title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Sự ra đời của Công đoàn Xây dựng Việt Nam
Thứ hai, 13/03/2023 - 13:34
Được sự nhất trí của TLĐLĐVN, từ ngày 12 đến 16 tháng 3 năm 1957, tại Câu lạc bộ Đoàn kết, Hà Nội (nay là số nhà 63 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đã diễn ra Hội nghị cán bộ các đơn vị cơ sở thuộc Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc.

Được  sự  nhất  trí của TLĐLĐVN, từ ngày 12 đến 16 tháng 3 năm 1957,  tại  Câu  lạc  bộ Đoàn kết, Hà Nội (nay là số nhà 63 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đã diễn ra Hội nghị cán bộ các đơn vị cơ sở thuộc Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc. Dự họp có 68 đại biểu của 26 cơ sở (trong đó có 16 chiến sĩ thi đua) và đại diện Liên hiệp Công đoàn các tỉnh Thanh Hoá, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nội, Phú Thọ, Lào Cai... Các đồng chí Hà Văn Tính - Uỷ viên thường vụ, Trưởng ban Tổ chức TLĐLĐVN, Trần Đăng Khoa - Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc và một số cán bộ các ban của TLĐLĐVN, các Vụ của Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc dự hội nghị.

Câu lạc bộ Đoàn Kết nay là số nhà 63 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Cán bộ các đơn vị cơ sở thuộc Bộ Thuỷ lợi – Kiến trúc.

Tại Hội nghị, đồng chí Hà Văn Tính, thay mặt TLĐLĐVN đã phát biểu nêu rõ vai trò, nhiệm vụ của công tác xây dựng cơ bản đối với công cuộc kiến thiết đất nước trong những năm đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc cũng như sự cần thiết của việc thành lập các công đoàn ngành nghề, trong đó có Công đoàn ngành Xây dựng cơ bản Việt Nam. Đồng chí Trương Hoà được TLĐLĐVN cử làm Trưởng Ban trù bị thành lập Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam đọc báo cáo về tình hình hoạt động của các công đoàn cơ sở, đề ra những nhiệm vụ công tác công đoàn sắp tới và công bố danh sách 5 đồng chí được Thường vụ TLĐLĐVN thống nhất với lãnh đạo Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc giới thiệu vào Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của Ngành:
Đồng chí Trịnh Tam Tỉnh - Uỷ viên Đảng tổ, Cục phó Cục Xây dựng.
Đồng chí Võ Văn Bản - Trưởng ban chỉ huy công trường xây dựng Nhà máy điện Vinh.
Đồng chí Trần Ý - Trưởng chỉ huy công trường Đài Phát thanh Mễ Trì.
Đồng chí Trương Hoà - Trưởng ban trù bị thành lập Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam, cán bộ công đoàn chuyên trách.
 Đồng chí Nguyễn Văn Dung - Uỷ viên Đảng tổ, Cục trưởng Cục Cơ khí điện nước.
Sau 4 ngày thảo luận, sáng ngày 16 tháng 3 năm 1957, Hội nghị đã nhất trí thành lập Công đoàn ngành Xây dựng cơ bản Việt Nam với Ban Chấp hành lâm thời gồm 5 đồng chí theo giới thiệu của TLĐLĐVN và lãnh đạo Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc. Mười bốn giờ cùng ngày, Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn ngành Xây dựng cơ bản Việt Nam họp phiên đầu tiên để kiện toàn tổ chức và phân công nhiệm vụ cho các ủy viên Ban Chấp hành. Đồng chí Trương Hòa được phân công làm Thư ký.
Trong phiên họp này, Ban Chấp hành lâm thời đã bàn nội dung công tác trong quý II, III và IV năm 1957 và giao cho đồng chí Trương Hoà kiện toàn tổ chức cơ quan Công đoàn Ngành. Sau một thời gian, đồng chí Trần Ý mất, đồng chí Phan Tính, chiến sĩ thi đua toàn Ngành được bổ sung vào Ban Chấp hành Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam.
Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam ra đời là mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị những người công nhân xây dựng Việt Nam.
Như vậy là, từ ngày 16 tháng 3 năm 1957, những người công nhân xây dựng Việt Nam đã chính thức có một tổ chức công đoàn nghề nghiệp của mình.
Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam là một trong những công đoàn ngành nghề ra đời sớm, là thành viên của Công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam.
Trụ sở ban đầu của Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam đặt tại số 1 phố Hàng Vôi, Hà Nội.
Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam đổi tên thành Công đoàn Kiến trúc Việt Nam
Để ngành Kiến trúc hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng ngày càng nặng nề của Nhà nước giao, ngày 29/4/1958, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã quyết định tách Bộ Thuỷ lợi – Kiến trúc ra làm hai bộ: Bộ Thuỷ lợi và Bộ Kiến trúc.
Do tách làm hai bộ, các công đoàn cơ sở thuộc Bộ Thuỷ lợi được bàn giao sang ngành Thủy lợi. Công đoàn Xây dựng cơ bản Việt Nam đổi tên thành Công đoàn Kiến trúc Việt Nam. Trụ sở cơ quan từ số 1, phố Hàng Vôi chuyển về số 5 phố Đường Thành, sau đó về 68 phố Trần Quốc Toản, rồi về số 12, phố Cửa Đông, Hà Nội cho đến nay.
Công đoàn Kiến trúc Việt Nam đổi tên thành Công đoàn Xây dựng Việt Nam
Năm 1973, năm hoà bình đầu tiên trở lại trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là năm mà ngành Xây dựng Việt Nam có những thay đổi quan trọng nhằm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Nhà nước  đã quyết định sát nhập Uỷ ban Kiến thiết cơ bản nhà nước với Bộ Kiến trúc và đổi tên Bộ Kiến trúc thành Bộ Xây dựng. Ngày 12-11-1973, Công đoàn Kiến trúc Việt Nam được Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam ra quyết định đổi tên thành Công đoàn Xây dựng Việt Nam.
CĐXDVN