title>Công đoàn xây dựng Việt Nam
[In trang]
Vẫn thiếu nhà trẻ, trường học, trạm y tế nơi tập trung đông công nhân
Thứ tư, 18/12/2019 - 17:08
Đó là một trong những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động được đưa ra nghiên cứu, tháo gỡ tại tọa đàm khoa học “Phúc lợi xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động và vai trò của Công đoàn Việt Nam” do Hội đồng Lý luận Trung ương và Tổng LĐLĐVN tổ chức ngày 18.12 tại Hà Nội.

Đó là một trong những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động được đưa ra nghiên cứu, tháo gỡ tại tọa đàm khoa học “Phúc lợi xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động và vai trò của Công đoàn Việt Nam” do Hội đồng Lý luận Trung ương và Tổng LĐLĐVN tổ chức ngày 18.12 tại Hà Nội.


 
  Toạ đàm thu hút đông đảo đại biểu tham gia. Ảnh: Hải Nguyễn.

Tọa đàm diễn ra dưới sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; GS.TS.Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS. Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; cùng với sự tham gia của các Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ Công đoàn, trong đó có bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội.

Tại Hội nghị, nhiều chủ đề đã được các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ Công đoàn đưa ra, bàn thảo trong đó Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã có bài tham luận với chủ đề "Thực trạng chế độ phúc lợi xã hội cho cán bộ, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá" đã được đánh giá cao từ góc độ lý luận và cả thực tiễn.

Chủ tịch CĐXDVN Nguyễn Thị Thủy Lệ tham gia Tọa đàm và có bài tham luận với chủ đề "Thực trạng chế độ phúc lợi xã hội cho cán bộ, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá".


Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang, những năm qua, Công đoàn đã có nhiều đổi mới cả về nội dung, phương thức hoạt động; đề xuất và tổ chức được nhiều chương trình hoạt động mới như: Chăm lo phúc lợi và triển khai Chương trình phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn; tổ chức “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Mái ấm Công đoàn”, “Quỹ trợ vốn” cho người lao động, chương trình sử dụng thẻ đoàn viên hưởng các ưu đãi giảm giá, nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, đề xuất xây dựng các thiết chế Công đoàn, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vấn đề bức xúc cho công nhân lao động các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách phúc lợi xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động còn một số hạn chế, vướng mắc cần được nghiên cứu, tháo gỡ để nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới.

Một trong số đó là về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động,  thời gian qua, chương trình phát triển nhà ở xã hội tại các thành phố lớn, đã được triển khai, thực hiện dưới nhiều hình thức như bán, cho thuê, cho thuê mua.

Đây là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên cho đến nay, việc đầu tư phát triển loại hình nhà ở này vẫn còn khá chậm bởi những khó khăn về nguồn vốn, ưu đãi thu hút đầu tư, những vướng mắc trong việc bố trí quỹ đất khi phát triển các dự án nhà thương mại, khu đô thị mới; những khó khăn về trình tự, thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Đối với các dự thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo Đề án 655 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng Liên đoàn đã tập trung triển khai thực hiện nhưng đang gặp một số vướng mắc về các vấn đề như: Công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thẩm quyền thẩm định nội dung thiết kế cơ sở; chủ thể ký kết hợp đồng bán nhà ở, hợp đồng cho thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ, thương mại tại tầng 1 các toà nhà ở tại các dự án; việc huy động nguồn lực xã hội; vấn đề hạch toán các chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vào giá bán, giá cho thuê nhà ở...

Từ thực tế cho thấy vấn đề chăm lo phúc lợi xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động cần được nghiên cứu sâu, nhất là các hình thức phúc lợi xã hội và nguồn lực thực hiện. Bên cạnh nguồn lực của nhà nước cần nghiên cứu đẩy mạnh các hình thức huy động nguồn lực xã hội cùng chung tay chăm lo phúc lợi xã hội cho xã hội nói chung và công nhân, viên chức, người lao động nói riêng.

Với trách nhiệm của mình, tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thực hiện các cơ chế chính sách, hình thức phúc lợi xã hội với Đảng, Nhà nước để thực hiện tốt hơn nữa chăm lo phúc lợi xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động.

Theo Báo LĐ