title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Đại hội Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ I
Thứ hai, 13/03/2023 - 13:34
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II họp từ ngày 23 - 27/2/1961, tại Hà Nội
Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng do Đại hội Đảng lần thứ III (1960) đề ra, nhân dân hai miền Nam - Bắc phấn khởi thi đua lập công thực hiện nhiệm vụ cách mạng cụ thể của mỗi miền.
Ở miền Bắc, trong không khí náo nức xây dựng CNXH, những người thợ Kiến trúc - Xây dựng Việt Nam đứng trước những trách nhiệm nặng nề: một mặt, cần tiếp tục khôi phục các cơ sở sản xuất cũ, mặt khác cần phải xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp, công trường mới theo hướng làm ăn lớn để tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại.
Ở miền Nam, thực hiện luật 10/59, chính quyền Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, đã lê máy chém khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn đàn áp dã man phong trào cách mạng, tiêu diệt những người kháng chiến cũ. Cùng với những người yêu nước, công nhân Kiến trúc - Xây dựng miền Nam đã phát huy tích cực truyền thống yêu nước và tinh thần bất khuất của giai cấp công nhân Việt Nam, đoàn kết một lòng, thành lập nhiều nghiệp đoàn theo ngành nghề để đấu tranh bảo vệ quyền lợi và giúp đỡ lẫn nhau trước sự o ép của địch. Giai đoạn này, Đảng ta đã cử nhiều cán bộ tham gia lãnh đạo các nghiệp đoàn xây dựng kiến trúc để tổ chức và hướng dẫn cho công nhân đấu tranh. Bởi vậy, phong trào đấu tranh của công nhân Kiến trúc - Xây dựng miền Nam đã sớm là động lực cách mạng và là một bộ phận quan trọng trong các lực lượng đấu tranh chính trị của cách mạng miền Nam. Trong 4 năm, từ năm 1955 đến 1959, công nhân Kiến trúc - Xây dựng miền Nam đã phát động nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh dân chủ, đòi hoà bình thống nhất Tổ quốc, phản đối chính sách khủng bố đàn áp của Mỹ - Diệm. Đến năm 1960, với phong trào Đồng Khởi rộng khắp từ Bến Tre đến các tỉnh miền núi và nông thôn, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam chính thức được thành lập. Đây là một tổ chức có vai trò thống nhất các lực lượng chính trị, quân sự trên toàn miền để trực tiếp đấu tranh với Mỹ - Ngụy, đòi thực hiện hiệp thương thống nhất đất nước.
Bộ trưởng Bộ Kiến trúc Bùi Quang Tạo và Thư ký Công đoàn Kiến trúc Việt Nam Vũ Ngọc Quỳnh trò chuyện với cán bộ, công nhân trong Hội thi Năng suất cao
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II họp từ ngày 23 - 27/2/1961, tại Hà Nội. Đại hội đề ra mục tiêu: “Động viên cán bộ, CNVC thi đua lao động, sản xuất, xây dựng CNXH ở miền Bắc với tinh thần: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà”. Đại hội đã chỉ ra nhiệm vụ chung là: “Đoàn kết, tổ chức, giáo dục toàn thể CNVC, phát huy khí thế cách mạng, khí thế làm chủ và tính tích cực sáng tạo của quần chúng làm cho quần chúng mau chóng nắm vững kỹ thuật tiên tiến, để hoàn thành thắng lới sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN, trước mắt là thi đua hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất tổ quốc”. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II đã thống nhất và quyết định đổi tên TLĐLĐVN thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng thời nhất trí thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam gồm 10 chương và 45 điều trong đó qui định cụ thể nhiệm vụ, quyền lợi đoàn viên, nguyên tắc tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của các cấp công đoàn.
Công đoàn Kiến trúc Việt Nam sau hơn 3 năm hoạt động đã tiến hành Đại hội đại biểu thứ I tại Hà Nội. Đại hội diễn ra từ ngày 18 đến ngày 21/4/1961. Đại hội đã thảo luận sôi nổi báo cáo tổng kết công tác công đoàn, rút kinh nghiệm hoạt động công đoàn trong thời kỳ thực hiện kế hoạch 3 năm khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá (1958-1960), thảo luận phương hướng hoạt động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm lần thứ I (1961-1965). Đại hội bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 27 ủy viên chính thức, 5 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Lưu, ủy viên Ban Chấp hành TLĐLĐVN được bầu làm Thư ký, đồng chí Vũ Ngọc Quỳnh được bầu làm Phó Thư ký.
Tháng 2/1963, đồng chí Nguyễn Lưu được điều động lên Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Vũ Ngọc Quỳnh được đề bạt làm Thư ký Công đoàn Kiến trúc Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội đã xác định rõ các mục tiêu và nhiệm vụ của Công đoàn Kiết trúc Việt Nam nhiệm kỳ này là: kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục tư tưởng với phong trào thi đua lao động sản xuất nhằm mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả; tăng cường công tác chăm lo đời sống vật chật và tinh thần cho cán bộ, CNVC. Củng cố tổ chức công đoàn, tạo tiền đề bước sang chặng đường mới của ngành Kiến trúc.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của TLĐLĐVN, Công đoàn Kiến trúc Việt Nam đã kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục tư tưởng với phong trào thi đua lao động sản xuất thực hiện mục tiêu năng suất, chất lượng hiệu quả, thực hiện đúng lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin”.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, Công đoàn luôn luôn quan tâm đến công tác vận động quần chúng, trong đó có công tác dân vận, xem đó là một nhân tố quan trọng, có tính chất quyết định dẫn đến thành công của cách mạng, đồng thời cũng là cơ sở để phát động phong trào thi đua.
Ở nhiệm kỳ này, Công đoàn Ngành đã làm tốt công tác vận động, giáo dục quần chúng, tổ chức lao động đi đôi với bảo vệ lợi ích người lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp lao động chân tay và trí óc. Công đoàn Ngành còn đi sâu vào sản xuất ngành nghề, hướng mọi công tác của công đoàn vào sản xuất, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nâng cao chất lượng đoàn viên công đoàn, phát huy dân chủ, động viên CNVC tham gia tích cực vào công tác quản lý, kinh doanh.
Để nâng cao nhận thức cho đoàn viên, Công đoàn tiến hành tuyên truyền Luật Công đoàn mà Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại kỳ họp thứ 7 đã thông qua và được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký Sắc lệnh ban hành số 108/SL-L10 ngày 5/10/1957; tổ chức học tập hai gương Anh hùng Lao động đầu tiên của Ngành là đồng chí Phan Tính và đồng chí Đoàn Văn Cẩm.
Nhận thức rõ các nhiệm vụ chiến lược do Đảng đề ra, được sự chỉ đạo trực tiếp của TLĐLĐVN, Công đoàn Kiến trúc Việt Nam đã tổ chức cho CNVC và CĐCS nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi trong toàn ngành những năm 1960 - 1961. Tiếp đó là việc quán triệt, triển khai Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (tháng 6/1962) về “Nhiệm vụ, phương hướng xây dựng và phát triển công nghiệp”.
Kết hợp với các đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng trên, Công đoàn Ngành đã phát động các phong trào thi đua rộng khắp trong toàn Ngành nhằm mục tiêu “tất cả cho sản xuất, cho thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá XHCN” mà Đảng đã đề ra. Tiêu biểu là các phong trào: “Tứ bảo”: bảo đảm năng suất, bảo đảm chất lượng, bảo đảm tiến độ và bảo đảm tiết kiệm an toàn mà hội nghị thành lập Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam (16/3/1957) đã phát động. Phong trào thi đua “5 đạt”: đạt và vượt định mức lao động, đảm bảo tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình, sản phẩm tốt, hạ thấp tỷ lệ hao hụt vật tư, đảm bảo vệ sinh an toàn lao động; tổ chức thí điểm việc mở các hội nghị sản xuất, hội nghị CNVC ở cấp công trường, tham gia xây dựng và bàn biện pháp thực hiện kế hoạch; phối hợp với chính quyền động viên CNVC thi đua thực hiện khoán sản phẩm.
Phong trào thi đua đã thu hút gần 5 vạn CNVC tham gia. Từ phong trào rộng lớn này, ngành Xây dựng đã khơi dậy các phong trào hợp lý hoá sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến công cụ như: sử dụng xe cút kít có ổ bi để vận chuyển bê tông, cát, gạch, sỏi, vữa, làm xe bò có móc và giá đỡ để vận chuyển panen, chế tạo cần cẩu mi ni để đưa vật liệu và panen lên cao... Hưởng ứng cuộc vận động này, các phong trào thi đua đã sôi nổi diễn ra hướng vào các nội dung quan trọng như: phát huy sáng kiến, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, cải tiến công cụ; nâng cao năng suất lao động, đạt và vượt tiến độ xây lắp; đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng công trình; thực hành tiết kiệm, đảm bảo an toàn lao động.
Các cuộc thi đua này được gọi tắt là phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất”. Trước hết là sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tận dụng nguyên vật liệu cũ ở công trường 209. Đây là công trường xây dựng Nhà máy Xi măng Hải Phòng, một cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng lớn nhất miền Bắc thời bấy giờ. Nhà máy do thực dân Pháp để lại, máy móc quá cũ, nhà xưởng bị xuống cấp nghiêm trọng, lao động thủ công chiếm tới 70%, công nhân phải làm việc trong những điều kiện vất vả, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của nhiệm vụ xây dựng, kiến thiết đất nước, Đảng và Nhà nước đã quyết định đầu tư gấp rút mở rộng nâng cấp nhà máy. Công trường 209 được thành lập để đảm nhiệm công việc này.
Sau nhiều tháng “chạy đua với thời gian”, cán bộ, công nhân công trường 209, đặc biệt là lực lượng công nhân trẻ đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tận dụng nguyên vật liệu cũ... phấn đấu đạt và vượt tiến độ công trình. Tiếp theo là việc xây dựng hai dây chuyền lò nung số 6 và 7. Được sự giúp đỡ của các chuyên gia Rumani, anh chị em công nhân xây dựng và lắp máy đã lắp đặt thành công hai lò nung mới, góp phần quan trọng vào việc nâng cao công suất của nhà máy.
Sau thành công của phong trào thi đua “Thao diễn kỹ thuật, luyện tay nghề” ở công trường 209, Công đoàn Ngành đã tổng kết, thông báo và phổ biến kinh nghiệm tới khắp các công trường, xí nghiệp. Học tập 209, các công trường xây dựng : Nhà máy Điện Uông Bí, thuỷ điện Thác Bà, cơ khí Cẩm Phả, nhà sàng Cửa Ông, Học viện Thuỷ Lợi, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông, khu nhà lắp ghép Kim Liên, bê tông Chèm, phân đạm Hà Bắc, gạch ngói Thạch Bàn, Từ Liêm, Cầu Đuống, Xí nghiệp khai thác đá số 1, 2, 5, gạch hoa An Dương... cũng đã liên tiếp mở các hội thi thao diễn kỹ thuật, luyện tay nghề, thi thợ giỏi.
Thấy rõ được tác dụng to lớn của phong trào thi đua, đích thân Bộ trưởng Bộ Kiến trúc Bùi Quang Tạo cùng đồng chí Nguyễn Lưu, Thư ký Công đoàn Kiến trúc Việt Nam đã quyết định phát động phong trào thi đua “Năng suất cao” trong phạm vi toàn ngành. Phong trào này tiếp tục được giữ vững và phát triển dưới nhiều hình thức. Cho đến năm 1964, toàn Ngành đã tổ chức được 3 Đại hội “năng suất cao” toàn Ngành.
Sau  các  đợt  phát động, phong trào thi đua cải tiến công cụ, nâng cao năng suất lao động đã có 58 loại công cụ cải tiến đạt năng suất cao cùng hàng ngàn sáng kiến có giá trị, phù hợp với điều kiện, trình độ tổ chức sản xuất thời kỳ đó. Đáng chú ý là các sáng kiến cải tiến kỹ thuật: Phương pháp tổ hợp khối lớn để lắp đặt thiết bị; phương pháp dựng cột điện vượt sông bằng cần cẩu leo; phương pháp cẩu chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng lắp đặt lò nung xi măng; phương pháp sử dụng xe cút kít; phương pháp tổ chức hợp lý kết hợp lao động thủ công và cơ giới; phương pháp trát vảy; phương pháp dùng bàn tà lột trát tường, trát trần panen; phương pháp đặt gá (gabari) cất hàng loạt nan cửa chớp; phương pháp ghép cốt pha từng mảng định hình; phương pháp làm vam uốn sắt; phương pháp bảo dưỡng, bảo quản và vận hành xe ủi, xe xúc…
 
Thực hiện kế hoạch 5 năm (1961-1965), toàn Ngành đã tạo nên giá trị xây lắp là 1 tỷ 798 triệu đồng, sản xuất ra 1 triệu 452.900 tấn xi măng, 6 tỷ viên gạch, 885 triệu viên ngói, 28.600 tấn gạch chịu lửa, 1 triệu viên gạch men sứ, 3 triệu m3 đá các loại, 1 triệu 952.500 tấn vôi.
Qua phong trào thi đua “năng suất cao”, nhiều tổ đội đã được nhận danh hiệu vinh dự này: năm 1961: 9 tổ, 1962: 28 tổ, năm 1963: 41 tổ, năm 1965: 130 tổ. Trong số những tổ đội lao động xã hội chủ ng-hĩa, có 85 đội, tổ liên tục đạt danh hiệu này trong 5 năm liền như: Tổ đá nhỏ ca A, in bao (xi măng Hải Phòng), nề 20-7, mộc 19-4 (Công ty Kiến trúc Hải Phòng), nề 1 (Công ty Xuân Hoà), tổ bê tông 20/7 (Công ty Kiến trúc khu nam Hà Nội). Điều đáng chú ý là trong số 130 tổ lao động xã hội chủ nghĩa của ngành Xây dựng được công nhận vào năm 1965 có 12 tổ mà các tổ viên đều là nữ công nhân.
Từ phong trào thi đua này gần 150 lượt người đã được đào tạo để nâng cao trình độ, tay nghề, nhiều đồng chí phấn đấu đạt thành tích xuất sắc, trong đó có 3 đồng chí được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Nghề xây dựng là một nghề có những đặc thù: Lao động nặng nhọc, độc hại, lưu động, phân tán và chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết khí hậu. Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, Công đoàn Ngành đã nghiên cứu một số vấn đề về tiền lương, chế độ cung cấp lương thực và thực phẩm phù hợp. Ngoài lương, Công đoàn còn thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, CNVC như: xây thêm nhà ở, nhà ăn, nhà trẻ, các hợp tác xã mua bán, mậu dịch quốc doanh, bán thêm các mặt hàng thiết yếu với giá hạ hơn giá thị trường, trợ cấp cho các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn…
Đi đôi với việc cải thiện đời sống vật chất, Công đoàn còn chú ý đến việc chăm lo đời sống tinh thần cho cán bộ, CNVC như: lập các câu lạc bộ, thư viện, tăng cường hệ thống nhà văn hóa, loa đài; kết hợp với các phòng ban chuyên môn, Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao, sinh hoạt văn nghệ, đi nghỉ mát… để cán bộ, CNVC có điều kiện thư giãn, nghỉ ngơi sau các đợt thi đua sản xuất.
Thực hiện chế độ khoán sản phẩm để tăng năng suất, tăng thu nhập, Công đoàn Ngành đã liên tiếp mở các hội nghị nuôi quân, kiểm tra toàn diện về đời sống và phát động phong trào tăng gia sản xuất để cán bộ, CNVC có thêm nguồn thực phẩm tươi sạch. Tiêu biểu cho những đơn vị có phong trào tăng gia sản xuất trong Ngành là: Công ty Kiến trúc Thái Nguyên, công trường xây lắp điện Uông Bí, Công ty Kiến trúc Việt Trì, Công trường II thuỷ điện Thác Bà...
Vấn đề vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh lao động và an toàn lao động cũng được chú ý thường xuyên. Nhiều bệnh xá được xây dựng mới, các phương pháp phòng bệnh như “ba không”, “ba sạch”, “ba diệt”3 đã được tuyên truyền sâu rộng trong CNLĐ.
Riêng vấn đề bảo hộ lao động, nhiều năm liền Công đoàn Ngành đã phối hợp với Bộ Kiến trúc thường xuyên kiểm tra an toàn lao động ở các công trường, xí nghiệp. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong nhiều lần xuống thăm các xí nghiệp, nhà máy, cán bộ, CNVC ngành Xây dựng luôn nhắc nhở lẫn nhau không được lãng phí, thực hiện tốt vệ sinh, an toàn lao động.
Qua các đợt kiểm tra đã kiến nghị với cơ quan quản lý doanh nghiệp các cấp khắc phục kịp thời những thiếu sót về trang bị phòng hộ lao động, đảm bảo điều kiện an toàn lao động cho công nhân, viên chức.
Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội Công đoàn Kiến trúc Việt Nam lần thứ I có ý nghĩa to lớn trong phong trào công nhân và hoạt động của công đoàn Ngành, đánh dấu mốc quan trọng, khởi đầu cho một chặng đường mới về công tác công đoàn.
CĐXDVN