title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Ở nơi nào khó, ở đó có VICEM
Thứ năm, 06/08/2020 - 16:12
Trong tổng số hơn 50 nhà sản xuất xi măng cả nước với 86 dây chuyền, tổng công suất 103 triệu tấn/năm thì Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) là DN xương sống, trụ cột của ngành Xi măng Việt Nam.

Trong tổng số hơn 50 nhà sản xuất xi măng cả nước với 86 dây chuyền, tổng công suất 103 triệu tấn/năm thì Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) là DN xương sống, trụ cột của ngành Xi măng Việt Nam.

o noi nao kho o do co vicem

Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh thăm làm việc và tặng quà cho cán bộ công nhân VICEM Hà Tiên.

Trụ cột của ngành Xi măng Việt Nam

Với 7 thương hiệu, 16 dây chuyền có tổng công suất 33 triệu tấn, VICEM vươn lên vị trí DN xi măng lớn nhất Đông Nam Á. Theo TS Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, VICEM đóng vai trò quan trọng, là DN trụ cột, xương sống của ngành Xi măng Việt Nam, bởi họ là DN tiên phong mở đường phát triển nền công nghiệp xi măng, có nền tảng công nghệ, nguồn lực con người, phương thức quản lý, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Từ thời chiến tranh, xi măng VICEM đóng góp lớn cho xây dựng quốc phòng, đến thời hòa bình họ góp phần quan trọng sản xuất xi măng phục vụ CNH, HĐH đất nước. Nhiều công trình trọng điểm, quan trọng đặc biệt của quốc gia đều sử dụng xi măng do VICEM sản xuất.

Cũng theo TS Cung, các DN xi măng tư nhân khác họ kinh doanh lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Nhưng VICEM lại khác, các công trình xây dựng, nhà dân, đường biên giới nơi đèo cao biên giới, vùng xa xôi hẻo lánh đến hải đảo xa xôi… đều có mặt của xi măng thương hiệu VICEM. Chúng ta nhớ những năm khan hiếm xi măng ở miền Nam, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng ở miền Nam lớn nhưng nguồn cung hạn chế, VICEM phải gánh vác nhiệm vụ bình ổn thị trường, chở xi măng từ Bắc vào Nam dù chi phí vận chuyển đội giá xi măng lên cao.

“Những nơi khó khăn, chịu thiệt thòi thì VICEM gánh vác. Các DN xi măng tư nhân không gánh nhiệm vụ này. Vai trò của VICEM rất quan trọng nên khi cổ phần hóa VICEM, Nhà nước vẫn giữ lại trên 50% là vì thế” - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhấn mạnh.

Không chỉ đóng vai trò bình ổn và dẫn dắt thị trường, VICEM còn đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu của ngành, vực dậy nhiều DN xi măng ngoài VICEM làm ăn thua lỗ bên bờ vực phá sản như Tam Điệp, Hạ Long, Sông Thao… Sau khi các DN này về VICEM, toàn bộ hệ thống VICEM vào cuộc tái cơ cấu toàn diện DN thua lỗ, từ tài chính đến tổ chức sản xuất, kinh doanh tiêu thụ, nhân sự… Đến nay, các DN này hồi sinh sức sống mới với năng lực quản trị mới, cách thức làm ăn, tiếp cận thị trường mới, tổ chức sản xuất kinh doanh thay đổi, giúp các DN này thoát lỗ, vươn lên.

Làm tốt công tác an sinh xã hội

Không chỉ là DN đi đầu trong sản xuất kinh doanh, VCEM và các đơn vị thành viên còn trở thành một trong những DN đi đầu trong việc thực hiện công tác an sinh xã hội. Các thành viên nhà VICEM có nhiều đóng góp tích cực như xây dựng trường học, bệnh viện, hỗ trợ xóa nhà tranh vách đất trong Chương trình 30a của Chính phủ; thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tri ân các đối tượng chính sách; xây nhà tình nghĩa, ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, tặng xe đạp, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ lo Tết cho người nghèo…

Trong những năm gần đây, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, VICEM và các đơn vị thành viên đã đóng góp hàng nghìn tấn xi măng, giúp nhân dân địa phương xây dựng đường bê tông nông thôn.

Tháo gỡ rào cản đầu tư

Để hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao: VICEM xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể để thúc đẩy sản xuất kinh doanh 7 - 10%, bảo đảm hiệu quả, phát triển bền vững và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng năng suất lao động từ 7 - 10%; đồng thời VICEM nghiên cứu, tham mưu, đề xuất về chiến lược phát triển ngành Xi măng Việt Nam, VICEM đang nỗ lực đầu tư chiều sâu để cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí, đồng thời mở rộng sản xuất.

Theo Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh, để đảm bảo phát triển bền vững của Tổng công ty thì phải có tăng trưởng. Song song với mở rộng thêm năng lực nghiền xi măng, VICEM đẩy mạnh tăng trưởng theo chiều sâu: tăng doanh thu, tăng cơ cấu sản phẩm, năng suất cao hơn, để duy trì đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Hiện khả năng trưởng của VICEM đang cạn dần vì VICEM đã phát triển mạnh, các dây chuyền sản xuất ổn định, nhiều nhà máy chạy vượt công suất thiết kế. Những năm qua, năng suất lao động tại các nhà máy đều tăng trên 10%, và 2019 có những đơn vị tăng 15 - 20% nhưng yêu cầu mới phải tiếp tục tăng năng suất lao động lên cao.

Để tháo nút thắt, nới rộng khả năng tăng trưởng, bên cạnh việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng về chất lượng, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị DN, xây dựng bộ tiêu chí để kiểm soát hiệu quả hoạt động của từng DN, gắn liền với chiến lược "Phát triển bền vững" thì mở rộng sản xuất cũng được VICEM tính đến.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung, cần tháo gỡ rào cản đầu tư cho DN xi măng Nhà nước. Bởi đầu tư dây chuyền xi măng với DN tư nhân mất khoảng 2 năm là hoàn thành, nhưng DNNN thì thời gian, trình tự thủ tục kéo dài, gây lãng phí. “DN xi măng Nhà nước được làm những cái hợp lý, hiệu quả và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Cuộc cách mạng tháo gỡ rào cản đầu tư bằng cách giảm các thủ tục pháp lý là hết sức cần thiết”, TS Cung đề xuất.

Theo VICEM