title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Xuân mới ở VICEM
Thứ hai, 28/02/2022 - 10:05
Đón xuân mới ấm áp, ngập tràn niềm vui, hạnh phúc bởi không chỉ giữ vững “thành trì” sản xuất, kinh doanh trước “bão dịch”; mà còn bởi dịch khó khăn áp lực nhưng hơn 11.665 cán bộ, công nhân viên VICEM có đời sống ổn định, lương bình quân tăng 8,1%, đạt 16,63 triệu đồng/người/tháng.

Đón xuân mới ấm áp, ngập tràn niềm vui, hạnh phúc bởi không chỉ giữ vững “thành trì” sản xuất, kinh doanh trước “bão dịch”; mà còn bởi dịch khó khăn áp lực nhưng hơn 11.665 cán bộ, công nhân viên VICEM có đời sống ổn định, lương bình quân tăng 8,1%, đạt 16,63 triệu đồng/người/tháng.

xuan moi o vicem
Thực hiện hiệu quả mục tiêu kép

Năm 2021 là năm hơn 11.665 cán bộ, công nhân viên, lao động toàn VICEM nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Ngoài tuân thủ Chỉ thị của Chính phủ, hướng dẫn phòng chống dịch của các Bộ, ngành; VICEM còn thực hiện giải pháp đặc biệt, khoa học đó là: Khi địa bàn nguy cơ có dịch thì đội ngũ kỹ thuật của Phòng vận hành trung tâm ăn, ngủ, làm việc tại chỗ, nội bất xuất, ngoại bất nhập, để đảm bảo “trái tim” nhà máy xi măng được giữ vững, toàn bộ hệ thống sản xuất, kinh doanh phân phối của VICEM được an toàn trước đại dịch. Máy vẫn chạy, lò vẫn quay, các nhà máy sản xuất đều. Năm 2021, VICEM sản xuất clinker đạt 21,47 triệu tấn; năng suất trung bình lò nung toàn VICEM thực hiện 64.823 tấn/ngày, cao hơn 64.753 tấn/ngày so với năm trước; sản xuất xi măng đạt 24,1 triệu tấn; tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 29,44 triệu tấn; doanh thu đạt 33.806 tỷ đồng.

Ngoài sắp xếp lao động khoa học hợp lý, chuẩn hóa, tinh gọn, giảm lao động gián tiếp; VICEM và các đơn vị thành viên còn áp dụng khung năng lực theo vị trí công việc; đánh giá hiệu quả và trả lương theo vị trí công việc; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực...

Hiệu quả từ đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo trở thành hơi thở của DN, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, giúp VICEM phát triển xanh, bền vững. Không chỉ tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh; VICEM và các đơn vị thành viên triển khai thành công bước đầu các chương trình thử nghiệm, góp phần giảm sử dụng tài nguyên không tái tạo, giảm chi phí sản xuất. Khát vọng đưa ngành Xi măng trở thành ngành kinh tế tổng hợp, góp phần xử lý môi trường cho đất nước được Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Bùi Hồng Minh lúc đó (nay là Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh) khởi xướng, triển khai đầy tâm huyết; và nay lại được người kế cận là Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh tiếp bước, đẩy mạnh.

Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh khẳng định: Với 10 DN sản xuất xi măng, trong thời gian qua, VICEM tập trung nghiên cứu, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến thiết bị, tối ưu hóa sản xuất, xử lý nút thắt trong dây chuyền sản xuất để nâng công suất, nhằm giảm tiêu hao năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu các chủng loại xi măng mới như xi măng cho công trình ở biển, hải đảo.

Một năm thành công khi nhiều nhà máy gia tăng năng suất: VICEM Hải Phòng nâng năng suất từ 3.300 lên trên 4.000 tấn/ngày, vượt trên 20% công suất thiết kế; VICEM Hoàng Mai nâng năng suất từ 4.100 lên 4.400 tấn/ngày, vượt 10% công suất thiết kế; VICEM Tam Điệp nâng năng suất từ 4.450 lên 4.600 tấn/ngày, vượt 15% so với công suất thiết kế…

VICEM tiếp tục hợp tác cùng FLSmidth nghiên cứu, triển khai áp dụng các nội dung “TUYÊN BỐ HÀ NỘI” về nghiên cứu các sản phẩm mới giảm phát thải ra môi trường, tiết kiệm tài nguyên (đá vôi, sét, than,...) và giảm tiêu hao năng lượng (nhiệt, điện).

Chương trình “Nghiên cứu sử dụng rác thải công nghiệp thông thường làm nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường” tại VICEM Hà Tiên 1, VICEM Bút Sơn, VICEM Sông Thao... đạt kết quả khả quan. Năm 2021, các đơn vị đã xử lý 208.300 tấn rác thải; trong đó VICEM Bút Sơn xử lý khoảng 94.600 tấn (thay thế 21,77% tổng tiêu hao nhiệt năng sản xuất clinker; nhà máy Bình Phước của VICEM Hà Tiên xử lý 74.800 tấn (thay thế 22,7% tổng tiêu hao nhiệt năng); VICEM Sông Thao xử lý 22.000 tấn (thay thế 13,3% tổng tiêu hao nhiệt năng sản xuất clinker).

Chương trình sử dụng bùn thải thay thế sét triển khai tại VICEM Hạ Long và VICEM Bút Sơn, với tổng lượng bùn thải thực hiện năm 2021 là 65.300 tấn, trong đó, VICEM Bút Sơn xử lý khoảng 53.700 tấn (tương ứng thay thế 2,89% nguyên liệu sét trong sản xuất clinker); VICEM Hạ Long xử lý khoảng 11.600 tấn (tương ứng thay thế 2,48% nguyên liệu sét).

Sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker, làm phụ gia trong sản xuất xi măng được đẩy mạnh toàn VICEM. Năm 2021 đã sử dụng khoảng 2,2 triệu tấn; tỷ lệ sử dụng trong sản xuất xi măng là 9,3%; tổng lượng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên khoảng 13,3%, riêng VICEM Sông Thao sử dụng 100% thạch cao nhân tạo.

Tất cả các nhà máy đều lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục và kết nối với cơ quan quản lý môi trường địa phương theo quy định. Kết quả quan trắc đều đạt và thấp hơn giới hạn cho phép; đảm bảo chỉ số bụi; phủ xanh cây, thảm cỏ trong nhà máy và khu vực bãi đất trống…

Đồng thời, triển khai đề án số hóa với hai nhiệm vụ chính là số hóa công tác điều hành, bán hàng và số hóa dây chuyền sản xuất. Trong đó, các nhà máy phải xây dựng lộ trình tự động hóa, trước mắt là khâu thí nghiệm và nghiền, đồng thời đẩy mạnh xây dựng văn phòng điện tử, kết nối kiểm soát khâu lưu thông và logistics, tiến tới hoàn thiện mô hình nhà máy hiện đại, kiểm soát, quản lý theo xu hướng công nghệ 4.0.

Đẩy mạnh tái cấu trúc, đổi mới doanh nghiệp

Là DN xi măng lớn nhất nước và lớn nhất Đông Nam Á, VICEM đảm nhận vai trò dẫn dắt thị trường xi măng Việt Nam. Sở hữu 7 thương hiệu, 10 nhà máy, 16 dây chuyền sản xuất, VICEM đang đẩy mạnh tái cấu trúc, đổi mới DN; từ tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, mô hình tổ chức; cổ phần hoá công ty mẹ VICEM, sắp xếp đổi mới các đơn vị thành viên, đến tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu quản trị DN.

VICEM mạnh dạn tái cơ cấu theo hướng tối ưu hóa hoạt động của mô hình công ty mẹ - công ty con; thoái vốn tại các công ty không thuộc ngành nghề kinh doanh chính; tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, mang lại hiệu quả cao… VICEM dần hình thành các đơn vị sản xuất xi măng quy mô đủ lớn, trình độ công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nhìn lại chặng đường 1 năm qua, Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh vui mừng chia sẻ: Đến nay, các DN đều ổn định, sản xuất kinh doanh tốt. VICEM Hoàng Thạch và VICEM Hà Tiên giữ vững vị trí đầu bảng ở 2 đầu thị trường Bắc - Nam; VICEM Bỉm Sơn và VICEM Hoàng Mai gia tăng thị phần ở miền Trung. Dấu ẩn nổi bật trong tiêu thụ thuộc về VICEM Hải Phòng với mức tăng trưởng tiêu thụ nội địa cao nhất VICEM. Một VICEM Bút Sơn năng động, dám nghĩ dám làm, đổi mới, sáng tạo để đạt chi phí biến đổi tốt nhất VICEM; một VICEM Hạ Long ý chí quật cường đang nỗ lực chuyển từ “nâu” sang “xanh”; VICEM Tam Điệp đang nỗ lực bứt phá….

VICEM tổ chức lại theo hướng là một Tổng công ty đơn ngành (tập trung vào ngành nghề cốt lõi là kinh doanh xi măng) hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Tổng công ty (VICEM Holding) sẽ đảm nhiệm chức năng chính là quản lý vốn và điều phối hoạt động các công ty thành viên. Các công ty xi măng là trung tâm tạo giá trị, dẫn dắt và định hướng chuỗi giá trị của ngành xi măng, từ khâu cung ứng, sản xuất đến khâu lưu thông hàng hóa.

Thời gian tới, VICEM khẩn trương hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ và các Công ty TNHH MTV theo lộ trình cổ phần hóa của Chính phủ và Bộ Xây dựng, để Công ty mẹ VICEM tiếp tục giữ vai trò là trung tâm điều phối, định hướng, hỗ trợ, kiểm soát các công ty thành viên sản xuất kinh doanh để tạo giá trị gia tăng. Công tác sáp nhập thương hiệu yếu vào thương hiệu mạnh được VICEM triển khai quyết liệt và đã hoàn thành.

Chinh phục đỉnh cao mới

Trước thềm xuân mới, người VICEM lại tiếp tục hành trình chinh phục những đỉnh cao, phấn đấu năm 2022: Sản xuất 22 triệu tấn clinker (tăng 2,6% so với thực hiện năm 2021, vượt 16% so với công suất thiết kế); tổng sản phẩm tiêu thụ trên 30 triệu tấn (tăng 3%); doanh thu trên 37.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 2.500 tỷ đồng.

Thực tế chứng minh VICEM có nội lực vững vàng để vượt qua khó khăn; tập thể đoàn kết đồng lòng để đạt chiến thắng kép trong chống dịch và sản xuất; quản trị DN hiệu quả giúp DN tăng trưởng, thu nhập bình quân người lao động tăng cao. Với người VICEM, mùa Xuân như đến sớm, hạnh phúc và ấm no hơn sau 1 năm lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ. VICEM xứng đáng là DN trụ cột của ngành Xi măng Việt Nam.

Xuân về trên khắp mọi miền Tổ quốc nhưng người VICEM vẫn miệt mài lao động, máy vẫn chạy, lò vẫn quay, sản xuất xi măng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước thân yêu!

Theo VICEM