung cấp 47 triệu KW/h, chủ yếu phục vụ cho phát triển công nghiệp và dân sinh của thành phố Điện Biên và các vùng phụ cận, nộp ngân sách gần 50 tỷ đồng. Mấy năm gần đây khi mở rộng thành phố Điện Biên, Nà Lơi đã trực thuộc nội đô và được xem là ngành công nghiệp con cưng của Tỉnh.

Thủy điện Nà Lơi, một nhà máy đạt điểm cao về hiệu quả kinh tế, chính trị xã hội, trong suốt 10 năm vận hành đều đạt và vượt định mức thiết kế. Đội ngũ cán bộ quản lý – kỹ sư và công nhân vận hành nâng cao trình độ chuyên môn tự sửa chữa, bảo dưỡng máy móc giảm thiểu tối đa tiền của và công sức. Kỷ niệm 10 năm ngày vận hành thành công Thủy điện Nà Lơi và kỷ niệm 58 năm ngày Chiến thắng ĐBP, không chỉ CB – CN của nhà máy mà hầu hết những gì Sông Đà sẽ mãi mãi nhớ đến công sức, trí tuệ và cả máu đổ của những người tiền nhiệm đã tìm ra và gây dựng nên 1 Nà Lơi hôm nay.

Nguyễn Tất Lộc ( Tập đoàn Sông Đà)