title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Công tác ATVSLĐ, PCCN giai đoạn 2017-2020 của Tổng công ty Xi măng Việt Nam
Thứ năm, 01/10/2020 - 15:46
Ngày 30/9/2020, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ, PCCN) giai đoạn 2017-2020.
Ngày 30/9/2020, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ, PCCN) giai đoạn 2017-2020.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác ATVSLĐ, PCCN giai đoạn 2017-2020 của Tổng công ty Xi măng Việt Nam
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động - TBXH; đồng chí Đỗ Văn Quảng, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Xây dựng Việt Nam; lãnh đạo Vicem; lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên thuộc Vicem.
Giai đoạn 2017-2020, bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Vicem đã quan tâm, thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, PCCN, với mục tiêu: không để xảy ra tai nạn lao động, phát sinh bệnh nghề nghiệp, cháy nổ trong sản xuất và đã đạt được những kết quả tích cực.
Các đơn vị trong Vicem đã chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về lập và tổ chức thực hiện kế hoạch ATVSLĐ, PCCN hằng năm với số tiền hàng trăm tỷ đồng; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, nội quy, quy trình về ATVSLĐ, PCCN; phân công, phân cấp từng đơn vị, từng chức danh quản lý trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ, PCCN. Các đơn vị tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp, như: thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ, pano, khẩu hiệu, bài viết, phóng sự, tọa đàm, mít tinh…với nội dung thiết thực, sát thực tế; tăng cường công tác huấn luyện ATVSLĐ cho các nhóm đối tượng theo quy định.
Công tác vệ sinh, cải thiện môi trường và điều kiện làm việc được duy trì thực hiện. Các công việc như kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống lọc bụi thường xuyên được thực hiện; đồng thời có biện pháp xử lý sự cố kịp thời, đầu tư lắp đặt các thiết bị lọc bụi tay áo, lọc bụi tĩnh điện để ngăn chặn bụi phát tán gây ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Hệ thống quan trắc môi trường làm việc tự động tại các vị trí có nguy cơ ô nhiễm cao được đầu tư để giám sát môi trường. Hằng năm, việc đo kiểm môi trường lao động để đánh giá tác động của các yếu tố có hại tới người lao động được thực hiện, trên cơ sở đó các giải pháp khắc phục cải thiện môi trường làm việc ngày một tốt hơn được đề ra, đảm bảo sức khỏe người lao động. Việc trồng cây, tăng diện tích cây xanh, thảm cỏ những khu đất trống được phát động, tổ chức để tăng độ che phủ. Phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo quy định được trang bị đầy đủ; có sổ theo dõi việc cấp phát và kiểm tra, thử nghiệm, bảo quản.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động được thực hiện tốt. Các đơn vị trong Vicem đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất nhà thi đấu thể thao, sân bóng đá, cầu lông, tennis để người lao động rèn luyện sức khỏe. Việc tổ chức điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp được duy trì tốt. Việc khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động được tổ chức hằng năm.
Hằng năm có trên chục nghìn người được huấn luyện, với số tiền bình quân trên 3 tỷ đồng. 100% máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được đăng ký, kiểm định theo quy định.Tổng diện tích cây xanh trong toàn Vicem là 2,4 triệu m2. Chi phí đầu tư cho công tác vệ sinh lao động trong toàn Vicem bình quân hằng năm trên 33 tỷ đồng. Tổng số tiền mua sắm phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động bình quân hằng năm trên 29 tỷ đồng. Tổng số tiền chi cho công tác chăm sóc sức khỏe, bồi dưỡng hiện vật cho người lao động hằng năm bình quân trên 63 tỷ đồng.
Các đơn vị thường xuyên thực hiện đánh giá yếu tố rủi ro, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp khắc phục, loại trừ; duy trì việc đánh giá rủi ro theo hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn OHSAS 18001; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ, nội quy, quy trình vận hành, biện pháp an toàn tại tổ sản xuất, phân xưởng, nhà máy, nhất là những vị trí có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và đề ra các biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo tuyệt đối ATVSLĐ trong những năm tới. Đó là thường xuyên bổ sung hoàn thiện hệ thống các quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn; xây dựng bộ chuẩn mực an toàn theo 10 chủ đề và triển khai Audit an toàn định kỳ; kiện toàn và nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ quản lý và làm công tác ATVSLĐ, PCCN tại các đơn vị trong Vicem; xây dựng văn hóa ATVSLĐ, PCCN trong Vicem; tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người lao động trong toàn Vicem về công tác ATVSLĐ, PCCN; nâng cao chất lượng huấn luyện ATVSLĐ, PCCN; duy trì hoạt động hiệu quả hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn OHSAS 18001:2007, chuyển sang hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 45001; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra an toàn tại phân xưởng, nhà máy sản xuất, nhất là các vị trí có nguy cơ cao mất an toàn lao động; duy trì chăm sóc cây xanh, thảm cỏ; tăng cường công tác vệ sinh công nghiệp để đảm bảo môi trường lao động Xanh - Sạch - Đẹp.
Tại hội nghị, lãnh đạo Vicem kêu gọi người lao động trong toàn Vicem nâng cao nhận thức, thực hiện tốt quy định của pháp luật về ATVSLĐ; tuân thủ nghiêm quy định, quy trình, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, PCCN trong lao động sản xuất, không để xảy ra tai nạn lao động, phát sinh thêm bệnh nghề nghiệp.
CĐXDVN