title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Đại hội Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ II
Thứ hai, 13/03/2023 - 13:34
Đại hội đại biểu Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12 đến ngày 14/3/1964
Sau 3 năm hoạt động kể từ Đại hội lần thứ I, Công đoàn Kiến trúc Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đóng góp vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Trong lúc nhân dân miền Bắc đang thắt lưng buộc bụng để xây dựng CNXH thì ở miền Nam, các lực lượng chính trị đã liên tiếp tổ chức các cuộc biểu tình, bãi công lớn tại các đô thị, thành phố...
Đại hội đại biểu Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 12 đến ngày 14/3/1964, đúng lúc nhân dân miền Nam vừa giành được những chiến thắng vang dội chống giặc Mỹ xâm lược và trong khí thế tưng bừng phấn khởi của miền Bắc sắp kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đây là Đại hội tổng kết phong trào công nhân, công đoàn ngành Kiến trúc trong những năm đầu xây dựng và kiến thiết miền Bắc XHCN.
Trong 3 ngày diễn ra Đại hội, với ý thức trách nhiệm cao, các đại biểu đã thảo luận báo cáo tổng kết của Ban Chấp hành nhiệm kỳ I, thảo luận đề án công tác công đoàn trong nhiệm kỳ II; đồng thời lắng nghe các thông báo mới về tình hình chiến sự và các diễn biến chính trị tại miền Nam trong tư thế sẵn sàng đón nhận các nhiệm vụ mới. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành khoá II gồm 15 ủy viên. Đồng chí Vũ Ngọc Quỳnh, ủy viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam, được bầu làm Thư ký, đồng chí Nguyễn Khắc Nhị được bầu làm Phó Thư ký.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ II đề ra, các phong trào thi đua tiếp tục được phát động nhằm vào các nội dung cơ bản sau đây:
(1) Tổ chức phong trào thi đua, đẩy mạnh sản xuất, thi công. Thực hiện tiết kiệm, phấn đấu đạt và vượt định mức lao động, xây dựng và phát triển phong trào thi đua tiên tiến do Tổng Công đoàn Việt Nam phát động, góp phần tích cực vào việc hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước giao cho từng đơn vị và toàn Ngành.
(2) Tiếp tục phát huy dân chủ, tham gia quản lý sản xuất kinh doanh, các đơn vị tổ chức đại hội CNVC ở cơ sở để bàn biện pháp thực hiện kế hoạch.
(3) Tiếp tục giáo dục ý thức trách nhiệm, nâng cao tinh thần làm chủ, động viên CNVC tích cực tham gia học tập văn hoá, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn. Phát động công nhân viên đọc sách báo thường xuyên để nắm vững tình hình thời sự trong nước và quốc tế.
(4) Phối hợp với cơ quan chuyên môn chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho CNVC, trong đó tập trung vận động thực hiện khoán sản phẩm để vừa nâng cao năng suất lao động vừa tăng thu nhập tiền lương, phát động phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho CNVC.
 (5) Tiếp tục xây dựng và phát triển tổ chức công đoàn Ngành, đưa số đoàn viên công đoàn từ 144.500 người tiếp tục tăng lên, phấn đấu đạt tỷ lệ 85-90% tổng số CNVC toàn Ngành.
Nghị quyết đưa vào thực hiện chưa được bao lâu thì cục diện cách mạng hai miền có những biến đổi nhanh chóng. Ở miền Nam, bị thất bại hoàn toàn trong “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang “Chiến tranh Cục bộ”, đưa 550.000 quân Mỹ và chư hầu vào tham chiến tại các chiến trường. Sau cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc bộ”, Mỹ bắt đầu ném bom phong tỏa miền Bắc hòng cắt đứt chi viện của miền Bắc XHCN với miền Nam ruột thịt.
Miền Bắc XHCN đang từ hòa bình chuyển sang chiến tranh. Ngành Kiến trúc ngay lập tức phải chuyển hướng mục tiêu và nhiệm vụ công tác để thích ứng với hoàn cảnh thời chiến. Trước mắt, Công đoàn Kiến trúc phải động viên cán bộ, CNVC huy động mọi lực lượng sơ tán nhà máy, hầm mỏ về các địa bàn vùng núi xa xôi để tránh những tổn thất do địch đánh phá. Công cuộc kiến thiết xây dựng đang từ trạng thái tập trung qui mô, nay phải chia nhỏ, phân tán để cơ động. Việc sắp xếp lại lực lượng sản xuất đặt ra cho nhiều đơn vị những bài toán mới.
Cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ ngày càng ác liệt, giao thông bị đánh phá ngày càng nhiều, việc cung ứng vật tư kỹ thuật cho nơi sản xuất mới và các nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm cho cán bộ, công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh địch ngày đêm đánh phá ác liệt, Công đoàn đã động viên toàn thể CNVC thực hiện khẩu hiệu: vừa sản xuất vừa chiến đấu, phát động phong trào tòng quân, động viên lực lượng thanh niên lên đường tham gia đánh giặc.
Sự lớn mạnh và trưởng thành của Công đoàn Ngành
Trong những năm đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đa số những công trình công nghiệp và dân dụng do bàn tay người thợ xây dựng Việt Nam tạo nên trong những năm 1957-1965 đã bị đế quốc Mỹ dùng bom đạn san phẳng hoặc làm hư hại nghiêm trọng. Các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Việt Trì, Vinh... bị máy bay Mỹ ném bom nhiều lần; 25 trong số 30 thị xã bị bom Mỹ phá hoại nặng nề, trong đó có 6 thị xã bị đánh bom huỷ diệt là Đồng Hới, Ninh Bình, Phủ Lý (Hà Nam), Bắc Giang, Yên Bái, Sơn La, các thị trấn như Hồ Xá (Vĩnh Linh), Hà Tu (Quảng Ninh)... chỉ còn là đống gạch vỡ. 
Do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nhiệm kỳ II của Công đoàn Kiến trúc Việt Nam phải kéo dài thêm 4 năm. 
Sau nhiều năm tháng chiến tranh, trải qua khói bom, đạn lửa, Công đoàn Ngành vẫn vững bước đi lên, từng bước 
lớn mạnh và trưởng thành, hòa nhịp với từng bước đi lên của cách mạng trong cả nước. Sự ác liệt của bom đạn không làm cho những người thợ Kiến trúc - Xây dựng chùn bước. Trái lại, hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn lại càng làm cho cán bộ, CNVC ngành Kiến trúc và Công đoàn Kiến trúc Việt Nam được tôi luyện, trưởng thành về nhiều mặt:
Thứ nhất là sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng
 Kể từ khi thành lập, đặc biệt là sau Đại hội I, Đại hội II, Công đoàn Kiến trúc Việt Nam đã có sự lớn mạnh không ngừng. Số cán bộ, đoàn viên công đoàn ngành Kiến trúc -Xây dựng liên tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Toàn Ngành đã có 8.076 cán bộ có trình độ trung cấp, đại học, 41.782 công nhân đạt trình độ tay nghề bậc 3 - 7/7. Đây là lực lượng nòng cốt trong tổng số 258.100 CNVC toàn Ngành. Nhiều CĐCS và đoàn viên liên tục đạt “4 tốt”.
Thứ hai là sự đổi mới về công tác công đoàn
Công đoàn các công ty bước đầu được củng cố theo mô hình công đoàn 4 cấp. Một số công đoàn công ty đã tổ chức hoạt động đi sát cơ sở, hướng dẫn giúp đỡ các công đoàn cơ sở thực hiện những Nghị quyết của cấp trên. Một số cán bộ công đoàn công ty đã dành nhiều thời gian đến tận các cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo công tác, giảm bớt giấy tờ, hội họp.
Thực hiện Nghị quyết 24 của Tổng Công đoàn Việt Nam về việc kiện toàn chức năng công đoàn dọc Trung ương và Nghị quyết của Ban Chấp hành Công đoàn Kiến trúc Việt Nam, các công đoàn cơ sở, xí nghiệp và cơ quan Công đoàn Kiến trúc Việt Nam đã được sắp xếp lại gọn nhẹ, xây dựng được chức năng cho từng bộ phận, chức danh cho từng cán bộ, chuyển hướng và cải tiến nội dung công tác bằng cách đi sâu vào tính chất ngành nghề, đi sát cơ sở và tích cực tham gia xây dựng Ngành.
Thứ ba là sự chuyển biến về nhận thức tư tưởng
Nhờ làm tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng, cán bộ, CNVC ngành Xây dựng ngày càng nhận thức sâu sắc về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí độc lập tự do, từ đó có nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của ngành Xây dựng trong sự nghiệp cách mạng của cả nước, sẵn sàng tham gia tích cực vào sản xuất chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
CĐXDVN