Là một trong 11 người Việt Nam có tên trong top 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, nhưng câu chuyện về TS Phạm Việt Thành, khoa Điện - Điện tử, Trường đại học Phenikaa không dừng lại ở thành tích mà cá nhân anh đạt được.
Quan trọng là có ích cho cộng đồng
TS Thành kể, anh đến với khoa học như một cái duyên. Năm 2013, cầm tấm bằng tiến sĩ của Đại học Catania (Cộng hòa Ý) về nước, anh không nghĩ mình sẽ đi theo con đường làm nghiên cứu. Anh định làm công việc về marketing - một nghề “hot” và lương cao. Công việc ấy đảm bảo cuộc sống cho anh hơn bởi trên vai còn nhiều thứ phải lo toan. Tuy vậy, sau khi gặp và nhận được những lời khuyên của thầy dạy từ thời đại học, anh trở lại Đại học Bách Khoa Hà Nội, cái nôi từng đào tạo anh, chính thức làm công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Và trong khoảng 7 năm từ năm 2013 đến nay, TS Thành đã xuất bản hơn 80 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Đặc biệt, các bài báo của TS Thành có chỉ số ảnh hưởng về nghiên cứu quốc tế (H-index) và số lượt trích dẫn cao. Đây là một con số đáng mơ ngay cả với những nhà khoa học quốc tế. Tuy nhiên, với những thành tích này, nhà khoa học thuộc thế hệ 8x chỉ mỉm cười.
Anh tâm sự, số lượng bài bài báo quốc tế chưa phải là thước đo để đánh giá thành quả của một nhà khoa học. Việc có nhiều bài đôi khi còn phụ thuộc vào lĩnh vực mà nhà khoa học theo đuổi. Có những lĩnh vực đòi hỏi phải có nhiều thiết bị máy móc, phải làm nhiều thí nghiệm mới ra được kết quả nên rất khó để có công bố.
Đặc biệt đối với một nhà khoa học tham gia giảng dạy ở trường đại học, bài báo công bố quốc tế chỉ là một phần của công việc bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy. Giảng dạy ở đây không chỉ đơn giản là mang giáo án lên giảng đường mà còn là khả năng truyền tải kiến thức cho sinh viên, chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng, xin đề tài… để từ đó hỗ trợ và tạo cơ hội cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, tạo ra giá trị cho cộng đồng… TS Thành tâm sự:“Mong ước của tôi là đào tạo ra những người trẻ tài năng có ích cho xã hội, tạo ra môi trường học thuật giúp sinh viên trưởng thành trong quá trình học tập và nghiên cứu. Đấy mới là thành công của người thầy, người làm khoa học thực sự”.
Bên tôi là những cộng sự tuyệt vời
Ở tuổi 38, hiện TS Thành đang là trưởng nhóm nghiên cứu “Các hệ thống thông minh thông tin”, một trong 9 nhóm nghiên cứu mạnh vừa được Trường đại học Phenikaa phê duyệt trong năm 2019. Nhiều người hỏi anh có bị áp lực không khi là người “đứng mũi chịu sào” gánh cả một “team” mà yêu cầu về kết quả nghiên cứu là rất nặng.
TS Thành chia sẻ, đối với các nhà khoa học, áp lực luôn là động lực. Đây chính là lý do anh quyết định chuyển về Trường đại học Phenikaa, một trường đại học tư thục. Nhiều người thắc mắc về quyết định này của anh, bởi với năng lực của mình, làm việc ở những môi trường lâu năm có bề dày thành tích, anh sẽ có nhiều cơ hội trong nghề nghiệp hơn.
“Với người làm khoa học, ở đâu cũng có cơ hội cho mình thể hiện. Hơn thế sự dịch chuyển đôi khi là sự cần thiết để thử thách bản thân. May mắn là tôi đã lựa chọn đúng. Trường đại học Phenikaa có sự đầu tư bài bản cho nghiên cứu khoa học, có sự gắn kết chặt chẽ giữa Trường đại học - Viện nghiên cứu - Tập đoàn công nghiệp. Đây là một mô hình ưu việt giúp quá trình đào tạo gắn kết hơn với nhu cầu xã hội, các kết quả nghiên cứu nhanh đi được vào thực tiễn của cuộc sống”.
TS Thành cho biết thêm, Trường đại học Phenikaa đầu tư mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu rất cao đối các nhóm nghiên cứu. Nhưng điều này không làm TS Thành và các cộng sự lo lắng.
“Sát cánh cùng tôi là những cộng sự tuyệt vời. Chúng tôi có cùng chí hướng, đam mê làm nghiên cứu”, TS Thành khẳng định: “Việt Nam có những nhà khoa học giỏi, xuất sắc, nhưng lại thiếu các tập thể xuất sắc. Đó là lý do Trường đại học Phenikaa thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh. Khi chúng tôi sát cánh cùng nhau, tạo ra những tập thể vững mạnh, thành quả sẽ đến”.
Được đầu tư bởi Tập đoàn Phenikaa với kinh phí gần 1.600 tỉ đồng trong giai đoạn 1 (2018 - 2020), Trường đại học Phenikaa đang từng bước hướng tới mục tiêu trở thành đại học đa ngành, xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp và hướng nghiệp; nơi đánh thức và hiện thực hóa tiềm năng; gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển và tạo ra giá trị mới cho cộng đồng. Trường phấn đấu lọt vào top 100 trường đại học tốt nhất châu Á trong vòng 2 thập niên.
Theo Phenikaa